Hãng RIA Novosti ngày 30/11 dẫn bài báo đăng trên tờ Scientific Reports, trong đó giáo sư sinh học MGU Boris Zhivotovsky, cho biết nếu đưa vào tế bào bình thường một lượng nhỏ chất phóng xạ, tế bào đó có thể biến thành tế bào trong tình trạng “thảm họa phân bào", theo đó tế bào tăng thể tích rồi bắt đầu phân chia, và dẫn đến việc phát triển các khối u.
Một lượng lớn tế bào ung thư xuất hiện là do có đứt gãy gene p53. Đây là gene tổng hợp protein, chất chịu trách nhiệm cho thông tin di truyền được toàn vẹn, và khi cấu trúc DNA bị phá hủy tế bào sẽ sinh ra cơ chế tự tiêu diệt (Apoptosis).
Vì vậy mà các tế bào ung thư vốn mang gene p53 bị phá hủy sẽ rất khó bị tiêu diệt - đơn giản vì chúng không có cơ chế tự tiêu diệt.
Tuy nhiên, còn có cơ chế tự tiêu diệt khác, ví dụ như chết rụng tế bào (entosis) và "thảm họa phân bào." Các nhà sinh học đã quan sát thấy rằng “thảm họa phân bào” khiến kích thước tế bào bị tăng đột biến, xuất hiện các nhân thừa và chết đi vào thời điểm bắt đầu phân chia, đồng thời cấu trúc DNA cũng bị phá hủy nghiêm trọng.
Các nhà khoa học gọi "thảm họa phân bào" là một trong những cơ chế tự vệ của cơ thể để tiêu diệt tế bào khi nó biến thành các cấu tạo ung thư và trở nên mối đe dọa đối với sự sống.
Giáo sư Boris Zhivotovsky cùng các cộng sự đã tìm hiểu vai trò của ty thể - một kiểu trạm cung cấp năng lượng cho tế bào - trong quá trình này. Chúng tham gia vào việc khởi động Apoptosis, từ đó các nhà khoa học đã nghĩ đến sử dụng ty thể cả vào quá trình “thảm họa phân bào."
Họ tổng hợp hai chất chống ung thư gồm kháng sinh doxorubicin sản sinh vi khuẩn-streptomycetes và alkaloid colcemide thu được từ một loại hoa, cả hai đều có đặc tính phá hủy hoạt động của hai giai đoạn chính trong chu kỳ phân chia tế bào.
Thí nghiệm cho thấy chất tổng hợp của hai chất trên đã buộc được khoảng 80% tế bào ung thư tự tiêu diệt trong quá trình phân chia.
Các thí nghiệm trên tế bào ung thư trực tràng cho thấy "thảm họa phân bào" không dẫn đến cái chết của tế bào, mà tế bào tự chết. Thứ hai, để khởi động được thảm họa phân bào chỉ cần ngừng cung cấp ôxy cho ty thể và buộc chúng phải sản sinh ra hai “protein tử thần” - Mcl-1 và Bcl-xL.
Hiện tại giáo sư Boris Zhivotovsky cùng cộng sự đang thử nghiệm một số các liên kết đều có thể dẫn đến phản ứng trên của tế bào mà không động chạm đến các tế bào khỏe mạnh khác.
Nếu các thử nghiệm thành công, giới khoa học hy vọng sẽ tạo ra được một thế hệ thuốc chống ung thư mới có hiệu quả hơn nhiều so với liệu pháp hóa trị hay xạ trị hiện nay.