(GD&TĐ) - Quý I/2013 còn ít ngày nữa mới kết thúc, nhưng một số cơ quan chức năng đã bắt đầu đưa ra những chỉ số đạt được của nền kinh tế. Gần nhất là báo cáo sơ bộ của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, công bố chỉ số ước tính của tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đây là 3 chỉ số trọng tâm, khái quát tăng trưởng nền kinh tế thời gian qua, nhiều nhà quản lý cho rằng đó là những kết quả khả quan, là dấu hiệu tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng thực tế có phải như vậy?
Trước hết ở tốc độ tăng trưởng GDP, quý I/2013 ước tính tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn mức tăng 4,64% của quý I/2012. Nếu so sánh rộng ra một chút, GDP quý I/2013 có mức tăng thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng GDP quý I/2011 (tăng 5,53%) và quý I/2010 (tăng 5,84%).
Ảnh minh họa/ Minh Hằng |
Nên nhớ, tăng trưởng GDP của cả nước trong cả năm 2011 là 5,89%. Còn năm 2010, GDP cả nước đạt ở mức 6,78% - một chỉ số trung bình thấp so với nhiều năm trước đó, nhưng là chỉ số đáng mơ ước trong bối cảnh hiện nay. Gần hơn cả là năm 2012, hẳn chúng ta vẫn nhớ, chỉ số GDP cả năm chỉ đạt 5,03% so với tốc độ tăng trưởng của năm 2011. Điều đó cho thấy dẫu chúng ta có thể hy vọng sự cải thiện của GDP cả năm do xu hướng tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, tuy nhiên, cũng một xu hướng khác đã được chứng minh là nếu xuất phát điểm của quý đầu năm thấp, tăng trưởng cả năm cũng khó mà có sự đột biến. Thế nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi nói ngay từ bây giờ rằng nếu không có sự cải thiện, GDP cả năm 2013 nhiều khả năng chỉ có thể bằng hoặc nhỉnh hơn đôi chút so với năm 2012 – một mức tăng đã được coi là thấp kể từ những năm đầu thập niên 1990 trở lại đây. Bởi vậy, với những ý kiến cho rằng có thể lạc quan vào tăng trưởng GDP cả năm 2013 nhìn từ quý I vừa qua, rõ ràng, đó chỉ là những lạc quan… sớm mà thôi.
Xung quanh chỉ số GDP là vậy. Đối với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt được trong quý I/2013 còn đáng quan ngại hơn rất nhiều, với mức tăng chỉ 4,9%, thậm chí còn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 (với mức tăng 5,9%). Đáng quan ngại, nhưng lại dễ giải thích. Chúng ta đều biết rằng hoạt động sản xuất và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước vẫn hết sức khó khăn. Hàng tồn kho cao ngất ngưởng ở hầu hết các lĩnh vực, do sức mua của người dân vẫn thấp, khả năng tiêu dùng của xã hội chưa được cải thiện; xuất khẩu dù đạt được một số kết quả khá nhưng trên bình diện chung vẫn chưa có đột biến do kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi suy thoái. Điều đó cũng tác động ngược lại với kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, khi mà giải phóng hàng tồn kho vẫn được ưu tiên hơn là tập trung cho xuất khẩu. Chưa kể, sản xuất công nghiệp và xây dựng – đóng góp lớn nhất vào chỉ số IIP nói chung – đang thực sự trải qua giai đoạn khó khăn nhất từ trước tới nay bởi sự đóng băng của thị trường bất động sản.
Mức tăng thấp của chỉ số IIP cũng được phản ánh khá rõ nét qua tăng trưởng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I này. CPI tháng 3 ghi nhận hiện tượng lạ khi có mức tăng “âm” so với tháng trước đó: Giảm 0,19%. Lần gần đây nhất, CPI có mức tăng trưởng âm là tháng 7 năm 2012, với mức giảm 0,29% so với tháng 6; trong khi chính tháng 6 lại cũng có mức tăng trưởng âm so với tháng trước: Giảm 0,26%. Dẫu không có mức giảm lớn như vậy, nhưng phải từ tháng 3 năm 2009 trở lại đây, CPI của tháng sau Tết Nguyên đán lại mới có mức tăng trưởng âm (CPI tháng 9 năm 2009 giảm 0,17% so với tháng trước). Điều này rất đáng chú ý bởi thông thường tháng sau Tết Nguyên đán, hầu hết quỹ thời gian quy chiếu và rổ hàng hóa để tính toán CPI đều nằm trong giai đoạn tiêu dùng trước, trong và sau Tết - giai đoạn tiêu dùng lớn nhất trong năm. Chỉ có thể lý giải mức giảm của CPI ở thời điểm này là sức mua của người dân – hay nhìn rộng ra là khả năng tiêu thụ xã hội – đang ở mức quá thấp. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng tồn kho cao ngất ngưởng ở hầu hết các lĩnh vực hiện nay, phản ánh sự ảm đạm của thị trường tiêu dùng. Mà năm 2009, cũng là năm mà nền kinh tế nước ta bắt đầu rơi vào khó khăn thực sự, khi mà khủng hoảng kinh tế thế giới khởi đầu tại Mỹ năm 2008 đã dần tác động vào trong nước…
Nếu ở thời điểm khác, sự giảm sụt của CPI sẽ là đáng mừng, đúng với yêu cầu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Nhưng sự sụt giảm của CPI tháng 3 lại đưa đến sự quan ngại nhiều hơn là lạc quan, phản ánh sự bất ổn của nền kinh tế vẫn còn khó lường, đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa trong việc thực thi các chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ, trong đó đặt biệt là Nghị quyết 02 dù được ban hành từ đầu năm nhưng thực tế vẫn chưa phát huy được hiệu quả do độ trễ chính sách.
Đưa riêng rẽ ra, GDP, IIP và CPI là 3 chỉ số khác nhau, nhưng lại có sự ràng buộc, tác động lẫn nhau và cùng phản ánh thực tế của nền kinh tế đang ở mức nào, ít nhất cũng đủ để cảnh báo rằng khó mà có thể chủ quan được; đòi hỏi phải có nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa từ các cơ quan Chính phủ, nếu muốn đạt được các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đất nước mà Quốc hội đã đặt ra cho cả năm 2013.
Nhất Nguyên