Đã tròn 10 năm Duy Uyên theo chồng bỏ cuộc chơi. 10 năm quá ngắn để người ta quên đi cô gái Mắt Ngọc có nụ cười ngọt ngào, nhưng đủ dài để muôn vàn cái tên mới lấp đầy mọi chỗ trống của làng giải trí, lấp đầy cả trí nhớ người mộ điệu.
Duy Uyên thì không bận tâm tới điều đó. 10 năm với bao khóc cười nhẹ nhàng gửi lại phía sau, Duy Uyên của tuổi 36 an phận và bình thản, sâu sắc và kỹ lưỡng. Hào quang năm xưa chỉ còn vương lại ở ánh mắt sáng bừng lên khi ánh đèn flash chĩa về mình.
- Nhớ lại 10 năm trước, khi quyết định rời bỏ sự nghiệp mà mình gắn bó gần 20 năm để sang Mỹ định cư, chị có thấy dễ dàng không?
Tôi đi hát từ năm 8 tuổi. Từ đó đến tận năm 26 tuổi, cuộc đời tôi chỉ quanh quẩn trong ba việc: Ăn, học và hát. Tôi gần như không có một tuổi thơ bình thường như chúng bạn.
Bạn bè được đi đây đi đó với ba mẹ, được về quê, được đến nhà nhau tụ tập, còn tôi chỉ có đi hát.
Gần 20 năm theo đuổi một việc tự nhiên như hít thở đến một ngày dừng lại đột ngột, bạn nghĩ nó có dễ dàng không?
Khi sang Mỹ, tôi cũng có diễn nhưng không nhiều. Tôi bị stress kéo dài vì không được đi hát. Tôi buộc phải tìm lối thoát cho bản thân, tìm một con đường mới ở đất nước xa lạ ấy. Cuối cùng thì cũng 10 năm. Tôi đã quen được rồi.
- Vậy tại sao chị lại lựa chọn ra đi, đúng giai đoạn mà Mắt Ngọc có lẽ cần chị nhất?
Mỗi cuộc đời có 1 khúc khác nhau. Khi tôi chưa 20 tuổi, tôi chỉ thích hát, thích được biểu diễn, thích được lên tivi. Khi tôi 20 tuổi, tôi lại trăn trở với việc làm sao để duy trì vị trí trong làng giải trí. Khi tôi ngấp nghé ngưỡng 30 tuổi, tôi lại chỉ muốn sống cho mình.
Tình yêu với âm nhạc lúc đó không còn bùng cháy nữa. Tôi cũng ý thức được rằng Mắt Ngọc không thể tồn tại mãi được, ai cũng phải trưởng thành, phải có con đường riêng cho chính mình.
Còn tôi muốn thử thách bản thân: Này Duy Uyên, ngoài ca hát liệu mày có làm được gì không? Và tôi đi. Tất nhiên là còn có sự thúc giục của tình yêu.
- Thời gian đầu sang Mỹ, dứt áo khỏi âm thanh, tiếng nhạc, ánh đèn sân khấu, chị làm gì để vượt qua nỗi chống chếnh ấy?
Tôi học. Học trong nước mắt. Tôi giết thời gian bằng việc học. Học ngành y vốn không dễ với người Mỹ, càng khó với tôi. Mà cả lớp chỉ mình tôi là người Việt, tôi không có ai để nhờ vả cả.
Có những ngày cầm cuốn sách lên học mà nước mắt tôi rơi lã chã. Nhưng cuối cùng tôi cũng vượt qua. Tôi tốt nghiệp với điểm số cao nhất lớp.
Những khó khăn trong việc học vừa là áp lực vừa là liều thuốc an thần khiến tôi nhanh chóng quên đi nỗi nhớ sân khấu.
- Tại sao chị không tìm cách để xây dựng sự nghiệp ca hát tại hải ngoại như nhiều nghệ sĩ đã và đang làm thay vì tìm một con đường khác đi?
Một phần là tôi muốn làm gì đó khác đi. Một phần là rất khó kiếm show. Tôi cũng đi show cuối tuần, nhưng tránh diễn ở bar, club. Khán giả ở những show lớn, có uy tín thì phần đa là người lớn tuổi trong khi nhạc của tôi lại dành cho người trẻ. Thành ra tôi hát ít mà đóng kịch thì nhiều.
Khán giả bên đó biết tới tôi với tư cách diễn viên kịch nhiều hơn. Mà tôi toàn đóng vai bi, toàn khóc không à. Có lần tôi xin đạo diễn, bảo anh cho em đóng vai gì vui vẻ chút đi, nhưng không được. Vì anh bảo cái mặt tôi khóc người ta mới thương.
- Có lúc nào vì quá áp lực với cuộc sống xa lạ nơi xứ người mà chị có ý định trở về Việt Nam không?
Tôi rất nhớ Việt Nam nhưng không dám nghĩ tới chuyện quay lại. Vì lúc đó tôi chưa có gì trong tay cả. Tôi không muốn quay về trong tình cảnh ấy.
- Chồng chị liệu có tác động gì tới việc chị từ bỏ sự nghiệp khi tuổi đời chưa đến 30 không?
Chồng tôi chưa bao giờ ép uổng gì. Anh ấy khá cởi mở. Anh bảo tôi "Em cứ làm những gì em muốn". Nhưng như tôi chia sẻ, tôi muốn thử thách bản thân mình.
Rất may mắn là sau khi đi làm trở lại, tôi được một đài truyền hình mời về làm BTV. Tôi cũng vẫn duy trì công việc bán thời gian làm kỹ thuật viên siêu âm ở bệnh viện. Có lúc tôi thấy mình như một cái máy có 2-3 người nhập vào. Vì hai công việc này khác hoàn toàn nhau.
