Đối phó với… trời nồm

Các bệnh thường gặp

GD&TĐ - Thời tiết nồm ẩm sẽ khiến nhiều người, nhất là với học sinh mắc một số bệnh như thuỷ đậu, sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp...

Dấu hiệu sốt virus ở trẻ nhỏ thường là sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C và đi kèm một số dấu hiệu khác. Ảnh minh họa: INT
Dấu hiệu sốt virus ở trẻ nhỏ thường là sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C và đi kèm một số dấu hiệu khác. Ảnh minh họa: INT

Do vậy, cần có những phương pháp phòng chống giảm thiểu nhiễm bệnh hay điều trị thích hợp để trẻ có sức khoẻ tốt cho học kỳ II.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, thời tiết nồm ẩm cần lưu ý chăm sóc sức khoẻ cho trẻ, nhất là với học sinh đi học ở môi trường đông, tiếp xúc nhiều. Bác sĩ Hằng đưa ra những bệnh thường gặp khi trời nồm.

Thủy đậu

Trong điều kiện thời tiết nồm ẩm, mưa phùn, các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc có thể sinh sôi, gây nên nhiều loại bệnh. Chuyên gia nêu một số căn bệnh dễ mắc phải cần lưu ý trong điều kiện thời tiết này.

Bệnh gây ra bởi virus Varicella Zoster với sự xuất hiện của các nốt nhỏ, tròn mọc khắp cơ thể. Người mắc thủy đậu sẽ có cảm giác ngứa ngáy bởi các mụn nước.

Thời tiết ẩm ướt chính là điều kiện tốt cho nguồn bệnh phát triển và lây lan. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách, các nốt thủy đậu có khả năng bị nhiễm trùng, để lại sẹo. Thậm chí còn dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi hay viêm màng não.

Thủy đậu là một bệnh rất dễ lây truyền. Khi 1 người mang siêu vi thủy đậu nói, hắt hơi hoặc ho... thì các siêu vi đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi. Người khác hít phải bụi đó sẽ lây bệnh ngay.

Thuỷ đậu xảy ra phần nhiều ở trẻ em, nhưng cũng không ít người lớn mắc bệnh này. Thông thường, từ lúc nhiễm phải siêu vi, đến lúc phát ra bệnh, được gọi là thời gian nung bệnh hoặc ủ bệnh là khoảng 2 - 3 tuần.

Sốt virus

Trẻ em là đối tượng dễ mắc sốt virus nhất. Căn bệnh này rất dễ lây lan, có thể tạo thành dịch. Vì vậy, nếu gia đình có trẻ nhỏ bị sốt virus, nên cho trẻ nghỉ học, cách ly và có các biện pháp chăm sóc hợp lý để tránh kéo dài bệnh.

Cần đưa trẻ đến khám ngay tại trung tâm khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ, đặc biệt là trên 39 độ mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng, hoặc trẻ lơ mơ, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục và tăng dần, buồn nôn, nôn khan nhiều lần. Sốt virus rất dễ gây thành dịch nên khi trẻ bị nhiễm bệnh cần cách ly với trẻ khác. Vì thế, cha mẹ không nên cho trẻ ốm đến trường.

Trong số những loại bệnh do virus gây nên hiện đã có vắc-xin phòng bệnh như viêm não Nhật Bản, sởi, quai bị, Rubella, các bậc cha mẹ nên đưa con em đi tiêm chủng đúng lịch tại các cơ sở y tế. Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay, không chỉ phòng cho bản thân trẻ tiêm mà còn tạo độ miễn dịch cho cả cộng đồng.

Bệnh sởi

Sởi là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người mắc bệnh. Tuy lành tính nhưng nếu không có chế độ chăm sóc và điều trị kịp thời nó có thể gây thành các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm phế quản, thậm chí có trường hợp dẫn tới tử vong. Dịch sởi thường bùng phát vào những ngày thời tiết ẩm ướt.

Khi bệnh nhân ho, hắt xì, hay nói chuyện, những giọt nước nhỏ xíu có chứa siêu vi sẽ bắn ra không khí và người khác có thể hít vào hoặc những giọt này có thể rơi xuống một nơi nào đó như mặt bàn, điện thoại… Khi ta sờ vào những nơi này và đưa tay lên mũi hay miệng sẽ bị lây bệnh.

Một khi siêu vi sởi vào cơ thể bệnh nhân, chúng thường mọc vào trong những tế bào đằng sau cổ họng và phổi. Sau đó bệnh sẽ lan khắp cơ thể kể cả hệ hô hấp và da.

