Các yếu tố tác động đến bạo lực học đường

GD&TĐ - Thay vì lên án, chỉ trích bạo lực học đường (BLHĐ), chúng ta hãy nhận diện rõ những yếu tố tác động để có những biện pháp hữu hiệu trong phòng chống và hạn chế vấn nạn này.

Các yếu tố tác động đến bạo lực học đường

Cá nhân

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Ánh Tuyết, Tổng đài Tư vấn trực tuyến Tâm lý học đường, trẻ em lứa tuổi từ 11 đến 17 có sự chuyển biến về tâm lý. Đây là giai đoạn các em phát triển và hoàn thiện nhân cách - lứa tuổi bùng phát năng lượng. Các em đề cao cái “tôi”, thích làm “người hùng” và muốn chứng minh cho mọi người xung quanh là mình đã lớn.

Nếu các em không được giáo dục cẩn thận ngay từ nhỏ ở gia đình, nhà trường, không được chú trọng rèn kỹ năng sống sẽ dẫn đến khả năng ứng xử còn non nớt, nhận thức nhiều hành vi còn sai lệch. Khi gặp phải những tình huống không theo ý muốn như buồn chán chuyện gia đình, tình cảm bạn bè, bị cô mắng, bạn bè trêu đùa, khích bác là sự bực tức, cáu giận trong các em trỗi dậy mạnh mẽ, không kiềm chế được cảm xúc bản thân và phản kháng lại bằng cách gây bạo lực.

Đặc biệt nguy hiểm ở một số học sinh từ nhỏ đã thiếu người chăm lo, dạy dỗ dẫn đến sa vào tệ nạn như nghiện game, ma túy, rượu bia… Khi dùng những chất kích thích gây nghiện này, học sinh thường thích gây hấn, trở nên hung hăng, thích đánh đập, thậm chí giết người vì thần kinh luôn ở trạng thái kích thích, hoang tưởng và hoàn toàn không kiểm soát được lời nói, hành vi của mình.

Gia đình

Gia đình cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến BLHĐ. Nếu cha mẹ và các thành viên trong gia đình tôn trọng nhau, cư xử đúng mực, gương mẫu thì con cái sẽ ứng xử, giải quyết mọi vấn đề đúng đắn theo những chuẩn mực đạo đức mà thành viên gia đình đã hình thành trong quá trình chung sống. BLHĐ ít xảy ra đối với những học sinh có sự giáo dục tốt từ gia đình.

Song thực tế không phải gia đình nào cũng được yên ấm, hạnh phúc. Nhiều gia đình cha mẹ nghiện ngập hay phạm pháp, phải vào tù, ly hôn, gia đình vừa trải qua cú sốc kiện cáo, phá sản hay mất người thân…Nhiều gia đình, cha mẹ chỉ lo làm giàu mà bỏ bê, con cái phó mặc cho người giúp việc. Ít có những bữa cơm thân mật, những buổi nói chuyện, những hoạt động để kết nối tình cảm giữa các thành viên.

Nếu cha mẹ thường xuyên chỉ trích, quát tháo con, các thành viên trong gia đình thường xuyên xúc phạm, chửi bới, đánh đập nhau khiến bạo lực hiện diện trong chính ngôi nhà mình một cách thường xuyên mỗi ngày thì nhân cách của con cái sẽ phát triển theo hướng lệch lạc. Niềm tôn kính cha mẹ mất dần thay vào đó là những buồn chán, những bức xúc tích tụ, dồn nén theo thời gian và hình thành nên nhân cách cáu bẳn, giận dữ, cục cằn… Những tác động xấu từ gia đình gây nên những tổn thương không thể chữa lành và là tác nhân hình thành nên những nhân cách lệch lạc và méo mó cho con trẻ.

Yếu tố nhà trường

Trong nhà trường, nội dung dạy học hiện nay còn nặng về kiến thức văn hóa, chương trình còn ôm đồm, tạo nhiều áp lực lên cả thầy cô và học trò. Các chương trình giáo dục đạo đức – công dân nghiêng nhiều về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn và các tình huống cụ thể. Học sinh không có nhiều thời gian tham gia hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để giúp các em nhận thức được các bài học về giá trị của lòng nhân ái, bao dung, biết nhận diện, lên án và tránh xa các hành vi bạo lực.

Bên cạnh đó, các hoạt động tham vấn hoặc liên hệ với gia đình ở một số trường học chưa được xem trọng. Vai trò của các tổ chức trong nhà trường như Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên chưa được phát huy, chưa làm tốt nhiệm vụ là “cầu nối”, là “người bạn thân thiết với các em”.

Giảng viên Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó khoa Giáo dục Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho biết, một số giáo viên nhất là cấp học mầm non, các nhóm nhà trẻ tư thục chưa sâu sát, quan tâm đến học sinh, chưa mẫu mực trong lời nói, cử chỉ, hành động sư phạm, chưa thực sự yêu thương học trò. Những năm vừa qua xảy ra một số vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở các nhóm nhà trẻ tư thục là một hành vi đáng lên án và cần phải được nghiêm trị để làm gương.

Xã hội

Cũng theo bà Ánh Tuyết, những mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường đã tác động không nhỏ đến lối sống của giới trẻ. Các em đua đòi cuốn theo lối sống thực dụng, ăn chơi theo những trào lưu mới. Những ảnh hưởng của môi trường văn hóa bạo lực xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Internet, băng đĩa với những bộ phim chém giết rùng rợn hay những bộ phim tâm lý đầy tính nhục dục, phản cảm được phát tán với tần suất dày đặc, thu hút số lượng đông các bạn trẻ theo dõi, truy cập trong đó phần đông là học sinh, sinh viên.

Ở tuổi vị thành niên, mọi nhận thức vẫn còn non nớt, không tránh được ảnh hưởng xấu tới đầu óc các em thông qua những hình ảnh đó. Xu hướng bắt chước, thử nghiệm, muốn làm theo để khẳng định cái “tôi”, khẳng định bản thân là điều dễ hiểu.

Cùng với đó là các tệ nạn xã hội như ma túy, rượu bia, chất gây nghiện… không được quản lý chặt chẽ đang từng ngày đầu độc giới trẻ, là tác nhân gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển tâm sinh lý mà hệ lụy là tình trạng BLHĐ ngày càng lan rộng cả về số lượng cũng như tính chất nghiêm trọng.

Để giải quyết được thực trạng BLHĐ ngoài bản thân mỗi học sinh cần chủ động rèn luyện bản thân, tích cực học tập, tiếp cận với những hành vi lành mạnh còn cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Việc thường xuyên phải chứng kiến cảnh bố mẹ đánh nhau, anh chị em chửi bới xúc phạm nhau khiến các em cảm thấy ngạt thở, bức bối, bất mãn, bị bạo hành ngay chính trong ngôi nhà của mình. Khi gặp những hành vi không theo ý tác động đến, các em sẽ trở thành bản sao của bố mẹ hay các thành viên trong gia đình lấy sự chửi rủa, đánh đập người khác để giải quyết những vấn đề bức xúc của bản thân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…