(GD&TĐ) – Sáng nay (5/9), hơn 22 triệu HSSV trên cả nước tham dự ngày hội khai giảng năm học mới 2011-2012.
>>>Chủ tịch nước gửi thư chúc mừng năm học mới 2011 – 2012
>>>Nhà trường phải nỗ lực để xứng đáng mang tên AHLS Châu Văn Liêm
>>>Phấn đấu làm giầu thêm truyền thống trường THPT chuyên Phan Bội Châu
>>>Hôm nay (5/9), hơn 22 triệu HSSV cả nước bước vào năm học mới
Trong lễ khai giảng sáng nay 5/9, thầy và trò Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam vinh dự được đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tới dự và gióng hồi trống khai giảng năm học 2011 – 2012, cùng dự còn có Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo TP. Hà Nội...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh trống khai trường tại Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam |
Phát biểu tại lễ khai giảng , Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Hôm nay là một ngày hội lớn và đặc biệt trên cả nước. Hiện nay cả nước ta có 21 triệu hộ gia đình, thì vào ngày này các bậc ông, bà, cha, mẹ… đều nô nức đưa các em, các cháu đến trường. Một không khí thật tưng bừng, nô nức và phấn khởi. Không khí này là ngày hội của các thầy, các cô, các em học sinh trên cả nước, của các bậc phụ huynh và toàn dân tộc ta”.
Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Năm học 2011-2012 chính là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Đây cũng là năm chuyển sang một giai đoạn mới với một quyết tâm và ý chí cao hơn để có thể cải cách một cách căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân. Để nền giáo dục nước nhà nâng cao lên một bước, làm tốt sự nghiệp GD&ĐT và bồi dưỡng nhân tài, xây dựng một đội ngũ, con người Việt Nam vẻ vang cho tương lai.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các đại biểu trồng cây xanh tạo bóng mát trong khuôn viên trường |
Chia sẻ với thầy và trò nhà trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ: Hà Nội là nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, khí phách dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, bằng bề dày truyền thông 25 năm của mình, học sinh THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam phải lấy đó làm niềm tự hào để phấn đấu không ngừng vươn lên.... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ tin tưởng, thầy và trò Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam sẽ làm tròn sứ mạng lịch sử của mình trên cơ sở kế thừa truyền thống một cách xuất sắc để đạt tới mục đích cao nhất trong năm học này và hướng tới những thành quả tốt đẹp hơn trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở: “Công tác quản lý chất lượng giáo dục ở nhà trường phải tiếp tục đổi mới một cách toàn diện với tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao nhất và lương tâm của người thầy, trách nhiệm của giáo sẽ dạy đầy đủ nhất cho các em học sinh yêu quý. Đây cũng là năm học mà nhà trường phải tập trung giáo dục các em học cách làm người, học văn hoá, học lịch sử, khoa học và học truyền thông yêu nước của dân tộc Việt Nam anh hùng... Bên cạnh đó không thể thiếu được vai trò của các thầy giáo, cô giáo phải là tâm gương sáng nhất, gần nhất mà các em học sinh sẽ mang theo cả cuộc đời”.
Cũng nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Thành phố Hà Nội và đồng bào thủ đô cũng như đồng bào trong cả nước luôn dành cho các em học sinh thân yêu, mầm non tương lai của đất nước những tình cảm tốt đẹp nhất, tinh thần trách nhiệm cao nhất và sự đầu tư đầy đủ nhất cho sự nghiệp GD&ĐT.
"Các em học sinh hôm nay chính là chủ nhân của đất nước, muốn đồng bào mình bớt đói khổ, muốn làng bản mình nhanh chóng thoát nghèo, cùng làm giàu, phát triển đi lên thì các em phải không ngừng học tập, rèn luyện cả tài lẫn đức, thi đua đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ". Trong bài phát biểu tại Lễ khai giảng năm học mới 2011-2012 sáng nay (5/9) tại trường PTDTNT Hà Nội (huyện Ba Vì-TP.Hà Nội), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã gửi gắm mong muốn đó tới HS các dân tộc thiểu số toàn quốc nói chung và HS trường PTDTNT Hà Nội nói riêng.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gióng trống khai giảng năm học 2011-2012. Ảnh, gdtd.vn |
Dự Lễ Khai giảng còn có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.Hà Nội, huyện Ba Vì cùng đông đủ các thầy, trò, phụ huynh, HS nhà trường.
