Là mẹ của hai nhóc tỳ kháu khỉnh, Thủy Anh - bà xã ca sĩ Đăng Khôi - rất chú trọng tới việc chăm con nhỏ và đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Cô thường xuyên chia sẻ những hình ảnh, bài viết về bí quyết chăm con và nhận được sự quan tâm của các bậc phụ huynh.
Dưới đây là bài chia sẻ với Zing.vn về cách bảo quản sữa mẹ của cựu hot girl Hà Nội.
Hút sữa để trữ đông hay cho con bú trực tiếp?
Nhiều bạn thắc mắc tại sao không cho con bú trực tiếp mà phải hút sữa ra trữ đông cho phiền phức. Tôi đồng ý là cho bé bú, mẹ sẽ nhàn hơn. Sữa mẹ được hấp thụ trực tiếp, ấm nóng và thơm ngon hơn, đồng thời an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, tôi chọn cách vừa cho bé bú trực tiếp trong những tháng đầu, vừa tập cho bé bú bình chứa sữa mẹ. Như thế, bé sẽ ít bện hơi mẹ. Chị em cũng không phải vất vả cai sữa cho con và có thể trở lại với công việc sớm.
Do phải trở lại làm việc sớm và hay đi công tác xa, tôi tập trung hút sữa trong 6-8 tháng đầu. Khi bé bú không hết, tôi tích cực hút sữa để trữ trong tủ lạnh. Đến tháng thứ 8, tôi đã có một tủ sữa đảm bảo cho bé bú đến 1 tuổi. Những lúc đi xa, tôi vẫn hút sữa trữ cho con, con ở nhà không đòi ti mẹ mà vẫn bú bình chứa sẽ mẹ thoải mái.
Thủy Anh dành khoảng 20 phút cho mỗi lần hút sữa dự trữ cho con trai. |
Bảo quản sữa khi đi công tác
Trong 6 tháng đầu, mỗi lần đi ra ngoài từ 3 tiếng trở lên, tôi luôn mang theo bộ hút, bình trữ sữa, bình giữ lạnh mini có đá. Cách 2-3 tiếng, tôi hút sữa một lần để nguồn sữa không bị giãn ra, tránh mất sữa sớm. Sau khi hút, tôi cho vào bình trữ, bọc trong 1 túi nilon có khóa zip, rồi cho vào bình giữ lạnh.
Nếu đi công tác xa, tôi hút sữa 3 tiếng một lần, cho sữa mới hút vào túi trữ sữa, gói thêm trong túi nilon có khóa zip và gửi vào tủ đông của khách sạn. Đến ngày về, tôi chuẩn bị thùng xốp loại 5 kg và cho các túi sữa đông đá được bọc cẩn thận vào trong thùng.
Túi sữa đông không khác gì các cục đá lạnh lớn xếp cạnh nhau, giữ lạnh rất tốt. Tôi đi máy bay, di chuyển 4-5 tiếng đồng hồ,i về đến nhà sữa vẫn không hề bị tan ra.
Nhiều khi di chuyển trên đường cả ngày, không ghé được chỗ nào để hút sữa, tôi ra phía sau hàng ghế ô tô và lấy khăn lớn buộc vào cổ, rồi hì hụi ngồi hút sữa. Nói chung đi đâu, làm gì và bằng mọi cách, tôi cố gắng duy trì sữa cho con. Trong mọi hoàn cảnh, cái khó ló cái khôn.
Bảo quản sữa mẹ
Sau khi bé bú, mẹ hút cho hết sữa cả hai bên ngực. Hết sữa nghĩa là ngực hết căng và không còn cảm giác rân rân sữa về khi hút nữa. Bình thường, tôi hút không quá 20 phút cả hai bên ngực. Sau đó, tôi dồn sữa vào bình trữ sữa (là bình sữa không có ti mà có nắp vặn), cho vào ngăn mát tủ lạnh.
Nếu bé không sử dụng hết trong ngày, tôi chia vào các túi trữ sữa, ghi rõ ngày tháng để nhận biết thời gian lưu trữ (điều này rất quan trọng). Sau đó, tôi mới cho vào tủ đông để cất trữ lâu ngày. Tất cả các loại bình và túi tôi dùng đều có ký hiệu BPA free.
Khi dồn sữa vào túi hay bình, các mẹ lưu ý chỉ đổ khoảng 3/4 là vừa đủ. Tiết kiệm cũng tốt, nhưng tiết kiệm quá bằng cách đổ sữa tràn đầy miệng túi chạm tới khóa zip sẽ dễ làm sữa nhiễm khuẩn, vì khu vực đó tay mẹ hay tiếp xúc nhất. Hơn nữa, khi rã đông, sữa hóa lỏng rất khó đổ ra bình nếu tràn đầy miệng túi.
Tôi để sâu sữa vào phía trong tủ, nếu để ngăn mát tủ lạnh. Không nên để sữa ở cánh tủ lạnh, vì nhiệt độ ở cánh tủ không ổn định, mất lạnh rất nhanh.
Thủy Anh hút sữa cho con ngay cả khi đi công tác xa. |
Những dụng cụ cần thiết trong quá trình bảo quản sữa
Máy hút sữa loại hút 2 bên (tiết kiệm thời gian cho mẹ). Nếu hút 2 bên cùng lúc, tôi thường hút không quá 20 phút. Nên hút cho đến dòng sữa cuối, vì là sữa béo nhiều dinh dưỡng cho bé.
Bình trữ sữa: Tôi thường mua dư ra dùng cho thoải mái, khoảng 6 cái.
Túi trữ sữa: Tôi chọn loại có dung tích lớn nhất, có 2 khóa zip. Cần ghi ngày tháng để dễ kiểm soát hạn sử dụng.
Túi có khóa zip: Dùng để dồn các túi sữa nhỏ và cách ly với các đồ vật khác trong ngăn đá nếu có.
Còn tiếp: Bảo quản trong tủ lạnh, rã đông và cách tính hạn sử dụng sữa mẹ.
Thủy Anh
Ảnh: Thủy Lê