Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển - Trưởng ban Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020; Bà Vũ Thị Tú Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – Phó Trưởng ban thường trực Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020; đại diện các Vụ, Cục (Bộ GD&ĐT), đại diện các Sở GD&ĐT, các trường cao đẳng, đại học các tỉnh phía Bắc.
Các báo cáo của Sở GD&ĐT, của các nhà trường gửi về Ban quản lý Đề án cho thấy hầu hết các trường đã bám sát trọng tâm Đề án năm 2014: Tăng cương năng lực đội ngũ, xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới toàn diện dạy và học ngoại ngữ.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT thông qua việc khảo sát năng lực giáo viên (GV) ngoại ngữ phổ thông, xây dựng kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng, tổ chức bồi dưỡng GV, tuyển đủ GV ngoại ngữ đạt trình độ chuẩn. Đồng thời có kế hoạch đầu tư trang thiết bị dạy học ngoại ngữ đồng bộ cho các trường, đảm bảo yêu cầu trang thiết bị tối thiểu. Triển khai sử dụng, khai thác và bảo quản các thiết bị một cách hiệu quả.
Đến nay, mới có 26/63 đơn vị gửi danh sách GV, chuyên viên đi bồi dưỡng để tăng cường năng lực cho đội ngũ; 16/63 đơn vị gửi danh sách 3 trường phổ thông điển hình; 16/63 đơn vị gửi danh sách 9 GV và 4 cán bộ quản lý ở các trường điển hình tham gia các lớp bồi dưỡng; 10/63 đơn vị gửi danh sách GV đi tập huấn ở nước ngoài theo chương trình và kế hoạch.
Căn cứ vào các chỉ tiêu các sở GD&ĐT đã lựa chọn được các trường tiểu học, THCS, THPT để xây dựng thành trường điển hình về đổi mới toàn diện dạy và học ngoại ngữ.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đã nêu lên những vướng mắc trong thực tiễn. Lắng nghe và ghi nhận các ý kiến, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo: Thực tế triển khai Đề án vẫn còn nhiều địa phương GV chưa đạt chuẩn. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học.
Để giải quyết tình trạng này, GV có thể nghỉ dạy một thời gian, tập trung cho việc học tập, bồi dưỡng để nâng cao năng lực và đạt chuẩn. Các địa phương cần tạo điều kiện, môi trường, hỗ trợ kinh phí cho GV.
Việc tạo điều kiện cho GV học qua mạng cũng rất cần thiết. Các Sở GD&ĐT có thể liên kết với một số trường ĐH như Viện ĐH Mở, ĐH Ngoại ngữ… để mở những lớp đào tạo từ xa.
Các địa phương thực hiện chương trình mới khi có đủ chuẩn mới được áp dụng. Phải kiểm tra đầu vào của THCS, THPT. Quy định THCS phải được B1, THPT phải được B2.
Việc dạy ngoại ngữ bằng tiếng nước ngoài và giáo viên nước ngoài mới chỉ tiến hành thí điểm, Chính phủ chưa có yêu cầu. Bộ GD&ĐT cũng chưa có quy định chính thức. Nếu địa phương nào triển khai phải xin phép Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT
Về kinh phí Đề án, Bộ GD&ĐT chỉ giao kinh phí cho các Sở theo ngân sách, còn lại sở và tỉnh sẽ có trách nhiệm chi cụ thể cho cơ sở vật chất hay bồi dưỡng GV. Hàng năm Bộ giao chỉ tiêu bồi dưỡng GV chuẩn và nâng chuẩn.