Cách đơn giản của bố giúp tôi theo đuổi ước mơ

GD&TĐ - Vài năm trước, ai gặp tôi cũng hỏi một câu nhàm chán, rằng sự nổi tiếng có làm tôi choáng ngợp không.

Cách đơn giản của bố giúp tôi theo đuổi ước mơ

Lần nào tôi cũng lắc đầu: “Không! Cuộc sống của em gần như không có gì thay đổi. Em vẫn là em thôi. Người ta yêu mến em, em thấy biết ơn, người ta ghét em, em không bận tâm. Nếu không muốn bị làm phiền, em chỉ cần đeo khẩu trang khi ra ngoài”.

Chưa thỏa mãn, họ lại thắc mắc hình như tôi cô đơn lắm khi phải sống như vậy. Tôi cười: “Chẳng phải cô đơn mới là người bạn tuyệt vời nhất của nghệ sĩ hay sao? Em chỉ có thể tập trung vào công việc khi ở một mình. Em thích sự yên tĩnh, à không, em đam mê nó”.

Gần đây họ mới chịu đặt ra những câu hỏi về chuyên môn. Cũng có những câu hỏi khá “sốc”, chẳng hạn như tôi đã từng góp nhặt ý tưởng của ai đó chưa?”. Tôi bảo: “Ngoài âm nhạc của em ra, em không biết bất kỳ một thứ gì khác”.

Có lẽ đến giờ này, người thân vẫn chưa tin tôi có thể thành công với đam mê của mình, trừ một người đặc biệt. Tôi nhớ khi đó là năm cuối cấp 2, chuẩn bị lên cấp 3. Nhiều lần bắt gặp tôi nghêu ngao hát, ông đều yên lặng, coi như không biết.

Tôi vốn là đứa nhút nhát, không bao giờ dám thể hiện những điều mình thích. Cứ thế, ông lặng lẽ quan sát tôi. Một lần, ông khiến cả nhà choáng, chính tôi cũng phải bất ngờ khi ông thủng thẳng nói: “Sau này Trà My nhà mình thi đỗ Nhạc viện thì tuyệt lắm nhỉ!”.

“Bố nghĩ gì thế ạ? Học lực của nó thi lên cấp 3 còn khó, làm sao dám mơ đại học. Đã thế còn đòi học trường nghệ thuật, người ta con nhà nòi còn trượt nữa là. Mới cả bây giờ bố gửi nó đến mấy lò đào tạo cấp tốc cũng chả kịp. Người ta cho con đi học những lớp năng khiếu từ lúc bé tí cơ bố ạ. Nó á, sau này kiếm ông nào giàu giàu rồi cưới, thế là xong cuộc đời”.

Ước mơ của tôi, niềm hy vọng nhỏ nhoi của tôi chưa kịp bùng lên đã bị dập tắt. Nép sau cánh cửa, nước mắt tôi trào ra, tay tôi giữ chặt miệng để không khóc thành tiếng. Câu nói ấy đã chạm đến tận cùng lòng tự ái của tôi. Nhưng rõ ràng anh tôi không nói sai, tôi chỉ là một đứa con gái thấp bé, đen đúa, xấu xí mà dám mơ làm nghệ sĩ.

Lại là bố, người phát hiện tôi đang giấm giúi khóc trong phòng. Vờ như không có chuyện gì, ông đến bên chiếc bàn gỗ kê gần cửa sổ, đặt xuống đó một cuốn sách mỏng. Đợi ông ra khỏi phòng, tôi chạy đến giở cuốn sách ra xem.

“Cuộc sống thường không chật hẹp trong những ngôi nhà, trên những con đường, góc phố, mà chính trong những định kiến và suy nghĩ của con người”. Đó là dòng chữ đã được ông đánh dấu bằng màu mực xanh trên cuốn “Hạt giống tâm hồn” để cho tôi đọc. Một lần nữa, ông lại gieo mầm cho những ước mơ của tôi. Bất kể ai nói gì, tôi vẫn chỉ nghe thấy câu nói của ông: “Con sẽ làm được!”.

Ngày đầu tiên đến thử giọng ở một lớp luyện thanh, tôi gần như là kẻ duy nhất thất bại, thầy giáo nói tư duy tôi quá kém, tôi cũng chẳng có năng khiếu.

Tôi về nhà với vẻ mặt buồn bã. Ông động viên tôi: “Người ta hát bằng tâm hồn, bằng cảm xúc, chứ không hát bằng thanh đới”. Dường như với ông, mọi chuyện diễn ra thế nào không quan trọng, ông chỉ tin vào những điều ông cho là đúng đắn. Tôi học được sự mạnh mẽ, nhẫn nại và kiên định nơi ông.

Rồi tôi cũng hát được, có khán giả bình luận: “Giọng hát hay bây giờ không thiếu, nhưng giọng hát đẹp lại rất hiếm”. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra hạnh phúc cũng có vị riêng của nó, thật ngọt ngào!

Khi tôi còn đang bay bổng, lâng lâng với những gì mình đã làm được. Bố lại là người kéo tôi xuống mặt đất: “Sự nổi tiếng giống như những giọt sương, chúng sẽ tan biến vào buổi sáng. Như thế này chưa đủ! Con cần trở thành một nghệ sĩ đặc biệt. Sao con không viết đi, ý bố là con có thể hát chính những thứ con tự sáng tác ấy”.

“Viết ư? Một đứa chưa từng đạt điểm 8 môn Văn như con làm sao có thể viết? Con sẽ bắt đầu từ đâu và như thế nào?”. “Nghệ sĩ không viết bằng kĩ năng mà bằng bản năng, con sẽ viết được khi con sẵn sàng”.

Như ông nói, mọi thứ sẽ diễn ra đúng thời điểm của nó, đôi khi chính tôi cũng bất ngờ với những gì mình có thể làm được. Tôi từng hứa sẽ viết tặng ông một bản nhạc không lời, bởi tôi biết, thế giới ngôn từ của mình không bao giờ đủ để viết về ông, một người quá đặc biệt với tôi.

Sáng hôm sau, bản nhạc viết tặng ông đã hoàn thiện và đang tựa nghiêm ngắn bên giỏ hoa khán giả tặng. Tôi mở cửa sổ, ngước lên nhìn trời, giọng nói tự phát ra từ trái tim: “Bố ơi! Con làm được rồi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