Bệnh đường hô hấp

Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh minh họa: INT

Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh minh họa: INT

Thay đổi khí hậu vào thời điểm giao mùa khiến nhiệt độ thay đổi thất thường, từ nóng chuyển sang lạnh và từ nắng chuyển sang mưa trong một ngày. Khi sự biến động nhiệt độ diễn ra nhanh sẽ làm hệ miễn dịch của bạn bị suy yếu. Bên cạnh đó các virus gây bệnh cảm lạnh dễ dàng phát triển và lan truyền hơn trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm.

Đường hô hấp là nơi mà nhiều mầm bệnh dễ dàng xâm nhập khi chúng ta hít thở. Do đó, các triệu chứng như ho và ngứa họng rất phổ biến khi thời tiết thay đổi.

Các vi khuẩn gây bệnh như nấm, vi sinh vật phát tán mạnh trong không khí có độ ẩm cao khiến các bệnh về đường hô hấp cũng tăng nhanh. Các căn bệnh hô hấp thường gặp phải do thời tiết nồm ẩm gây ra là viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp.

Đau mắt đỏ

Bệnh do virus gây ra nên rất dễ lây lan qua tiếp xúc, đặc biệt tại các môi trường công sở đông người… Đặc biệt, trong thời gian ngắn đau mắt đỏ có khả năng bùng phát thành ổ dịch bởi rất dễ lây lan từ người này sang người khác thông qua đường tiếp xúc.

Đau mắt đỏ thường không nghiêm trọng, không để lại di chứng về sau. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát nhiều lần ở một người bởi cơ thể con người không thể sản sinh ra miễn dịch trọn đời với bệnh này.

Nếu được phát hiện và điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi sau 4 - 5 ngày. Nếu chủ quan, điều trị không đúng cách, bệnh rất dễ biến chứng thành viêm, loét giác mạc dẫn đến bệnh khó điều trị hơn. Khi bị đau mắt đỏ nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, tránh bệnh có diễn tiến lâu dài và khả năng gây biến chứng nguy hiểm.

Bệnh về da

Bệnh nhi điều trị viêm da tại Bệnh viện Da liễu T.Ư. Ảnh: INT

Bệnh nhi điều trị viêm da tại Bệnh viện Da liễu T.Ư. Ảnh: INT

Độ ẩm không khí cao trong là điều kiện thích hợp cho các loại vi khuẩn lây lan và phát triển, gây ra các căn bệnh khó chịu như viêm da và dị ứng da. Những căn bệnh về da khi thời tiết nồm ẩm gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh.

Đáng lưu ý, nhiều người vẫn chủ quan không đi thăm khám kịp thời khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Các bác sĩ cho biết đã từng tiếp nhận những trường hợp nhiễm khuẩn, biến chứng nặng do nấm da, bệnh nhân bị thương tổn bội nhiễm gây rụng tóc hoàn toàn vùng da đó…

Ngoài ra, thời tiết nồm ẩm còn gây ra các bệnh khác như viêm nhiễm vùng kín, bệnh tiêu chảy cấp,…

Cách chăm sóc cho trẻ

Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm trước những thay đổi của thời tiết, rất dễ nhiễm bệnh. Một trong những sai lầm phổ biến của các bậc cha mẹ là tự ý cho trẻ dùng thuốc khi thấy bé ho, sốt, khó thở… dù chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc dùng kháng sinh tùy tiện rất dễ gây dị ứng, rối loạn tiêu hóa, tình trạng bệnh diễn biến phức tạp hơn.

Bác sĩ NGUYỄN VĂN HẢI

Những người có sức đề kháng yếu như người già và trẻ em thường là đối tượng dễ mắc bệnh. Do vậy, theo các bác sĩ, trong điều kiện thời tiết nồm ẩm hiện nay, để phòng chống bệnh, các gia đình nên giữ vệ sinh môi trường sống. Theo đó, cần làm sạch và thông thoáng không gian trong nhà, không hút thuốc lá.

Bên cạnh đó là làm khô không gian sống để phòng chống nồm ẩm, bằng cách sử dụng điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, không phơi quần áo ướt trong nhà, dùng khăn khô để lau sàn.

Đồng thời, mỗi gia đình cần lưu ý vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân. Quần áo khó khô hẳn khi độ ẩm quá cao nên nếu có thể, hãy dùng máy sấy, bàn là đồ trước khi mặc, tránh các nấm mốc, các bệnh ngoài da.

