“Năm nay lỗ bao nhiêu?” là câu hỏi thường thấy giữa các ông chủ kinh doanh ngành điện máy đầu năm ngoái. Tuy nhiên, đến cuối năm, ước tính thị trường điện tử - điện máy có doanh số khoảng 110.000 tỷ đồng, tăng 10% với năm 2012.
Năm 2013, thị trường chứng kiến những nhà bán lẻ đua nhau đóng cửa. Đầu năm là Ebest đóng cửa hai chi nhánh tại Sài Gòn và Đà Nẵng. Tháng Chín, Home One sau nhiều tháng cầm cự cũng “giương cờ trắng”.
Nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực này như Trần Anh, Media Mart, Pico, Phan Khang… vẫn còn đó nhưng phải gồng mình chịu lỗ để chờ cơ hội trong những năm sau.
Chưa có con số chính xác nhưng nhiều cửa hàng điện máy nhỏ tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… đã chuyển đổi ngành nghề kinh doanh.
Trong khi đó, các hệ thống bán lẻ lớn như Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động, Chợ Lớn, Dienmay.com, Thiên Hòa, Viễn Thông A… dù không bằng những năm trước nhưng vẫn có lãi đủ sức để tồn tại.
Theo ông Lê Phạm Anh Thy - Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của Nguyễn Kim, mức lãi gộp của những nhà bán lẻ dao động từ 10-15% trên doanh thu.
Còn theo một Tổng giám đốc một hệ thống kinh doanh điện máy, tỷ lệ lãi ròng của ngành điện máy từ 1,5 - 3%. “Với lĩnh vực này, trong khi sức mua kém như vậy, buộc nhà bán lẻ phải có vốn mạnh, chính sách kinh doanh hấp dẫn mới đạt được tỷ lệ lợi nhuận như trên” - Ông bình luận.
Để có được doanh thu tăng nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận, trong năm 2013, những hệ thống bán lẻ đều tăng thêm số lượng siêu thị trên địa bàn toàn quốc.
Trong năm 2013, FPT Shop đã mở thêm 50 siêu thị. Nguyễn Kim đã phủ thêm 6 trung tâm tại Hà Nội, Cà Mau... Chợ Lớn có thêm đại siêu thị ở quận 4 (TPHCM) với số vốn đầu tư lên đến 50 tỷ đồng. Thế Giới Di Động trong năm 2013 cũng mở thêm gần 30 siêu thị.
Theo ông Hồ Đức Trí - Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của Gia Thành, việc nhiều hệ thống bán lẻ có lãi trong năm qua là họ biết cách tổ chức kinh doanh các siêu thị trọng điểm, như Nguyễn Kim có trung tâm tại quận 1, Chợ Lớn có siêu thị trung tâm tại quận 10, Thiên Hòa có 2 trung tâm tại quận 10 và quận 12…
“Những trung tâm này đã đóng góp ít nhất từ 30 - 40% doanh thu cho toàn hệ thống” - Ông Trí nhận xét.
Theo bà Nguyễn Bạch Điệp - Tổng giám đốc FPT Shop, năm 2014 nhiều nhà bán lẻ sẽ phải đối mặt mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn vì có sự tham gia của nhiều đại gia có “máu mặt”. Các hệ thống sẽ phát triển thêm siêu thị vệ tinh, hoàn thiện quy trình kinh doanh…
Nhà phân phối hàng điện máy Gia Thành vừa khai trương siêu thị bán lẻ đầu tiên tại quận 5. Theo giới kinh doanh lĩnh vực này, Gia Thành vừa có nhiều vốn, có quan hệ rộng, có kinh nghiệm trong ngành hàng điện máy, khi nhảy vào lĩnh vực bán lẻ sẽ làm các hệ thống khác “e ngại”. Chiến lược kinh doanh của Gia Thành là “đánh vào giá với nhóm hàng từ tầm trung trở lên”.
FPT Shop sẽ mở thêm 50 siêu thị mới. Nguyễn Kim tiếp tục thực hiện mục tiêu “đến năm 2015 sẽ có tất cả là 50 siêu thị trên toàn quốc”.
Dù không nói rõ trong năm nay sẽ mở thêm bao nhiêu điểm nhưng theo lời ông Thy, có cơ hội là mở siêu thị mới. Dienmay.com cũng sẽ có một cuộc “cách mạng”.
Theo nguồn tin riêng, ông Nguyễn Đức Tài - Tổng giám đốc Thế Giới Di Động - sẽ trực tiếp điều hành Dienmay.com. Một chuyên gia phân tích thị trường nói rằng, Dienmay.com đang “tích hợp” cách quản trị hiện đại của Thế Giới Di Động, cộng với chiêu đánh vào giá của Chợ Lớn và những dịch vụ cao cấp của Nguyễn Kim, và họ sẽ là một “thế lực mới” trong lĩnh vực.
Chợ Lớn đang nắm phân khúc khách hàng bình dân và sẽ giữ chặt nhóm khách hàng này, nhất là chuỗi siêu thị tại các vùng ngoại ô TPHCM và các tỉnh.
Một lĩnh vực mà các nhà bán lẻ đang đấu với nhau gay gắt là tìm kiếm nguồn nhân lực giỏi. “Học tập mô hình kinh doanh hay từ các hệ thống khác, kể cả nước ngoài không khó nhưng quan trọng nhất phải có những “tướng giỏi” mới xoay xở được trong mọi tình huống” - Ông Trí bình luận.