Các mối làm ăn có thể khiến Trump bị nghi công tư bất minh

Hợp đồng thuê mặt bằng với chính phủ và các giao dịch làm ăn ở nước ngoài của ông Trump là hai trong số những yếu tố có thể làm dấy lên nghi ngờ về xung đột lợi ích.

Các mối làm ăn có thể khiến Trump bị nghi công tư bất minh

Sau khi Ivanka Trump xuất hiện trên chương trình truyền hình với chiếc vòng tay hơn 10.000 USD từ thương hiệu trang sức của chính mình, ái nữ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã bị chỉ trích là lợi dụng vị thế của bố để quảng cáo sản phẩm. Công ty của Ivanka sau đó đã phải xin lỗi.

Các chuyên gia về đạo đức làm việc trong chính phủ Mỹ đồng ý rằng các quy định về xung đột lợi ích liên bang không được áp dụng cho tổng thống, nên ông Trump vẫn có thể vận hành việc kinh doanh của mình khi ở Nhà Trắng.

Tập đoàn Trump không có bình luận về vấn đề xung đột lợi ích ngoài một tuyên bố nhắc lại kế hoạch chuyển giao việc kiểm soát công ty từ ông Trump cho ba người con.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng ông Trump khó có thể dập tắt nghi ngờ về xung đột giữa lợi ích cá nhân và lợi ích công nếu ông không bán cổ phần của mình tại khoảng 500 công ty ở hơn một chục nước. Họ cho rằng sự xung đột này có thể khiến chính quyền mới lâm vào các cuộc điều tra và kiện cáo, theo AP.

Luật sư Richard Painter và một nhóm đồng nghiệp đã liệt kê ra những xung đột lợi ích có thể xảy ra nếu ông Trump không từ bỏ cổ phần kinh doanh của mình.

Khách sạn

Ông Trump đã thuê bưu điện của chính phủ ở Washington để biến nó thành khách sạn, bằng hợp đồng được ký kết với chính phủ hơn ba năm trước.

Ngoài tiền thuê cơ sở, ông Trump đã đồng ý trả thêm một khoản hàng năm dựa trên tình trạng kinh doanh của khách sạn. Steven Schooner - Giáo sư tại Đại học George Washington - nói rằng khoản thanh toán này được đàm phán mỗi năm.

"Làm sao một nhân viên chính phủ có thể đàm phán với gia đình Trump thật khách quan và đối xử với họ như bất kỳ nhà thầu khác?" - Ông Schooner đặt câu hỏi.

Ông Schooner cho rằng ông Trump nên chấm dứt hợp đồng vì ngay cả khi gia đình Trump hành động thật quang minh chính đại thì cũng sẽ xuất hiện nghi ngờ về xung đột lợi ích.

Ông chỉ ra thêm rằng với tư cách là tổng thống Mỹ, ông Trump có thẩm quyền bổ nhiệm lãnh đạo mới cho Cục Quản lý Dịch vụ Tổng hợp - cơ quan liên bang đã ký hợp đồng cho thuê và đàm phán giá thuê mỗi năm.

Thương vụ ở nước ngoài

Hoạt động kinh doanh của ông Trump ở nước ngoài làm dấy lên khả năng chính sách đối ngoại của ông có thể được định hình bởi lợi ích kinh doanh của mình, và ngược lại.

Ông Trump có những giao dịch bất động sản tại Hàn Quốc, Philippines, Indonesia, Uruguay, Panama, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác.

Kenneth Gross, chuyên gia tại hãng luật Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom, nói rằng các mối làm ăn của ông Trump sẽ làm tăng nghi ngờ ông nhận được ưu đãi đặc biệt từ nước ngoài vì ông là tổng thống, và điều này có nguy cơ vi phạm Quy định về Lương bổng - hiến pháp Mỹ cấm công chức nhận quà từ chính phủ nước ngoài và công ty nước ngoài mà không có sự đồng ý của Quốc hội.

Chủ nợ

Một trong những chủ nợ lớn nhất của ông Trump là ngân hàng Đức Deutsche, bên đang đàm phán giải quyết với Bộ Tư pháp Mỹ về vai trò của họ trong khủng hoảng tài chính năm 2008. Chính phủ Mỹ được cho là đòi Deutsche 14 tỷ USD để dàn xếp vụ điều tra.

Bộ Tư pháp dưới thời ông Trump liệu có làm việc nhẹ tay với ngân hàng hay không? Không ai biết rõ điều đó, nhưng thực tế, ông Trump cũng sẽ đề cử người đứng đầu cơ quan này.

Các chuyên gia cho rằng ông Trump có thể xử lý vấn đề này bằng cách đảm bảo rằng vụ việc của Deutsche được giải quyết bởi công chức chuyên nghiệp tại bộ, chứ không phải những người được tổng thống chỉ định như bộ trưởng tư pháp.

Công chức chuyên nghiệp không phải lo lắng về việc bị sa thải nếu đi ngược lại mong muốn của ông Trump, nhưng vẫn có thể lo ngại làm phật lòng những lãnh đạo có mối quan hệ với tổng thống.

Thuế

Ông Trump từng lấy việc Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) đang kiểm toán doanh nghiệp của ông làm lý do từ chối công khai hồ sơ thuế. Nhưng trong cuộc tranh luận tổng thống ngày 9/10 với bà Hillary Clinton, ông thừa nhận đã sử dụng khoản lỗ 916 triệu USD năm 1995 để tránh trả thuế liên bang trong nhiều năm.

Khả năng IRS đưa ra quyết định chống lại ông Trump có thể không khác so với thời điểm trước khi ông đắc cử, nhưng rất khó để biết chắc chắn, vì khi trở thành tổng thống, ông Trump sẽ là người đề cử lãnh đạo của cơ quan này.

Ông Trump cũng sẽ có quyền bổ nhiệm nhân sự cho Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia, cơ quan xử lý tranh chấp lao động. Hồi tháng 7, cơ quan này đã ra quyết định chống lại ông Trump trong một vụ việc liên quan đến khách sạn của ông tại Las Vegas.

Kiện tụng

Ông Trump tuần trước chấp nhận chi 25 triệu USD để giải quyết ba vụ kiện cáo buộc gian lận tại Đại học Trump, để ông tập trung vào việc chuẩn bị cho nhiệm kỳ tổng thống. Tuy nhiên, điều này cũng có thể mang lại vấn đề, như ông Trump từng chỉ ra trước đây.

"Khi bạn bắt đầu dàn xếp các vụ kiện, bạn biết chuyện gì sẽ xảy ra không?", ông nói hồi đầu năm nay. "Mọi người sẽ đổ xô đi kiện bạn vì ai cũng nghĩ bạn sẽ chịu nhượng bộ".

Painter cũng nhận xét rằng các đối thủ chính trị của ông sẽ tận dụng cơ hội để thúc đẩy nhiều vụ kiện. Painter cho rằng ông Trump nên bán cổ phần của mình để giảm thiểu nguy cơ tân tổng thống bị phân tâm bởi các vụ kiện. Tuy nhiên, biện pháp này cũng chẳng thể giải quyết triệt để vì ông Trump vốn đã phải đối mặt với rất nhiều vụ kiện.

Nhận xét về tình hình của ông Trump, ông Painter trả lời: "Một mớ hỗn độn".

"Ông ấy không thể tránh xung đột lợi ích, trừ khi ông ấy bán tài sản của mình" - Chuyên gia Gross nói.

Theo Đấu Thầu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.