Ngoài ra, chế độ ăn và tập luyện cần đảm bảo chế độ đầy đủ dinh dưỡng, duy trì việc luyện tập thể dục. Đồng thời, có thể thực hiện trong nhà nếu ngoài trời mưa để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Những người có bệnh mạn tính cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, duy trì đơn thuốc và các biện pháp kiểm soát bệnh tốt để yếu tố môi trường kích thích bệnh phát tác. Khi thấy có các biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hải (Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Hà Nội), thời tiết nồm ầm là điều kiện để vi khuẩn sinh sôi, trong khi đó, trẻ có sức đề kháng còn kém, chưa thích nghi được khi có sự thay đổi về môi trường, khí hậu. Do đó, cha mẹ ngoài những cách phòng tránh để “đối phó” với trời nồm ẩm thì cần có những biện pháp để chăm sóc trẻ.

Cha mẹ nên giữ cho cơ thể bé luôn sạch sẽ. Nên tắm cho bé bằng loại xà bông hoặc sữa tắm trẻ em có tính sát khuẩn nhẹ hàng ngày. Đồng thời, thấm mồ hôi cho trẻ bằng cách đặt khăn xô vào lưng để không bị nhiễm lạnh.

Nếu sờ thấy lưng trẻ ướt thì lau lưng và rút khăn ướt ra, thay khăn khô vào. Chú ý lau kĩ vùng đầu, lưng, gáy, lòng bàn tay, gan bàn chân của bé vì đây là những vị trí ra nhiều mồ hôi nhất.

Với trẻ lớn, cần nhắc nhở luôn giữ chân tay sạch sẽ, khô thoáng và mang dép hoặc tất khi đi trong nhà. Không để trẻ nhỏ đi chân trần trên nền nhà ẩm ướt, mặc quần áo ẩm.

Nên cho bé mặc những bộ quần áo thoải mái bằng vải cotton, đủ ấm để tránh gió lùa và khiến con dễ chịu. Bố mẹ cũng cần kiểm tra thân nhiệt của trẻ thường xuyên xem có bị lạnh, vã mồ hôi lưng hay không để điều chỉnh quần áo phù hợp.

Để bé tránh mắc phải các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, cha mẹ nên cho bé uống nước ấm, nước mát đầy đủ. Sữa bột hay sữa bổ sung cho bé nên pha với nước sôi cho trẻ uống.

Nên bổ sung cho bé các loại thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C như rau củ quả để tăng cường hệ miễn dịch. Mẹ nên cho bé ăn các loại thức ăn do mẹ nấu như súp nóng, sữa nóng, hạn chế ăn ngoài. Không nên cho trẻ cai sữa quá sớm vì sữa mẹ rất tốt cho hệ miễn dịch của bé.

Trong những ngày trời nồm, người lớn thường có cảm giác nóng bức ngay từ buổi sáng nên nghĩ rằng trời ấm và có thể cho trẻ ra ngoài. Song trên thực tế, ngoài trời vẫn se lạnh, nhiều mây mù, thời tiết ẩm ướt khiến trẻ khó chịu. Buổi trưa, nếu nắng lên trẻ cũng dễ bị mệt.

Do đó, không nên đưa trẻ ra ngoài nhiều. Ngoài đường không khí ẩm ướt, bụi bặm khiến trẻ càng dễ bị tái phát cơn hen hoặc mắc các bệnh về đường hô hấp. Các mẹ cũng không nên để trẻ ra ngoài khi trời mưa. Nếu phải đi thì nên mang theo một chiếc áo mưa, một chiếc ô và đôi giày chống thấm cho trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.

Học sinh lớp 10A7 Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình) tìm hiểu nhạc cụ dân gian trong tiết học Chuyên đề Ngữ văn 10. Ảnh: NVCC

Đưa trang văn gần với trang đời

GD&TĐ - Dạy học Ngữ văn chương trình mới, ngoài kiến thức cơ bản, nhiều giá trị văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động đọc, viết, nói và nghe.

Tàu sân bay USS Harry S. Truman tại Biển Đỏ.

Mỹ phóng 200 tên lửa đối phó Houthi

GD&TĐ - Theo War Zone, Hải quân Mỹ phóng gần 400 quả đạn, trong đó có hơn 200 tên lửa, để đối phó các đòn tập kích của Houthi trong hơn 10 tháng qua.

Cách kiểm soát non hdl-c hiệu quả