Trong diễn văn tại Lễ khai giảng, Nhà giáo Nguyễn Văn Phú, hiệu trưởng nhà trường cho biết: trong năm học 2010-2011 vừa qua, toàn trường có 19 lớp học với 711 HS ở cả hai cấp THCS và THPT. 70 CBGV-NV nhà trường đã cùng toàn thể học sinh vượt khó, thi đua dạy tốt-học tốt và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng khích lệ.
Ở cả hai cấp học, có tới 99,4% HS đạt hạnh kiểm tốt, xếp loại học lực khá, giỏi chiếm 61%; Có 5 em đạt danh hiệu HS giỏi cấp Thành phố, 26 em đạt danh hiệu HS giỏi cấp huyện; Tỉ lệ thi tốt nghiệp THPT đạt cao, trên 98%;.
Năm học mới 2011-2012 này, toàn trường PTDTNT Hà Nội có 750 HS, trong đó có 108 HS mới bước vào lớp 6 và 106 HS lớp 10.
Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và trở thành nơi nuôi dưỡng tin cậy của phụ huynh, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của ngành. Như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, chú trọng xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã biểu dương tập thể các thế hệ thầy và trò trường PTDTNT Hà Nội trong những năm qua đã vượt mọi khó khăn thiếu thốn trong sinh hoạt, giảng dạy và học tập để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy-chất lượng học sinh tốt (dạy tốt-học tốt); thực hiện “học đi đôi với hành”, xứng đáng là địa chỉ tin cậy để đồng bào các dân tộc Thủ đô yên tâm gửi gắm con em mình, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của ngành giáo dục Thủ đô và cả nước.
HS trường PTDTNT Hà Nội. Ảnh, gdtd.vn |
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhận định: Đây là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI với tinh thần: “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo”… Đồng thời khẳng định: chăm lo giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ trở thành người có tâm, có tài luôn là quốc sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta; trong đó chú trọng GD-ĐT nhân lực cho đồng bào các dân tộc thiểu số, chú trọng đầu tư cho các tỉnh miền núi.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mong rằng: Các em học sinh hôm nay chính là chủ nhân của đất nước, phải hiểu lịch sử đất nước, dân tộc mình. Muốn đồng bào mình bớt đói khổ, muốn làng bản mình nhanh chống thoát nghèo, cùng làm giàu, phát triển đi lên thì các em phải không ngừng học tập, rèn luyện cả tài lẫn đức, thi đua đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.
Đồng thời đề nghị Ban giám hiệu nhà trường phấn đấu thi đua “Dạy tốt-học tốt”, làm tốt hơn nữa công tác quản lý, nuôi dạy, giáo dục HS dân tộc trên địa bàn Hà Nội; tạo điều kiện để các em học tập, hòa nhập, hội nhập đầy đủ hơn. Chú trọng giáo dục “Tiên học lễ, hậu học văn”, giáo dục lối sống, tình yêu thương lao động, yêu quê hương đất nước; trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội. Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, củng cố kỹ năng tự học, sáng tạo, tự lập, chủ động khai thác các phương tiện học tập hiện đại, đặc biệt là ứng dụng CNTT.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền TP.Hà Nội tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học, chỗ ăn, ở cũng như tăng cường đời sống văn hóa, tinh thần cho các em. Các đoàn thể cũng như các bậc cha mẹ học sinh dành cho con em mình những điều kiện tốt đẹp nhất, đầy đủ nhất để cùng nhà trường nuôi dạy con em mình tốt nhất.
Nhân Lễ khai giảng năm học mới, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tặng nhà trường bức họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để không ngừng phấn đấu, noi theo tấm gương đạo đức của người; tặng 30 suất quà cho các HS có hoàn cảnh khó khăn, biết vượt khó phấn đấu vươn lên đạt kết quả cao trong học tập.
