Cách giúp con có lối sống lành mạnh, phòng ngừa nguy cơ sử dụng chất ma túy

GD&TĐ - Cùng với cơ quan chức năng thì phụ huynh cũng cần nhắc nhở, cảnh báo học sinh về các loại ma túy ngụy trang dưới dạng thực phẩm trước khi quá muộn.

Cảnh báo nhiều nguy cơ ma túy thế hệ mới xâm nhập học đường. Ảnh minh họa.
Cảnh báo nhiều nguy cơ ma túy thế hệ mới xâm nhập học đường. Ảnh minh họa.

Nhiều phụ huynh lo lắng về các loại ma túy trá hình

Các loại ma túy được ngụy trang dưới dạng thức uống như thạch hoặc kẹo socola,… với giá rẻ nên dễ tiếp cận với học sinh, sinh viên.

Lo lắng về việc những loại ma túy ngụy trang dưới dạng đồ ăn lại còn là những loại trẻ em thường thích như nước hoa quả, kẹo sô cô la,… chị Nguyễn H.V (Hà Nội) cho hay: “Quá nguy hiểm những đồ ăn thức uống bắt mắt nhưng lại chứa cần sa, ma túy. Đến người lớn nhiều khi còn không phân biệt rõ được huống chi trẻ em.

Tôi rất lo lắng, nhà tôi có 2 bé đang tuổi đi học, ngoài cổng trường giờ tan học, các hàng bán bánh, kẹo thường rất đông học sinh vây quanh để mua. Thông tin về các loại ma túy được trộn trong đồ ăn, thức uống cần được phổ biến nhanh, chia sẻ cho nhiều người biết, nhất là các em học sinh trên cả nước. Tôi nghĩ rằng, cùng với cơ quan chức năng thì phụ huynh, nhà trường cũng cần nhắc nhở, cảnh báo con cái trước khi quá muộn”.

Còn theo chị Thu Hằng (Hà Nội), cùng với phụ huynh, vai trò của nhà trường rất quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các em tránh xa ma túy. Chị Hằng cho rằng, cơ quan chức năng cần “để mắt” đến hàng rong quanh khu vực gần cổng trường học. Còn các trường học phải có những áp phích đặt tại trường để tuyên truyền cho học sinh nhận biết các loại ma túy được ngụy trang dưới những món ăn, thức uống dễ lôi kéo lứa tuổi học sinh.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Mạnh (Thái Bình) cho hay, các em học sinh chưa thể hình dung ra mức độ nguy hiểm của những loại cần sa, ma túy “núp bóng” thực phẩm, do vậy cần có chuyên gia hiểu biết sâu và có cách truyền đạt dễ hiểu cho các học sinh.

“Chỉ cần vài lần truyền đạt tại sân trường với những dẫn chứng cụ thể có thể sẽ giúp các em hiểu rõ tác hại của ma túy từ đó có những đề phòng trước những sản phẩm này” – anh Mạnh nói.

Một số loại chất ma túy được ngụy trang dưới dạng “nước dâu”, “nước xoài”. Ảnh: PB.
Một số loại chất ma túy được ngụy trang dưới dạng “nước dâu”, “nước xoài”. Ảnh: PB.

Cách giúp trẻ vị thành niên tránh xa chất gây nghiện

Thông tin về cách giúp trẻ vị thành niên tránh xa chất gây nghiện, TS.BS Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa con cái sa vào con đường nghiện hút. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong giai đoạn trẻ đang trải qua những thời điểm khó khăn như quá trình thay đổi tâm sinh lý và hình thành nhân cách tuổi dậy thì, chuyển cấp học, chuyển trường hay gia đình có nhiều mâu thuẫn, cha mẹ ly hôn…

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa kỳ (CDC), rượu, cần sa và thuốc lá là những chất được vị thành niên sử dụng phổ biến nhất, 50% học sinh lớp 9 đến 12 đã từng sử dụng cần sa. Việc trẻ ở nhóm tuổi này có nhiều nguy cơ sử dụng các chất gây nghiện, chất ma túy có nhiều nguyên nhân. Trẻ vị thành niên luôn tò mò, muốn thử trải nghiệm tìm cảm giác lạ, muốn tự khẳng định bản thân và có xu hướng mạo hiểm.

Một lý do khác khiến trẻ vị thành niên tìm đến các chất gây nghiện chính là muốn thoát khỏi các áp lực rất đa dạng trong cuộc sống như các stress trong gia đình (bố mẹ mâu thuẫn, ly thân..,), áp lực trong nhà trường (thi cử, học tập…) và stress trong các mối quan hệ bạn bè, tình yêu… Trong đó, trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ bạn bè. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý và quan tâm đến bạn bè của con để giúp con tránh chịu ảnh hưởng xấu, bị lôi kéo sử dụng chất ma túy.

Gần gũi, làm bạn với con, giúp con có sự cân bằng hợp lý giữa học tập, nghỉ ngơi thư giãn và thể thao là cách các bậc phụ huynh nên làm để giúp con có lối sống lành mạnh, phòng ngừa nguy cơ sử dụng chất ma túy.

Một số dấu hiệu gợi ý nguy cơ trẻ có thể đã sử dụng chất ma túy như: rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, thức suốt đêm hoặc ngủ quá nhiều), sao nhãng các thú vui hoặc sở thích bình thường trẻ vẫn thích, rối loạn hành vi, dễ cáu giận, nhu cầu cần nhiều tiền và kết quả học tập sút kém…

Nếu cha mẹ thấy con có các dấu hiệu như trên, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất (hoặc Bệnh viện Nhi Trung ương) để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, hiện nay, ngoài cần sa, “cỏ Mỹ” có chứa XLR-11 là hợp chất tổng hợp, có cơ chế tác dụng tương tự cần sa nhưng mạnh và nguy hiểm hơn cần sa nhiều lần. Các chất kích thích ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con người, do vậy người dân tuyệt đối không nên sử dụng, dù chỉ dùng thử một lần.

Công an cảnh báo ma túy trộn trong đồ uống, thực phẩm

Cơ quan Công an khuyến cáo, hình thức, thủ đoạn rất mới và những sản phẩm nêu trên nếu được tiêu thụ ở các trường học hay các khu vui chơi thì sẽ rất nguy hiểm, gây tác hại khôn lường cho xã hội. Điều tra, xử lý nghiêm tội phạm ma túy là trách nhiệm của các đơn vị, lực lượng chức năng.

Song trong cuộc chiến gian nan này, nhận thức, ý thức của mỗi người dân cũng rất quan trọng. Người dân không nên sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc.

Cha mẹ kiểm soát việc ăn uống, sử dụng các loại thực phẩm, kẹo của con em mình, luôn cảnh báo cho con về tác hại của ma túy. Người dân cần báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất về nghi vấn việc mua bán các loại thực phẩm, nước uống có chứa chất ma túy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.