Các tỉnh tiếp tục chịu ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài

Các tỉnh tiếp tục chịu ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài

(GD&TĐ)-Tình hình mưa, lũ lớn kéo dài từ miền Trung đến miền Nam và khu vực Tây Nguyên đã khiến cho đời sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhiều nơi học sinh không đến trường được vì mưa lũ (ảnh MH)
Nhiều nơi học sinh không đến trường được vì mưa lũ (ảnh MH)

Đến ngày 24/9, 1.063 học sinh ở các điểm trường của thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã phải tạm nghỉ học do mưa liên tục làm mực nước lũ ở các huyện, thị đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp lên nhanh.

Tại trường tiểu học Bình Thạnh, nước đã làm ngập tuyến đường dài hơn 1km dẫn vào trường. Có đoạn ngập sâu hơn nửa mét. Vì vậy, từ chiều ngày 21/9, ban giám hiệu trường đã cho 476 em học sinh từ khối 1 đến khối 5 tạm nghỉ học. Trong trường hợp lũ kéo dài, nhà trường sẽ phải cho học sinh nghỉ thêm 1 hoặc 2 tuần nữa.

Tại trường tiểu học Tân Hội I, khu vực xung quanh và đường đi vào trường đều ngập nước, nơi đây có 198 em học sinh đã phải nghỉ học. Trường tiểu học Tân Hội gần đó cũng bị ngập và phải cho 295 em học sinh nghỉ học. Trường Tiểu học Bình Thạnh 1, nước ngập vào tận lớp học và học sinh đã nghỉ từ ngày 22/9.

Hiện nay một số huyện đầu nguồn khác như huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình vẫn chưa có báo cáo tình hình các điểm trường nghỉ học do lũ.

Tại các điểm trường ở Bình Thạnh vốn là những vùng trũng có nơi ngập sâu gần 1 mét nước. Còn điểm trường Trung học cơ sở Tân Hội, mặc dù vẫn còn học sinh tới lớp nhưng cũng sẽ phải nghỉ học trong nay mai vì phía trước sân trường và những đoạn đường quanh trường đều đang ngập. Để đảm bảo chương trình năm học, trường dự kiến sẽ cho dạy bù thứ 7 sau khi trở lại học.

Hiện tại các trường cũng đã phân công các giáo viên trực 24/24 giờ, bảo quản tài sản bàn ghế cũng như thiết bị giảng dạy đồng thời triển khai kế hoạch dạy bù để đảm bảo chương trình học của các em. Tuy nhiên vấn đề lo lắng hiện nay là công tác huy động học sinh ra lớp, nhất là khối đầu cấp khi việc học của các em bị gián đoạn.

Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hồng Ngự đã chỉ đạo các trường thống kê những trường hợp bị ngập nước, chuẩn bị phương tiện đưa đón, hỗ trợ sách vở trong trường hợp bị nước cuốn trôi. Song song đó, sẽ tăng cường công tác huy động học sinh ra lớp.

Theo dự báo, nước ở đầu nguồn tiếp tục lên nhanh, đường vào một số điểm trường tiểu học ở Tân Hội, An Bình Bình đang bị nước đe doạ, các địa phương đang tiếp tục gia cố để bảo đảm cho việc đi lại, nhất là các em học sinh đồng thời tổ chức đưa đón học sinh đến trường để đảm bảo an toàn.

Trong trường hợp mực nước tiếp tục lên cao và ngập sâu thì phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã sẽ tiếp tục cho học sinh nghỉ học và khi nước rút đến đâu sẽ khẩn trương tổ chức dạy lại đến đó.

2 ngày qua, tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi có mưa rất to.  Tại tỉnh Quảng Ngãi, tình hình thời tiết trên biển diễn biến phức tạp, xuất hiện gió giật cấp 7, cấp 8 gây nguy hiểm cho tàu thuyền.

Theo báo cáo từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, đến 20h tối 24/9, vẫn còn 340 tàu với gần 3.600 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó có gần 100 tàu đánh bắt trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa.

Sáng 24/9 có 1 tàu cá chết máy với 21 ngư dân đã được Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cứu sống.

Chiều 24/9, 1 tàu cá khác mang số hiệu QNg 98588 TS bị gãy lái, cong chân vịt không điều khiển được đã được kéo về đảo Lý Sơn an toàn cùng 13 ngư dân

Trước diễn biến xấu của thời tiết, từ trưa 23 đến chiều 24/9, Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi đã liên tục kêu gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu. Theo đó, hàng trăm tàu thuyền đang đánh bắt gần bờ đã vào bờ neo đậu tránh những tai nạn đáng tiếc.

Nếu như những năm trước, ngư dân vẫn lén lút ra khơi khi có lệnh cấm, thì năm nay ý thức của ngư dân đã có sự chuyển biến tích cực.

Theo thống kê của Trạm biên phòng cảng Sa Kỳ, hiện đã có gần 1.000 phương tiện được đưa vào neo đậu tại cảng Sa Kỳ và một số vùng lân cận. Lực lượng biên phòng đã xuống tận nơi hướng dẫn người dân neo đậu tàu thuyền đúng kỹ thuật để tránh va đập khi có gió lớn.

Cũng tại Quảng Ngãi, do mưa lớn kéo dài liên tiếp trong 2 ngày qua đã làm cho tuyến Quốc lộ 24B, đoạn từ huyện miền núi Sơn Hà đi Ba Tơ sạt lở nghiêm trọng tại Km 31, thuộc xã Ba Ngạt, huyện Ba Tơ.

Gần 20 m taluy dương, với khoảng 10.000 m3 đất đá đổ sập xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông trên tuyến đường này. Ngay trong chiều 24/9, huyện Ba Tơ đã huy động nhân lực thu dọn nền đường cho người đi bộ và xe máy qua lại. Tạm thời các phương tiện cơ giới chưa thể qua lại tuyến đường này.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện Ba Tơ đang kiến nghị Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi hỗ trợ phương tiện, thiết bị máy đào, máy ủi lên hiện trường khắc phục nhanh chóng điểm sạt lở nói trên, tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông qua lại tuyến đường này.

Mưa lớn kéo dài, mực nước sông suối trên địa bàn tỉnh Kon Tum dâng cao đã gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng tại địa phương.

Đến 15h chiều 24/9, nước lũ đã làm bồi lấp, cuốn trôi trên 40 ha lúa nước tại các huyện Đắc Hà; Đắc Tô và Kon Rẫy. Nước gây ngập sâu khoảng 3m các cầu: Đắc Wét, Đắc Câu ở xã Đắc Pxi, huyện Đắc Hà khiến giao thông ở đây bị chia cắt. Tại huyện Đắc Tô, đường đi vào khu sản xuất Tân Cảnh - Đắc Ji Zốp bị sạt lở dài 15m, rộng 6m, sâu 1m. Nhiều cầu treo tại các huyện Ngọc Hồi, Kon Rẫy bị sạt mố cầu và đang có nguy cơ bị nước lũ cuốn trôi…

Hiện nước trên sông Pô Kô tại Đắc Mốt, huyện Đắc Tô đã vượt mức báo động 2; các sông Đắc Tờ Kan, Đắc Bla đang xấp xỉ mức báo động 2. Hầu hết mực nước các hồ chứa thủy lợi, như Đắc Yên, Ia Bang Thượng, Đắc Trít, Đắc Lót… mực nước hiện tại đều cao hơn cao trình xả lũ từ 0,1m -4,5m

Phương Nguyên (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.