Sáng nay 5/9, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã dự khai giảng tại trường THPT Đa Phúc và Trường THPT Sóc Sơn (Sóc Sơn - Hà Nội). Cùng đi có GS.TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo; Trần Xuân Việt – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cùng lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai giảng năm học mới 2011 - 2012 tại trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn - Hà Nội) |
Phát biểu tại lễ khai giảng trường THPT Đa Phúc và THPT Sóc Sơn, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực phấn đấu của Ban giám hiệu nhà trường, các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên và các em HS cũng như sự ủng hộ, quan tâm đến sự nghiệp GD của chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong thời gian tới, toàn ngành GD trong đó có ngành GD Thủ đô, thầy và trò trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn – Hà Nội) cần tập trung phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao cho toàn ngành, đó là, phát huy tính sáng tạo để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD và đào tạo theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới quản lý GD và chăm lo phát triển đội ngũ GV là then chốt, nâng cao chất lượng GD, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị GD,...
Tiếp tục đẩy mạnh chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong GD gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Năm học 2011-2012 toàn ngành GD-ĐT cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ chính trị về tổ chức cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tiếp tục triển khai Quyết định số 16/2008/QĐ-BGD-ĐT về “Qui định đạo đức nhà giáo”, cuộc vận động: “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”...
Phó thủ tướng nhắn nhủ, trường THPT Đa Phúc và THPT Sóc Sơn, cần xác định rõ vị thế và trách nhiệm của mình đối với GD địa phương, phấn đấu là điểm sáng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, nhà trường cần đặc biệt quan tâm GD đạo đức, truyền thống lịch sử, văn hoá cho học sinh,...Đồng thời chỉ đạo, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các bậc cha mẹ phụ huynh HS cần quan tâm chăm lo và đầu tư hơn nữa cho sự nghiệp trồng người, dành những điều kiện tốt nhất, đầy đủ nhất cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của HS.
Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) đã long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học 2011-2012. Đến dự có đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội, các quý vị đại biểu cùng toàn thể các thầy cô giáo và các em học sinh.
Năm học 2010-2011, Trường THPT Nguyễn Trãi đã có nhiều cố gắng. Chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt qua tỷ lệ đánh giá xếp loại văn hóa cuối học kỳ và cuối năm học. Kết quả tốt nghiệp của học sinh lớp 12 là 99,76%
Đồng chí Phạm Quang Nghị đánh trống khai trường |
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên đã gửi lời chúc mừng tới toàn thể các thầy cô giáo, các em học sinh nhân ngày khai trường.
Đồng chí cũng nhấn mạnh: Để thực hiện tốt định hướng trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XV của Đảng Bộ Thành phố và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng về việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đẩy mạnh thực hiện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Cuộc vận động Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, những chủ nhân của Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến, cần phải có đủ đức đủ tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mỗi thầy cô giáo cần phải là tấm gương sáng về tình thương và trách nhiệm, là tấm gương về đạo đức, tự học, tự rèn và sáng tạo để các em học sinh noi theo; đồng thời phối hợp chặt chẽ có hiệu quả trách nhiệm giáo dục học sinh của gia đình, nhà trường và xã hội. Chú trọng chăm lo công tác xây dựng Đảng và chất lượng hoạt động của các đoàn thể, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong nhà trường...
Sáng nay 5/9, trường THPT Tống Văn Trân (huyện Ý Yên tỉnh Nam Định) tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định và lãnh đạo UBND huyện Ý Yên đã về dự
Năm học vừa qua, nhà trường đạt nhiều thành tựu nổi bật, tỷ lệ HS khối 12 đỗ tốt nghiệp THPT là 100%, trong đó tỷ lệ khá, giỏi chiếm gần 46,0%, vượt 5,8% so với tỷ lệ chung của toàn tỉnh (30,43%); xếp loại học lực cuối năm của HS các cấp trong nhà trường đạt 66% khá, giỏi trở lên, trong khi đó HS đạt hạnh kiểm khá và tốt cũng chiếm 88%.
