Sáng 20/7, Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản thông tin đến các sở, ban ngành liên quan để phối hợp triển khai thực hiện trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg (chỉ thị 16) về Danh mục các loại hàng hóa thiết yếu.
Theo đó, danh mục hàng thiết yếu gồm 5 mặt hàng, cụ thể:
Lương thực: Gạo, nếp và các sản phẩm từ gạo, đậu; bắp; khoai; bột, tinh bột và các sản phẩm từ bột, tinh bột.
Thực phẩm: Thực phẩm tươi sống gồm thịt (các sản phẩm từ thịt), thủy sản (các sản phẩm từ thủy sản), rau, củ, quả (các sản phẩm từ rau, củ, quả), trái cây, trứng (các sản phẩm từ trứng); hàng công nghệ thực phẩm gồm bánh, kẹo, muối, bột nêm, gia vị, nước mắm, đường, dầu thực vật, sữa các loại, mì gói các loại, nước uống, nước ngọt đóng chai các loại.
Dược phẩm, xăng, dầu; điện, nước; nhiên liệu.
Các nhu yếu phẩm cần thiết khác: Khẩu trang, sản phẩm dùng để tẩy rửa, diệt côn trùng, vệ sinh cá nhân, nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh.
Các loại hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.
Tại Đồng Tháp, Sở Công thương tỉnh cũng ban hành thông báo về hàng hóa thiết yếu, gồm các mặt hàng về lương thực, lực phẩm, thuốc...
Tuy nhiên, tỉnh Đồng Tháp cũng bổ sung riêng danh mục Các mặt hàng kim khí, điện máy phục vụ các hoạt động của gia đình, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh (vật tư ngành điện dân dụng, công nghiệp, nông nghiệp, điện tử, vật tư ngành nước, vật tư nguyên liệu xây dựng v.v.).
Tương tự các tỉnh, chiều 20/7, Sở Công thương TP Cần Thơ đã ra văn bản hướng dẫn về nhóm hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội.
Theo danh mục hàng hoá thiết yếu của các tỉnh/thành cũng gần như tương tự nhau, Sở Công thương TP Cần Thơ chia danh mục hàng thiết yếu gồm 4 nhóm hàng hoá chính: Nhóm thực phẩm; Nhóm hàng hóa phòng chống dịch - Thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, dược liệu...; Nhóm hàng hóa tiêu dùng; Hàng hóa nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất, nuôi trồng và dịch vụ.
Hiện các địa phương khu vực ĐBSCL đã áp dụng quy định kiểm soát các phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu và hàng hoá phục vụ sản xuất kinh doanh tại các địa phương áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, đối với các phương tiện vận chuyển hàng hoá là các loại hàng mau hỏng (hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh), các loại hàng thiết yếu, hàng hoá phục vụ sản xuất kinh doanh khi lưu thông giữa các địa phương trong khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16 thì không cần đăng ký, không cần dán thẻ nhận diện phương tiện (có mã QRCode) trên xe.