Cách giải tỏa tâm lý khỏi cảm giác tức giận kéo dài

GD&TĐ - Nhung đến buổi trị liệu đầu tiên với thái độ không hề ngại ngần. Nhưng khi bắt đầu câu chuyện của mình, giọng điệu của cô không mấy dễ chịu: “Tôi đến gặp chị vì không thể chịu đựng được nữa...".

Cách giải tỏa tâm lý khỏi cảm giác tức giận kéo dài

Tôi ghét cuộc sống của tôi lắm. Tôi luôn tức giận hoặc chán nản. Tôi sắp 30 rồi mà không có một mối quan hệ nào kéo dài được hơn 3 tháng. Tôi dường như không thể giữ được công việc của mình trong hơn một năm. Cô bắt đầu khóc nấc khi thừa nhận: “Tôi thực sự rất bế tắc”.

Với tình trạng của Nhung, tôi nghĩ cô ấy không có cách nào tốt hơn là bắt đầu trị liệu ngay lập tức. Lần nào cô ấy cũng ghé văn phòng của tôi với tâm trạng nặng nề. Cô ấy luôn nói về cuộc sống của mình khốn khổ như thế nào và cô ấy cảm thấy tuyệt vọng ra sao. Cô ấy tin rằng không có gì có thể thay đổi tình hình hiện tại. 

Khi tôi hỏi tại sao, cô ấy nghĩ rằng mình bị mắc kẹt ở nơi làm việc tồi tệ đó, nhưng rất lạ lùng, từ thái độ thờ ơ, cô ấy chuyển sang tức giận, và giọng nói của trở nên gắt gỏng: “Làm thế nào tôi có thể thay đổi? Chị biết không? Tuổi thơ của tôi cũng rất tệ. Bố mẹ tôi ly thân khi tôi lên 5 tuổi. Bố tôi rời khỏi nhà và tôi hiếm khi gặp ông. Thỉnh thoảng ông ấy đưa tôi đi chơi cuối tuần, nhưng tôi chưa bao giờ tin rằng ông ấy thực sự muốn như vậy. 

Tôi nhớ, ông ấy đã gặp một người phụ nữ khác. Mỗi khi đi chơi với tôi, ông ấy không ngừng nói về bà ta. Họ kết hôn khi tôi 7 tuổi, và sau đó bố tôi chuyển đến một thành phố khác. Tôi đến thăm họ 3 hoặc 4 lần một năm. Bà ta có 2 con gái. Chết tiệt! Tôi có thể thấy bố tôi yêu bà ta nhiều như thế nào. Cách ông ấy nhìn bà ta thật là... Ông ấy thậm chí chưa bao giờ nhìn tôi như vậy.

Điên ở chỗ, ông ấy thường xuyên chỉ trích cách ăn mặc của tôi và so sánh tôi với những đứa con riêng của vợ ông ấy. Tôi ghét cay ghét đắng họ. Tôi không bao giờ có thể làm đúng bất cứ điều gì trong khi chúng luôn xinh xắn và hoàn hảo theo cách mà bố tôi muốn. 

Tôi mang câu chuyện này về nhà để phàn nàn với mẹ thì bà tỏ ra khó chịu với tôi. Bà ấy dường như cũng không bao giờ quan tâm đến tôi. Bà ấy chỉ coi trọng công việc, khi tôi lớn lên, tôi thậm chí còn chẳng mấy khi thấy bà ở nhà. Bà ấy không bao giờ can dự vào bất cứ điều gì tôi đã làm.

Tôi nhớ khi tôi nói với mẹ rằng tôi đã được đề nghị ứng cử vào vị trí bí thư lớp ở trường cấp hai, bà ấy cười nhạo tôi và nói: “Vớ vẩn, con sẽ không bao giờ được bầu, vì vậy con đừng tốn công tranh cử làm gì. Con làm gì có khả năng”. Tôi đã tin tất cả những gì mẹ tôi nói về mình. Sau này, khi có bạn trai, bà ấy dành gần như toàn thời gian để ở bên ông ta...

Càng tìm hiểu về thời thơ ấu của Nhung, tôi càng hiểu tại sao cô ấy lại khó có những cảm nhận tích cực về bản thân và không làm thế nào để thốt lên những lời dịu dàng, dù là với chính bản thân mình. Nhung đang mắc kẹt trong việc đổ lỗi cho cha mẹ về cách cô tự nhìn nhận bản thân và cuộc sống của mình.

Tôi không ngừng trăn trở: Điều gì đã khiến cô ấy khó bước tiếp đến vậy? Làm thế nào để trút bỏ cơn giận của cô ấy?... Nhung luôn trò chuyện với tôi với tư cách là một nạn nhân, người luôn phải chịu đựng tác động của sự đối xử tiêu cực trong quá khứ của bố mẹ.

“Họ biết tôi cảm thấy thế nào, và tôi thích cảm giác tôi đang khiến họ cảm thấy tội lỗi”, Nhung thổ lộ. Tôi nhận thấy, ban đầu, cô liên tục nói về mong muốn làm tổn thương bố mẹ của mình. Mong muốn ấy mạnh đến mức khiến cô bật cười khi đang nói: “Thành thật mà nói, tôi thích trả thù”. 

Những buổi trị liệu sau đó, Nhung thường không kiểm soát được sự cáu giận và những lời cay nghiệt khi đón nhận ý kiến phản hồi từ tôi. Đôi khi thái độ của cô ấy khiến tôi có cảm giác xung đột sắp xảy ra. Nhưng may mắn là ngay sau đó, Nhung đã kịp bình tĩnh trở lại, cô thừa nhận: “Về mặt lý trí, tôi hiểu rằng việc tôi mong muốn bố mẹ phải chịu trách nhiệm cho những gì họ gây ra với tôi là hoàn toàn thất bại. Việc tôi cố gắng làm tổn thương họ cũng không đúng. Nhưng tôi chỉ không muốn mang lại cho họ bất kỳ thứ gì tốt đẹp”.

Nhung cũng thừa nhận rằng cô ấy đã không thể chấm dứt sự tức giận và đổ lỗi. Tuy nhiên, vài tuần sau, cô ấy đã được thăng chức, vị trí mới giúp thu nhập của cô tăng lên gấp đôi. Cô cũng nghe lời tôi khi đăng ký vào một lớp học vẽ để giúp tinh thần thoải mái và thư giãn hơn. Chúng tôi bắt đầu chuyển sang hình thức trò chuyện và trị liệu trực tuyến. 

Thật kỳ diệu, sau 2 tháng trò chuyện, Nhung đề nghị tôi dành cho cô ấy một buổi chiều tại một quán cà phê ấm cúng. Ở đó, Nhung đã thốt ra những lời khiến tôi càng thêm yêu công việc trị liệu tâm lý: “Chị à, em muốn cảm ơn tất cả những gì chị đã giúp đỡ em trong thời gian qua. Chị nói đúng, khi em tập trung vào cuộc sống hiện tại, em sẽ bớt tiêu cực. Càng thành công, em càng thấy tâm trạng nhẹ nhõm hơn và muốn mở lòng với tất cả những người xung quanh mình. 

Có những lúc em cảm thấy rất khó để thay đổi, cũng như thật không dễ dàng thoát ra khỏi chu kỳ nóng giận hay từ bỏ hoàn toàn thói quen nói lời cay nghiệt. Điều này cần có thời gian để rèn luyện. Nhưng ngay bây giờ em đã cảm thấy mình tốt lên rất nhiều. Em cảm thấy hạnh phúc vì mình đang làm chủ cuộc sống của mình. Em cảm ơn chị nhiều lắm chị ạ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