Đặc biệt về kết quả thi ĐH, trong nhiều năm liền trường THPT Tống Văn Trân đều giữ vững xếp hạng trong tốp 100, tốp 200 các trường THPT tiêu biểu trong toàn quốc có tỷ lệ HS thi đỗ ĐH cao.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh gióng lên hồi trống báo hiệu năm học mới đã đến |
Sau khi gióng lên hồi trống báo hiệu năm học mới đã đến, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương những kết quả đã đạt được của thầy và trò nhà trường.
Phó Thủ tướng lưu ý năm học 2011- 2012 là năm học có ý nghĩa quan trọng; là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế; trong đó đổi mới quản lý GD và phát triển đội ngũ giáo viên là then chốt. Phó Thủ tướng nêu rõ đây cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện chiến lược phát triển GD giai đoạn 10 năm 2011 - 2020. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của năm học mới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đề nghị lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành GD và toàn thể thầy và trò trường THPT Tống Văn Trân thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là: Kế thừa và phát huy kết quả đạt được, nhà trường cần tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua; chú trọng việc nâng cao chất lượng GD toàn diện và nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nâng cao đạo đức, trách nhiệm của người thầy. Nhà trường cần đặc biệt quan tâm GD đạo đức, truyền thống lịch sử, văn hóa; phải tạo cho HS ý thức tư duy năng động, sáng tạo trong học tập và có ý thức chấp hành pháp luật, có lối sống lành mạnh; nhà trường phải thực sự là môi trường GD lành mạnh, thân thiện, là nơi để các em HS có điều kiện phát triển toàn diện, xây dựng bản lĩnh cho HS vững bước vào đời. Giáo viên và HS Nam Định nói chung, trường THPT Tống Văn Trân nói riêng phải là người tiêu biểu của đạo đức, lối sống văn minh, thanh lịch.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển tặng hoa chúc mừng nhà trường nhân dịp khai giảng năm học mới |
Hai là: Các thầy cô phấn đấu vượt qua khó khăn, đổi mới mạnh mẽ và toàn diện phương pháp dạy học, công tác quản lý; ứng dụng CNTT, khai thác hiệu quả các phương pháp dạy học hiện đại; phát huy tốt dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, gương mẫu về mọi mặt, phấn đấu có nhiều giáo viên giỏi, mẫu mực để "mỗi thầy cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo", hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ba là: Các em HS, tự hào về truyền thống của trường, rèn luyện, trau dồi đạo đức, chủ động, sáng tạo để học tập tốt, rèn luyện sức khỏe, thực hiện nếp sống văn hóa, có ước mơ, hoài bão với tinh thần sẵn sàng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh, coi đó là việc làm thiết thực để lập thân, lập nghiệp, đền đáp công ơn của các thầy cô, gia đình và xã hội.
Bên cạnh những nội dung đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể các cấp và các bậc cha mẹ HS tiếp tục quan tâm và chăm lo hơn nữa sự nghiệp GD, dành những điều kiện tốt nhất, đầy đủ nhất cho việc học tập, rèn luyện và phất đấu của con em mình, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn về chất lượng và hiệu quả GD, để GD thực sự trở thành "quốc sách hàng đầu" như Đảng ta đã xác định.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã tặng thầy và trò trường THPT Tống Văn Trân bức trướng mang dòng chữ "Trường THPT Tống Văn Trân - Nam Định: Truyền thống Dạy tốt, học tốt", trồng cây lưu niệm trong khuôn viên trường và thăm phòng truyền thống nhà trường.
Sáng nay 5/9, thầy và trò Trường PTCS Thực nghiệm- Viện KHGD Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2011-2012. Đến dự có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại - người sáng lập Trường PTCS Thực nhiệm; GS.TS Phan Văn Kha, Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam, cùng các vị khách quí trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng Trần Quang Quý đánh trống khai giảng |
Trường PTCS Thực nhiệm là cơ sở nghiên cứu khoa học thực nghiệm của Viện KHGD Việt Nam, triển khai và thực thi các công trình nghiên cứu KHGD của ngành. Nhà trường ngày càng khẳng định được thương hiệu và uy tín. HS được GD và phát triển toàn diện.
