Màu đỏ của quả cà phê hòa cùng sắc xanh, đen xen lẫn đỏ trên trang phục dân tộc của hàng nghìn chị em cùng tụ về hái cà thuê cộng tiếng nói cười làm xao động một vùng. “Tiền tươi, thóc thật” nên nhà nhà rủ nhau đi hái trong lúc nông nhàn.
Nô nức mùa cà chín
Đã thành thông lệ, mỗi khi cà phê ở Mường Ảng đến độ thu hoạch, chị Lường Thị Hoa (bản Bánh Đanh, xã Ẳng Cang) lại cùng chị em trong bản đi hái thuê. Với quãng đường chừng 5 cây số, khoảng 5 giờ 30 phút, các chị lại “hạ sơn” di chuyển đến “vựa cà phê” tại xã Ẳng Nưa. Các chị được thuê hái quả chín và khoán theo cân tươi, với giá 2.000 - 2.500 đồng/kg. Do có “thâm niên” nên mỗi ngày chị Hoa kiếm được khoảng 250.000 đồng tiền công.
Dù bận đến mấy, chị Cà Thị Liên ở bản Noong Háng (xã Ẳng Cang) cũng gắng thu xếp để đi hái cà thuê. Ngoài nhận hái thuê cho các hộ ở xã Ẳng Nưa, chị Liên còn nhận làm thêm ở thị trấn Mường Ảng để có thêm thu nhập. “Bãi cà ở Ẳng Nưa và thị trấn gần nhau nên tôi nhận cả hai để tranh thủ làm. Lúc thì hái cà chín, ngày thường nhận tỉa cành, bón phân, làm cỏ. Cố gắng thêm một chút có tiền trang trải cuộc sống, vừa tích góp dành dụm vốn làm ăn”, chị Liên tâm sự.
Huyện Mường Ảng có hơn 3.000 ha cà phê. Theo tính toán của chủ vườn, mỗi 1 ha cà phê khi đến vụ thu hoạch cần ít nhất 2 người thu hái. Như vậy, mỗi vụ thu hoạch, toàn huyện cần hơn 6.000 lao động địa phương.
“Xã Ẳng Cang cung cấp lao động chính cho các chủ vườn. Bà con đi làm thuê chủ yếu ở các bản Hua Nguống, Co Sản, Pom Ké, Kéo, Bánh Đanh, tạo nguồn thu nhập khá ổn định vào mỗi vụ cà phê. Tuy nhiên, do giá cà phê bấp bênh, nhiều gia đình không còn mặn mà, nguồn thu nhập có phần giảm đi”, anh Lù Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang chia sẻ.
Thay đổi đời sống người dân
Bản Huổi Sứa, xã Ẳng Cang (Mường Ảng) được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ bản Cuông và Huổi Sứa. Cả bản có 150 hộ với khoảng 630 nhân khẩu, trong đó 28% gia đình thuộc diện hộ nghèo. Người dân thuần nông nên khi nông nhàn lại tỏa đi tìm công việc phù hợp để kiếm thêm thu nhập.
“Hằng năm cứ đến mùa cà phê chín, hầu như nhà nào cũng có người đi hái thuê. Người đi hái chủ yếu là chị em phụ nữ. Còn những ông chồng chỉ chở vợ đến bãi cà phê rồi lại quay về”, anh Lù Văn Tiên, Trưởng bản Huổi Sứa cho biết.
Vì có của ăn của để, ở bản Huổi Sứa có chuyện: Ngày ngày, chồng chở vợ đến bãi cà phê làm việc, bản thân quay về “nâng ly”. Cứ thế ngây ngất suốt cả ngày. Đến chập tối, đón vợ từ bãi cà phê về, anh chồng không quên xin “vài đồng” mua mồi nhậu, kèm theo chai rượu trắng về chiêu đãi bạn bè, hàng xóm.
Nhắc đến chuyện cũ, Trưởng bản Lù Văn Tiên tỏ vẻ ngượng ngùng: “Bây giờ không có tình trạng đó nữa đâu. Sau khi chị em phản ánh, chúng tôi tổ chức họp bản, rồi cả Ban Mặt trận bản cũng góp ý. Các anh dần hiểu ra, tu chí làm ăn rồi. Tình trạng đó chỉ còn đếm trên đầu ngón tay chứ không phải là tất cả đâu cán bộ ơi!”.
Nói về thu nhập từ công việc thu hái cà phê thuê của chị em trong bản, anh Tiên vui như thể đó là niềm vui riêng của chính mình. Nhiều nhà mua được tivi, xe máy, tủ lạnh, máy giặt từ nguồn tiền tiết kiệm sau mỗi vụ đi hái cà phê thuê.
“Có lúc giá cà phê lên mức 8.000 đồng/kg quả tươi hoặc cao hơn, công hái cũng được chủ vườn trả cho khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg. Có nhà chịu khó, 3 mẹ con đi hái 1 tuần được 5 triệu đồng. Ngày công như thế cao hơn cấy lúa rất nhiều!”, anh Lù Văn Tiên hồ hởi nói.
Bản Co En (xã Ẳng Cang) có 90 hộ dân thì hơn 30% số hộ có người tham gia đi hái cà phê thuê mỗi năm. “Phụ nữ đi thôi, các ông chồng chẳng đi đâu. Hàng ngày, chồng chở đến bãi cà, rồi thả vợ ở đấy, tối lại đón về. Sau khi đưa vợ đi, chồng quay về làm việc nhà, nấu cơm nước cho con cái, hoặc làm việc khác chứ giờ mà lười làm là không đủ ăn đâu”, ông Lò Văn Biên, Trưởng bản Co En tâm sự.
Do nhu cầu sử dụng lao động lớn, mỗi vụ cà phê, hàng nghìn lao động từ các huyện Điện Biên, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Chà nườm nượp kéo về Mường Ảng làm thuê. Cà phê đã tạo việc làm cho lao động phổ thông, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn góp phần vào tiến trình xóa đói giảm nghèo của địa phương.