Sau cháy Carina, dân chung cư Hà Nội cấp tập lo phòng hỏa hoạn

GD&TĐ - Tìm mua mặt nạ chống độc, kiểm tra lại thang thoát hiểm, thử hệ thống báo cháy... là việc nhiều nhà sống chung cư giờ mới quan tâm.

Sau cháy Carina, dân chung cư Hà Nội cấp tập lo phòng hỏa hoạn

Vụ cháy khu Carina tại Sài Gòn hôm 23/3 khiến 13 người chết, hơn 50 người bị thương, đã khiến những người sống ở các chung cư lo sợ về tai họa tương tự có thể xảy ra tại nơi mình ở. 

Sáng qua, anh Minh (Trường Chinh, Hà Nội) đã đi mua một chiếc rìu để có thể đập cửa kính, cắt các thanh bảo vệ lan can, ban công cho gia đình dễ thoát thân khi có cháy. Sống trên tầng 15 của một khu chung cư cao cấp, anh Minh rất lo lắng sau khi xem thông tin về vụ cháy ở Sài Gòn. "Hệ thống PCCC của tòa nhà tốt, mình có ý thức giữ gìn an toàn rồi nhưng ở chung cư cả mấy trăm hộ, chẳng biết ý thức người khác thế nào, chuyện gì cũng có thể xảy ra nên cứ phải đề phòng cho tình huống xấu", anh Minh nói. 

Anh Minh cùng các đồng nghiệp sống chung cư rủ nhau cùng đặt mua mặt nạ chống độc, bình cứu hỏa nhỏ và dây thoát hiểm thả chậm để sẵn ở nhà phòng khi cần dùng. 

Một tầng tại chung cư Gemek 2 (An Khánh, Hoài Đức) tự tổ chức hướng dẫn cho cư dân về PCCC, cứu hộ tối 26/3. Ảnh: Lưu Quang Đạt.

Một tầng tại chung cư Gemek 2 (An Khánh, Hoài Đức) tự tổ chức hướng dẫn cho cư dân về PCCC, cứu hộ tối 26/3.

Sống tại một khu chung cư tại Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, chị Bích Đào, 36 tuổi, kể gia đình chị vẫn thót tim khi nhớ lại sự việc xảy ra đúng chiều 23/3. 

"Hôm đó, vừa đi làm về, câu chuyện ai ai cũng nói khi gặp nhau là vụ cháy ở Sài Gòn. Đang lúc người nào người nấy đều lo lắng thì bỗng điện vụt tắt, thang máy tự trôi xuống tầng một, chuông báo cháy kêu ầm ĩ", chị Đào kể. Mọi người chỉ thở phào khi bảo vệ xác định đó là báo cháy giả và "thủ phạm" là một người trong tòa nhà.

"Anh này đi làm thì đọc được tin về vụ cháy, lo lắng quá nên ngay khi về là lập tức bấm thử xem hệ thống chuông báo cháy ở tòa nhà có hoạt động không. Sau khi biết sự việc mọi người vừa mừng vừa trách anh sao không bấm thử vào giờ khác, thay vì lúc cao điểm mọi người vừa đi làm về, tập trung ở thang máy rất đông", chị Bích Đào kể. 

Chị cho biết, sau thông tin về thảm họa, dân cư tòa nhà chị cũng nhắc nhau nâng cao ý thức để tránh nguy cơ này. Một số cư dân ngày ngày đi dọc thang bộ để kiểm tra cửa thoát hiểm có bị mở không và góp ý với mọi người không được chèn gạch, đá vào đó. 

"Khu nhà mình cũng có vài lần "cháy hụt" rồi nên cũng lo, lần thì có nhà nướng khoai khét lẹt quên trong lò vi sóng, khi thì hơ thớt trên bếp hồng ngoại rồi cứ thế đi làm", chị Đào kể. 

Dân cư một khu chung cư tại Hoài Đức, Hà Nội cảnh báo trong Facebook nhóm về tình trạng mở, chèn gạch đá vào cửa thang thoát hiểm.

Dân cư một khu chung cư tại Hoài Đức, Hà Nội cảnh báo trong Facebook nhóm về tình trạng mở, chèn gạch đá vào cửa thang thoát hiểm.

Khi theo dõi vụ hỏa hoạn tại TP HCM, nhiều cư dân một tòa chung cư cao tầng tại Nghĩa Đô, Hà Nội cũng toát mồ hôi hột khi nhớ lại sự cố xảy ra tại chính tòa nhà mình cách đó đúng 3 ngày.

Chia sẻ trên một diễn đàn mạng, một người dân tại đây cho biết, tối 20/3, đám cháy bùng lên trước cửa một căn hộ ở tầng 9 nhưng chỉ một số hàng xóm kế bên biết bởi chuông báo cháy không kêu.

Khi anh tới hiện trường thì chỉ thấy khói mù mịt khắp hành lang, nước phun tung tóe trước cửa nhà bị cháy, một lúc sau ban quản lý và bảo vệ mới có mặt, thang máy vẫn hoạt động bình thường và không có loa báo cháy.  

Anh cho biết, sau sự việc trên, dân cư mới phát hiện ra rằng hệ thống chuông báo cháy của tòa nhà mình không hề hoạt động, tòa nhà đã bàn giao hơn một năm nhưng chưa từng được diễn tập, đào tạo thực sự về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn. 

"Thực sự quá bất an khi sống ở một nơi như vậy. Chung cư dù cao cấp thế nào, có đủ các dịch vụ tiện ích ra sao nhưng hệ thống PCCC không đảm bảo thì cũng không xứng và chỉ khiến người ở bất an", cư dân này nói. 

Mới chuyển về sống tại một khu đô thị ở An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội) chưa đầy 3 tháng, Kim Thanh giật mình nhận ra lỗ hổng của bản thân về an toàn cháy nổ khi ở chung cư khi ban đại diện cư dân tổ chức hướng dẫn PCCC ngay sau thảm họa ở Sài Gòn.

"Giờ em mới biết không được phép chèn gạch đá vào cửa thang thoát hiểm và chỉ dùng thang này vào mục đích chạy xuống sảnh thoát thân khi có cháy. Trước em vẫn đi bộ mỗi ngày vì nghĩ như vậy vừa đỡ phải đợi thang máy, vừa khỏe người, thậm chí còn nghĩ sao người ta không mở thông cửa để đi cho nhanh", Thanh kể. Cô cũng thừa nhận mình và gia đình không hề tham dự lớp diễn tập phòng cháy chữa cháy ban quản lý tổ chức hồi đầu năm. 

Cô cho biết, rất may là hội cư dân tòa nhà nơi cô ở đã liên tục cập nhật thông tin trên trang Facebook nhóm về các cách bảo vệ an toàn khi có sự cố, thậm chí tổ chức họp từng tầng để phổ biến cho các thành viên. "Tầng mình còn cắt cử nhau mỗi ngày một người sẽ trực kiểm cửa thang thoát hiểm và phòng rác để loại trừ các nguy cơ", Thanh cho hay. 

Anh Đình Nam, một cư dân tòa chung cư tại Văn Quán cũng chia sẻ, ngay sau vụ cháy ở Sài Gòn, nhiều người mới lên trang diễn đàn của khu dân cư hỏi về cách mở tủ đựng bình cứu hỏa dù đã ở đây cả năm. "Nhiều người cũng mới phát hiện ra rằng thang bộ của tòa nhà không hề đánh số tầng và sợ rằng khi chạy cháy thì không biết mình đang ở đâu và chỗ nào là tầng cần đến. Khu dân cư còn đề xuất việc tháo màn quảng cáo trong thang máy để phòng những sự cố do chập điện", anh nói.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.