Năm học 2011- 2012 toàn trường có 1.591 HS với tổng số 40 lớp (Tiểu học 1107 HS), có 108 CB, GV, CNV. Đặc biệt có 295 HS vào lớp Một và 160 HS khối 6.
Hiệu trưởng Nguyễn Kim Xuân nhấn mạnh: Mục tiêu của nhà trường phấn đấu xây dựng nhà trường trở thành một môi trường GD lành mạnh, thân thiện và có chất lượng cao. Đồng thời, năm học này tiếp tục hưởng ứng và triển khai sâu rộng cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “hai không”, đặc biệt là thực hiện tốt chủ đề năm học “đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng GD và tiếp tục triển khai phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Thi đua nghìn việc tốt, vững bước tiến lên Đoàn”.
Đặc biệt, được sự quan tâm của lãnh đạo Viện KHGD Việt Nam, năm học này HS khối THCS được nhà trường tiếp tục duy trì lớp Tiếng Nhật do GV tiếng Nhật, người Nhật trực tiếp giảng dạy, giờ tiếng Anh phân hoá sẽ do GV tiếng Anh kết hợp với GV tiếng Anh người bản địa cùng giảng dạy để từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ trong nhà trường.
Thứ trường Trần Quang Quý phát biểu: Trong 34 năm qua, tuy còn nhiều khó khăn nhưng nhà trường đã góp phần bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực cho Thủ đô và cả nước. Nhân dịp khai giảng năm học mới, Thứ trưởng chúc toàn thể các thầy cô giáo, các em HS tiếp tục phấn đấu, lập nhiều thành tích xuất sắc, xứng đáng với sự quan tâm, tin cậy của Đảng, Nhà nước và của nhân dân Thủ đô. Đồng thời Thứ trưởng đề nghị Viện KHGD Việt Nam tiếp tục quan tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, giúp đỡ BGH Trường PTCS Thực nghiệm thực hiện tốt nhiệm vụ năm học.
Trong niềm vui ngày khai giảng, trường THPT Nguyễn Siêu quyết tâm duy trì mô hình GD chất lượng cao.
Năm qua, học sinh toàn trường đạt hạnh kiểm tốt từ 90 đến 100%; xếp loai văn hoá Khá, Giỏi từ 80 đến 90%.Tham gia thi học sinh giỏi các cấp đạt 64 giải (trong đó có 1 HCB thi Olympic toán học bằng tiếng Anh - Khu vực Thái Bình Dương của học sinh lớp 6A1; 1 giải Nhất toàn quốc môn tiếng Anh của học sinh lớp 4A4 và 13 giải cấp Thành phố). Xét tốt nghiệp lớp 5, lớp 9 đạt 100%; đặc biệt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT học sinh lớp 12 đỗ 100% (giữ vững truyền thống liên tục 16 khoá thi tốt nghiệp đỗ 100%) và trong kỳ thi vào các trường Đại học, Trường THPT Nguyễn Siêu đã được xếp vào tốp 200 trường THPT đạt điểm trung bình cao nhất trong cả nước. Ngoài ra, trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp, văn nghệ, thể dục thể thao, nhân đạo từ thiện…trường Nguyễn Siêu cũng là một trong những trường đạt thành tích cao trong Thành phố.
Trong năm học 2011-2012:, trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đạo đức, hoạt động ngoài giờ lên lớp, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; thực hiện có hiệu quả chương trình, nội dung, kiến thức chuẩn của Bộ giáo dục và Đào tạo đồng thời học tăng cường, nâng cao theo nguyện vọng và phù hợp với trình độ học sinh; Tiếp tục thực hiện chuyển đổi mô hình “Dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao” đến năm học 2012-2013 Khối tiểu học và THCS 100% số lớp; THPT 80% số lớp là DVCLC; Xây dựng tiếp nhà học kiên cố 4 tầng cho khối THPT; tăng cường thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo yêu cầu của Trường ”Dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao” (Tổng kinh phí đầu tư chuẩn bị cho năm học mới khoảng 15 tỷ đồng); Giữ vững trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2001- 2010, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2010 – 2015.