Một nơi tôi trang điểm, ăn mặc chỉn chu, lộng lẫy, luôn nở nụ cười. Một nơi tôi phải cột tóc lên, mặc đồng phục và đối mặt với nhiều nỗi buồn, nhiều cảm xúc tiêu cực. Dù gì tôi cũng là nghệ sĩ, tôi không chai lì được.
Tuy nhiên, công việc ở bệnh viện dù stress tới đâu tôi cũng vẫn duy trì, bởi mỗi môi trường cho tôi những trải nghiệm quý giá khác nhau.
Chồng là lựa chọn giúp cho tôi trưởng thành.
- Nhiều khán giả của chị nhận xét, kể từ khi có con, chị như một người khác vậy. Vẻ lí lắc hồn nhiên năm xưa thay bằng sự sâu sắc, thâm trầm...
Phải khác chứ. Tôi khác nhiều đó. Ngày xưa mình quậy hơn, giờ mình đằm hơn, nữ tính hơn. Trước làm gì cũng theo cảm xúc, giờ luôn nghĩ làm thế có đáng không, có được lợi ích gì không.
- Giữa cuộc sống đầy áp lực và chưa hoàn toàn vững lòng như thế, việc làm mẹ có khiến chị rơi vào tình trạng trầm cảm không?
Tôi bị một chút. Dù đã được học về hội chứng đó rồi, nhưng tôi vẫn mắc phải. Ở Mỹ, rất nhiều phụ nữ trầm cảm sau sinh biến chứng nặng đến nỗi giết con mình luôn.
Trong ba tháng đầu, tôi bị chứng rối loạn cảm xúc. Hormone thay đổi, mình thành con người khác luôn, đang khóc thì cười, đang cười đã khóc.
Rồi tôi cảm thấy buồn, cảm thấy mất tự do vì không đi đâu được. Dù có người tình nguyện hỗ trợ tôi trông bé để tôi đi ra ngoài cho khuây khỏa nhưng tôi không dám, giao con cho ai tôi cũng thấy sợ. Tôi phải tự động viên mình là không sao hết, sẽ đi ra ngoài một cách từ từ. Sau ba tháng thì mọi việc ổn hơn.
Tuy vậy, trong hai năm đầu, tôi vẫn mang theo nỗi ám ảnh khó hiểu, không yên tâm để con cho người khác trông. Tôi ở nhà trông con. Con đi học tôi mới đi làm trở lại.
- Ông xã có hỗ trợ gì chị trong việc chăm con hay không?
Ông xã cũng giúp nhiều việc lắm. Ví dụ như thay tã cho con, dẫn con đi chơi để mẹ được nghỉ ngơi. Sau này cả hai vợ chồng đều đi làm thì chia việc cho nhau.
Những việc cần sức như hút bụi, lau nhà, dọn nhà thì ổng làm. Còn tôi rửa chén, sắp xếp đồ đạc. Hôm nào tôi bận làm thêm thì sẽ bảo: "Tối nay em còn soạn chương trình cho đài quay, anh giúp em chơi với con nhé", ông cũng sẵn sàng.
- Chị vốn là nghệ sĩ, ông xã lại là doanh nhân. Hai vợ chồng chị có khó khăn để hòa hợp không?
Thời gian đầu không thể tránh khỏi va đập vì khác nhau mọi thứ. Nhất là lối sống. Nhưng dần dần tôi cũng tập tành quen với lối sống đó.
Được một điều là chồng tôi sinh ra và lớn lên tại Mỹ nên anh rất thẳng thắn. Cách của anh là có gì phải nói ra ngay, không tích tụ trong lòng. Do vậy mọi thứ cũng dễ giải quyết.
- Chồng chị có phải tuýp lãng mạn?
Anh ấy không lãng mạn. Nhưng lâu lâu mở xe ra cũng thấy có hoa. Ngày kỷ niệm đám cưới năm nào anh cũng tổ chức một cái tiệc nho nhỏ, hoặc đi đâu đó ngắn ngày cùng nhau.
Anh là người ham vui, thích hoạt động, thích cuộc sống giản dị, phóng khoáng, gần gũi với thiên nhiên như phần đa người dân Mỹ.
Ở nhà tôi, anh và tôi đều trồng rau. Nhà tôi có những luống rau muống, rau khoai lang như ở quê vậy. Vợ chồng tôi còn có sở thích đi phượt. Mỗi năm chúng tôi đều cố gắng dành dụm để đi một nước nào đó, khám phá văn hóa, ẩm thực.
Nhờ đó mà cuộc sống trở nên dễ chịu hơn thay vì ngày ngày như con robot, cứ bấm nút là bật dậy rồi đi làm cho hết ngày, mỗi ngày vợ chồng nhìn mặt nhau vài tiếng rồi ngủ.
Có lẽ đó cũng là cách mà người Việt mình bảo "giữ lửa hôn nhân". May mà cả hai cùng có chung nhiều sở thích, chứ nếu không, chỉ một người đốt hoài thì cũng không cháy được.
- 10 năm kết hôn, chị có còn tin vào quyết định theo chồng bỏ cuộc chơi của mình?
Tôi không dám nói về sự may mắn, cũng không dám nói trước tương lai. Nhưng cho tới thời điểm hiện tại, đây là sự lựa chọn giúp cho tôi trưởng thành. Tôi sẽ cố gắng duy trì mối duyên này càng lâu càng tốt.
- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!