Cả xã đi cứu trợ

Cả xã đi cứu trợ
 

Theo ông Nguyễn Hữu Quý- Chủ tịch MTTQ xã La Phù, toàn xã có 2000 hộ với 10.000 nhân khẩu không ai là không nhường cơm sẻ áo cho đồng bào miền trung trong cơn hoạn nạn. “ Đến ngày 30-10, chúng tôi đã có 17 đoàn xe vào Hà Tĩnh, Quảng Bình cứu trợ, với tổng tiền quyên góp trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra còn hàng loạt vật dùng khác như quần áo, sách, vở, chăn, màn, bánh kẹo, mì tôm, mắm muối…Khó có thể thống kê hết được. Vì tất cả nhân dân xã La Phù chúng tôi ngàn người như một, không ai ngoảnh mặt trước đồng bào trong cơn hoạn nạn”. Ông Quý- Chủ tịch MTTQ xã chia sẻ.

Được biết xã La Phù còn có 5% hộ dân thuộc hộ nghèo đói. “Nghèo về vật chất, nhưng giàu có về tấm lòng bác ái”. Bà Nguyễn Thị Dư (59 tuổi, xóm Quyết Tiến) khẳng định.

Lý giải về tấm lòng nhân ái, tự hào về truyền thống tương thân, tương ái, ông Nguyễn Văn Như (trưởng thôn Thống Nhất) cho rằng chính quyền, mặt trận xã đã huy động được toàn dân tham gia. Các đoàn cứu trợ từ La Phù về với Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh),  không chỉ có mặt các nhà doanh nghiệp, các Công ty TTHH như Nguyễn Duy Phương (GĐ Công ty bánh kẹo Thái Dương), Nguyễn Duy Quang (Doanh nghiệp phân phối bánh kẹo), Nguyễn Thị Dư (Công ty chế biến thực phẩm Đức Hạnh) ...không chỉ có các nhà sư, tăng ni, phật tử Của Hội phật giáo Chương Mỹ và Chùa Trăm Gian; tăng ni, phật tử chùa Trung Hưng tự mà còn có cả cán bộ lãnh đạo, nhân dân xã La Phù cùng đồng hành với miền Trung vượt qua hoạn nạn. Tất cả đều bằng tâm nguyện, một lòng hướng về khúc ruột miền Trung thân yêu.

Sáng ngày 30-10, chúng tôi theo đoàn đến các cơ sở cứu trợ ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Đúng 7 giờ sáng, xe của đoàn đã đến Sơn Giang – Một xã vùng sâu bị ngập lũ dài ngày của huyện miền núi Hương Sơn. Hơn 300 bà con đã đến đông đủ tại sân UBND xã.“ Chúng tôi khởi hành lúc 18 giờ ngày 29 tháng 10. Bốn giờ ngày 30 chúng tôi đã có mặt tại điểm đầu tiên để phát quà tài trợ. Thức trắng đêm, không ngủ”.

Nhà sư Thích Đàm Thuận - Trụ trì chùa Trung Hưng tự ở La Phù cho biết.  Đoàn cứu trợ mang đến 950 suất quà, mỗi suất 200.000đồng và nhiều đồ dùng vật dụng khác. Đoàn đã liên hệ với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt được sự giúp đỡ của thầy Vũ Trọng Hoài (Sơn Lâm, Hương Sơn) cho nên hàng cứu trợ đến tận tay người nhận, đúng đối tượng cấp phát. Trong 5 địa điểm đoàn cứu trợ đến có hai trường học. Đó là Trường MN xã Sơn Phúc; nơi có hai HS (con của một gia đình chết trôi trong lũ) và Trung tâm GDTX Hương Sơn; nơi 100% HS là con em nhân dân lao động và gia đình các em đã đối mặt trong trận lũ lịch sử vừa qua.

