Các trường ĐH, CĐ ở đồng bằng sông Cửu Long bàn cách hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

Các trường ĐH, CĐ ở đồng bằng sông Cửu Long bàn cách hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

Những câu hỏi này được đặt ra tại Hội thảo kết nối với chủ đề "Kinh nghiệm hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long". Hội thảo vừa được tổ chức tại Trường Đại học Trà Vinh (TVU) nhằm kết nối, hình thành mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ khởi nghiệp. 

Phó hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, Nguyễn Minh Hòa, cho biết: Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động trực tiếp tới hoạt động đào tạo. Trong bối cảnh đó, để triển khai khởi nghiệp sáng tạo cho học sinh, sinh viên trước hết cần tăng cường công tác truyển thông về khởi nghiệp. Trường Đại học Trà Vinh với "Hệ sinh thái khởi nghiệp", là nơi ươm mầm tài năng khởi nghiệp.  

Việc sớm tạo ra một "Hệ sinh thái khởi nghiệp" và các hoạt động thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho sinh viên là một trong những biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên sau khi ra trường có thể khởi nghiệp, góp phần nuôi dưỡng và phát triển các ý tưởng của sinh viên trở thành những dự án khả thi được triển khai vào thực tế.

Tham luận tại Hội thảo đã làm rõ các vấn đề: Mô hình hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; Câu lạc bộ khởi nghiệp; Hoạt động thông tin, truyền thông về khởi nghiệp; Công tác đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; Các mô hình kinh doanh thử nghiệm; Cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; Quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; Giải pháp thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu khoa học; Không gian làm việc chung, vườn ươm doanh nghiệp; Hợp tác xã sinh viên…

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu, các ý kiến được tập trung vào vấn đề hỗ trợ khởi nghiệp, theo đề án 1665 "Hỗ trợ học sinh - sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025"; Các giải pháp để tạo nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp; Tận dụng kinh tế chia sẻ để thúc đẩy và phát triển.

Ông Nguyễn Đông Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Kiên Giang cho biết: Khởi nghiệp sáng tạo là vấn đề mới, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kiên Giang đã triển khai một số mô hình khởi nghiệp cho HS-SV với quy mô nhỏ. Nhà trường đã gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp để thích ứng tốt với sự thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời thu hút doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp của HS-SV.

PGS.TS. Trần Cao Đệ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Hỗ trợ và Khởi nghiệp Sinh viên, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Kỹ năng nghề nghiệp của SV có thể tốt, tuy nhiên kỹ năng để khởi nghiệp lại là khoảng trống. Nhà trường nên phối hợp với một số doanh nghiệp để bồi dưỡng và nâng cao kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho đội ngũ giảng viên, học sinh và sinh viên. Môi trường cho khởi nghiệp là yếu tố rất quan trọng, đóng vai trò làm nền tảng vững chắc cho khởi nghiệp thành công.

Chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp là một chủ trương lớn của Chính phủ, được hòa chung với chương trình quốc gia khởi nghiệp. Đây là một chương trình thiết thực đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên. 

Tuy nhiên, để chương trình được thực hiện thành công cần có sự vào cuộc của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, nhà đầu tư,..và của toàn xã hội. Các trường nên tích cực triển khai và có biện pháp hỗ trợ sinh viên trong quá trình thực hiện. - TS Nguyễn Minh Hoà khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