Trong ngày khai trường sáng nay, Bà Trương Thị Chanh, hiệu trưởng trường Mầm non xã Mai Lâm (huyện Đông Anh, Hà Nội) vui mừng cho biết, đây là năm học đầu tiên cô và trò được học tập tại ngôi trường khang trang vừa mới khánh thành. Ban giám hiệu, các cán bộ, giáo viên toàn trường quyết tâm phấn đấu, xây dựng để Trường Mầm non xã Mai Lâm dành danh hiệu Trưởng Chuẩn Quốc gia ngay trong năm học này.
Tiết mục văn nghệ của cô, trò trong ngày khai giảng |
Tại Quảng Nam:
Có 759 trường, từ tiểu học, THCS và THPT bước vào khai giảng, so với năm học 2010-2011 toản tỉnh tăng thêm 5 trường và tổng số học sinh trong ngày khai giảng năm học 2011 – 2012 có 325.093 em, giảm 1.968 em so với năm trước, nhất là cấp THCS và tiểu học.
Trong năm học này, tỉnh Quảng Nam thành lập thêm 2 trường THPT là Hùng Vương (huyện Thăng Bình) và Nguyễn Văn Trỗi (huyện Nam Giang). Số lượng giáo viên giảng dạy ở cấp THPT của toàn tỉnh là 2.891, tăng 337 người so với năm trước và chính thức khánh thành trường chuyên THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm mới (tại TP Tam Kỳ).
Theo ông Nguyễn Tân Thắng, Giám đốc Sở giáo dục tỉnh Quảng Nam cho biết: “Thời gian qua, toàn ngành đã tích cực trong công tác chuẩn bị cho năm học mới bằng việc đầu tư xây dựng hàng loạt phòng ốc, cả tỉnh đã xây mới thêm 519 phòng học và phòng chức năng (trong đó xây mới 5 trường), sửa chữa 219 phòng với tổng kinh phí đầu tư lên đến gần 140 tỷ đồng (gồm nhiều nguồn vốn như xây dựng cơ bản tập trung, chương trình mục tiêu…). Cạnh đó, thực hiện đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên, cả tỉnh xây dựng được 363 phòng học và 173 nhà công vụ với tổng số tiền hơn 56 tỷ đồng.”
Thầy và trò trường THCS Lý Thường Kiệt đánh trống và thả bong bóng khai giảng năm học mới |
An Giang:
Khắp các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi và vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh An Giang đồng loạt khai giảng năm học 2011-2012; với tinh thần là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Theo TS Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở GD – ĐT An Giang, toàn tỉnh huy động hơn 35 tỷ đồng (các tổ chức xã hội và nhân dân đóng góp) đã sửa chữa hơn 2.400 phòng học và khoảng 10.000 bộ bàn ghế, san lấp sân trường, xây dựng tường rào và trồng cây xanh…; đồng thời, thời nghiệm thu và đưa vào sử dụng hơn 300 phòng học mới, phòng chức năng do ngân sách tỉnh đầu tư.
Lớp học song ngữ tiếng Việt - Chăm tại thánh đường La Ma (huyện An Phú, tỉnh An Giang). |
Ông Nguyễn Văn Khên, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú cho hay, năm học 2011-2012 này, các trường tiểu học, trung học cơ sở dọc biên giới Khánh An, Khánh Bình, Long Bình vẫn tiếp tục đón nhận trẻ em người Việt ở các xã Sam Pa Puol, Son Kha Mau, Pec Chay (quận Koh Thum, tỉnh Kandal). Riêng, tại các trường của Khánh An, thu nhận xấp xỉ 800 học sinh người Việt ở bên Campuchia sang học. Chính quyền 2 huyện – quận biên giới thỏa thuận, tạo điều cho các em trở về quê đi học tiếng Việt. Theo thầy giáo Hình Quốc Khình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học A, số học sinh người Việt bên Campuchia hiện có 425 em, chiếm hơn 1/3 học sinh toàn trường; đây là ngôi trường thu nhận trẻ em người Việt ở Campuchia về quê đi học đông nhất trên tuyến biên giới An Giang.