 

Chúng tôi đã gặp ở đây những nhà doanh nghiệp. Chị Nguyễn Thị Dư (xóm Quyết tiến)- Công ty chế biến thực phẩm Đức Hạnh không chỉ ủng hộ 6 triệu, mà khi xem bức ảnh của hai ông bà già ngồi trên nóc nhà đợi cứu trợ bạc trắng mặt, đã lau nước mắt và rút từ trong ví thêm một triệu đồng tặng các cụ. Anh Nguyễn Duy Phương - GĐ Công ty bánh kẹo Thái Dương, ông Nguyễn Duy Quang - Nhà phân phối bánh kẹo Quang Mẫu không chỉ ủng hộ tiền mà còn ủng hộ xe miễn phí để chở hàng. Đặc biệt, chúng tôi được nghe, chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động. “ Số tiền chúng tôi quyên góp từ biểu diễn văn nghệ của Đoàn viên”.

Anh Nguyễn Quang Thắng- Bí thư đoàn xã La Phù cho biết. Nhiều câu chuyện cảm động về các mẹ, các cụ già cả , neo đơn vẫn dốc túi ủng hộ đồng bào Hà Tĩnh. Ông Cả Cư (76 tuổi, xóm Mã Giai) ốm đau bệnh tật nhưng cũng dốc túi 100.000 đồng. bà Nguyễn Thị Bắc (77 tuổi; xóm Đoàn Kết) già cả cô đơn phải sống dựa vào nhà chùa nhưng cũng dành dụm được 50.000 đồng cứu trợ.  Cô Tạ Thị Nhạn (53 tuổi) bị bệnh kinh niên, sống leo lắt nhưng cũng bòn mót úng hộ đồng bào lũ lụt 50.000đồng. Và nhiều tên tuổi khác không thể kể hết. “ Không phải giàu có mới làm cứu trợ đâu! Đây là nghĩa đồng bào ruột thịt đùm bọc nhau khi hoạn nạn, nhường cơm sẻ áo. Cụ Ngô Thị Xuân (75 tuổi, Xóm Thống Nhất) dành bộ quần áo lành lặn nhất gửi đi, còn giữ lại cho mình bộ áo đã bạc và hơi tả”. Chị Nguyễn Thị Nhung kể.

Chúng tôi vô cùng cảm động khi được biết anh Nguyễn Văn Trung (CA xã La Phù) có hoàn cảnh rất đặc biệt. Gia đình anh là gia đình liệt sỹ. hai đứa con anh tàn tật. Hoàn cảnh vô cùng éo le. “ Trước khi đi, tôi phải nhờ bà già của tôi trông coi hai cháu. Hai cháu của tôi thỉnh thoảng lên cơn động kinh. Vất vả lắm. Nhưng xem ti vi, thương nhân dân trong này trào nước mắt, nên tôi lên xe không ngần ngại”.Có gần gũi và biết được nỗi niềm gia cảnh của những người đi cứu trợ mới hiểu được tấm lòng vàng của họ.   

Tôi hỏi anh Nguyễn Văn Trung: “ cả xã La Phù làm cứu trợ thì  xã có nghèo đi không? Và được, mất những gì thưa ông?”. Không phải ngẩm ngợi, anh Trung nói: “ Mất gì? Mất ích kỷ cá nhân, mất thói hư tật xấu. Chúng tôi được nhiều lắm. Được tình làng nghĩa xòm, được anh được em, được tình cảm và đạo lý của dân tộc được gìn giữ phát huy cho con cháu. Anh thấy trong đoàn cứu trợ có phải chỉ có thanh niên, trung niên đâu mà cả gười già, trẻ em cùng lên đường”. La Phù làm từ thiện đã thành lẽ sống thường ngày. Người người, nhà nhà làm từ thiện, bất kể gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, bất kể làm ngành nghề gì. Và câu chuyện cả xã làm từ thiện đã thức tỉnh lương tri và ươm mầm sự sống, chắp cánh cho lòng bác ái và đơm hoa kết trái tình người.

Bài và ảnh: Lê Văn Vỵ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