Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 2.989 vụ cháy, làm chết 73 người, bị thương 163 người; thiệt hại về tài sản 1.590 tỷ đồng. Xảy ra 24 vụ nổ, làm chết 5 người, bị thương 24 người, thiệt hại về tài sản 388 triệu đồng.
Điển hình như vụ cháy ngày 2/2/2018 tại Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Texhong Ngân Long thuộc Khu Công nghiệp Hải Yên, phường Hải Yên, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh gây thiệt hại về tài sản khoảng 350 tỷ đồng; vụ cháy công trình đang thi công thuộc dự án nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 ngày 07/3/2018 tại xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh gây thiệt hại về tài sản khoảng 105 tỷ đồng, nguyên nhân vụ cháy do hàn cắt kim loại; vụ cháy chung cư Carina Plaza ngày 23/3/2018 tại số 1648 đường Võ Văn Kiệt, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh khiến 13 người chết, 51 người bị thương.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, lực lượng Cảnh sát PCCC đã thực hiện 2.897 vụ cứu nạn, cứu hộ (CNCH), trực tiếp cứu được 452 người; hướng dẫn cho hàng nghìn người thoát nạn an toàn; tìm được 326 thi thể người bị nạn bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Theo Cục PCCC, so với cùng kỳ năm 2017, tình hình cháy đã giảm 3/4 tiêu chí (số vụ cháy, số người chết và thiệt hại về tài sản). Tuy nhiên, tình hình cháy nhà dân vẫn chiếm tỷ trọng lớn (1.352/3.088 vụ), chiếm 43,8% tổng số vụ cháy. Trong đó, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người chủ yếu xảy ra tại khu chung cư, nhà dân có kết cấu theo dạng nhà ống, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Hầu hết các công trình này đều không đảm bảo yêu cầu về an toàn PCCC như thiếu lối thoát nạn, hệ thống thiết bị điện xuống cấp, quá tải, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt không bảo đảm an toàn... Bên cạnh đó người dân thiếu kỹ năng xử lý, kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu vẫn do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện; do vi phạm, sơ suất trong quá trình sử dụng lửa trần, xăng dầu, khí đốt, hóa chất...
Trong thời gian tới, lực lượng PCCC sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH.
Cụ thể, lực lượng PCCC sẽ thường xuyên tuyên truyền pháp luật và kiến thức PCCC cho nhân dân và người lao động để nâng cao ý thức, kiến thức PCCC. Tăng cường kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC tại cơ sở, địa bàn mình quản lý.
Hướng dẫn bố trí, sắp xếp hàng hóa, vật tư, vật liệu sao cho đảm bảo an toàn PCCC và đảm bảo nếu có cháy xảy ra cũng không bị cháy lan thành đám cháy lớn. Quản lý chặt chẽ việc cung ứng và sử dụng điện... Các nơi có sử dụng lửa trần và nơi có nguy cơ phát sinh nhiệt phải đảm bảo các nguồn lửa, nguồn nhiệt này cách xa chất cháy không có thể dẫn đến cháy.
Bảo đảm, hệ thống chữa cháy và các phương tiện, dụng cụ chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn phải hoạt động tốt, nếu có hư hỏng thì phải khắc phục và thay thế ngay; bổ sung tăng cường thêm các phương tiện, dụng cụ chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; kiểm tra thực tế, khả năng hoạt động của các hệ thống, phương tiện, dụng cụ chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.
Đồng thời củng cố các sơ đồ thoát nạn, cứu người, đảm bảo nếu có sự cố cháy, nổ xảy ra thì việc thoát nạn, cứu người được an toàn; các thiết bị thông tin liên lạc, cơ chế, quy trình báo cháy và xử lý khi có cháy xảy ra; các vấn đề cần thiết khác có liên quan đến đảm bảo an toàn PCCC và CNCH.
Củng cố lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng dân phòng đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng; kiểm tra tình trạng hoạt động của lực lượng này; các phương án chữa cháy, đề ra các tình huống và các biện pháp xử lý đối với từng tình huống; tổ chức thực tập ít nhất một tình huống phức tạp điển hình nhất.
Tổ chức thường trực chữa cháy và bảo vệ, tăng cường lực lượng trực, có danh sách trực cụ thể (kể cả trực của các cấp lãnh đạo), tăng cường canh gác, tuần tra vào ngoài giờ làm việc và nhất là vào ban đêm.
Đặc biệt, khi có cháy xảy ra thì lực lượng, phương tiện tại chỗ phải tự xử lý được, dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh.