(GD&TĐ) - Hỏi: Tôi là giáo viên đã có thời gian công tác 38 năm liên tục trong ngành. Tháng 9/2013 tôi nhận chế độ hưu trí. Theo quyết định hưởng chế độ hưu trí hằng tháng và trợ cấp 1 lần của tôi được BHXH tính theo trên cơ sở mức lương tối thiểu là 1.050.000đồng. Trong khi mức lương tối thiểu hiện nay là: 1.150.000đồng (thực hiện từ tháng 7/2013). Xin được hỏi chuyên mục Hộp thư bạn đọc, cách tính như vậy đã đúng chưa? – Nguyễn Trung Sáng – Đồng Nai (Ngtrungsang@gmail.com)
Ảnh minh họa/Internet |
* Trả lời: Về mức lương hằng tháng cho người lao động khi nghỉ hưu được quy định tại Điều 71 Luật Bảo hiểm xã hội như sau: Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 76 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
2. Việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện như quy định tại Điều 53 của Luật này
Còn tại Điều 72 Luật này quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu như sau:
1. Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội trên 30 năm đối với nam, trên 25 năm đối với nữ, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
2. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội kể từ năm thứ ba mươi mốt trở đi đối với nam và năm thứ hai mươi sáu trở đi đối với nữ. Cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Căn cứ vào quy định trên bạn có thể đến cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi bạn đóng bảo hiểm xã hội để được giải đáp thỏa đáng.
* Hỏi: Nhà giáo Nguyễn Tiến Phi ở Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh (ngtienphi@gmail.com) viết thư hỏi chuyên mục Hộp thư bạn đọc: Theo quy định của Nhà nước thì trường hợp nào được hưởng bảo hiểm thất nghiệp và mức trợ cấp được tính như thế nào?
* Trả lời: Tại Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi thất nghiệp;
2. Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội;
3. Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Mức trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Điều 82 Luật này như sau:
1. Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau:
a) Ba tháng, nếu có từ đủ mười hai tháng đến dưới ba mươi sáu tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;
b) Sáu tháng, nếu có từ đủ ba mươi sáu tháng đến dưới bảy mươi hai tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;
c) Chín tháng, nếu có từ đủ bảy mươi hai tháng đến dưới một trăm bốn mươi bốn tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;
d) Mười hai tháng, nếu có từ đủ một trăm bốn mươi bốn tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên.
GD&TĐ Online