Đối với khu vực miền núi và có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer như huyện Tri Tôn, huy động hơn 24.400 học sinh mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở, đạt từ 97% đến 102% kế hoạch năm học mới. Các Trường THCS Cao Bá Quát (thị trấn Chi Lăng) tuyển sinh 382 học sinh Dân tộc nội trú Khmer; Trường THCS Núi Cấm (đỉnh núi Cấm, xã An Hảo) thu nhận hơn 100 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9; Trường Tiểu học B An Hảo (đỉnh núi Cấm) huy động 185 học sinh… Thầy giáo Trương Chính Văn, Trưởng phòng GD-ĐT Tịnh Biên nói, toàn huyện có 2.137 học sinh nghèo và dân tộc Khmer được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước ban hành.
Trẻ em người Việt ở quận Koh Thum (tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia) về học tại xã Khánh An (huyện An Phú, tỉnh An Giang) |
Khai giảng năm học 2011-2012, các trường ở 9 xóm đồng bào dân tộc thiểu số Chăm ở các huyện Châu Thành, Châu Phú, An Phú, thị xã Tân Châu và thành phố Long Xuyên tổ chức tốt kế hoạch đón nhận trẻ em đến trường. Giáo cả Musa Haji, Trưởng ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo An Giang phấn khởi nói: “Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào Chăm trong tỉnh đều có trường học các cấp, con em của đồng bào đi học ngày một đông hơn”.
Thầy giáo Isa Sen (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú), vui mừng báo tin, chương trình song ngữ tiếng Việt – Chăm sau thời gian thử nghiệm (với sự chủ trì của Sở GD-ĐT Tây Ninh), những năm gần đây đã được phép của Bộ GD-ĐT cho dạy trong các trường phổ thông (tiểu học) vùng có đông con em đồng bào Chăm.
Sóc Trăng
Trong buổi lễ khai giảng năm nay nhiều trường tổ chức nhiều chương trình đặc sắc hơn bởi ngôi trường vừa được xây xong kiên cố và đưa vào sử dụng đã tạo niềm vui lớn cho giáo viên, phụ huynh cùng học sinh như trường tiểu học Ngọc Tố 2; trường THPT Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên được xây dựng với kinh phí gần 4 tỷ đồng gồm một trệt một lầu và trang bị bàn ghề cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy.
nhiều đóa hoa tươi thắm tặng cô ngày khai giảng |
Còn tại các trường THCS Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên; THPT Phú Tâm, huyện Châu Thành; THPT Kế Sách, huyện Kế Sách; THPT Trần Văn Bảy, huyện Thạnh Trị ngoài việc tổ chức chương trình chào mừng năm học mới nơi đây còn tổ chức nhiều tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian thu hút nhiều học sinh của trường hăng say tham gia.
Cùng thời gian này UBND tỉnh Sóc Trăng đã trao tặng 225 bằng khen công nhận danh hiệu học sinh giỏi toàn cấp THPT (kèm theo số tiền 830.000 đồng/học sinh) cho 225 em học sinh giỏi ở 26 trường THPT của tỉnh Sóc Trăng. hai trường có số lượng học sinh nhận danh hiệu cao nhất là trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai của TP. Sóc Trăng là 46 học sinh (cao nhất tỉnh) và trường THPT An Lạc Thôn, thuộc huyện Kế Sách là 22 em (đứng thứ 2 trong tỉnh). Trường có em học sinh nhận ít nhất là trường THPT Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên và trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương là 1 em học sinh.
Hà Giang: Sáng 5/9, trên khắp các nẻo đường từ vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh Hà Giang, gần 148.000 học sinh đồng bào các dân tộc thiểu số tại 634 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên mang trên mình những bộ quần áo trang phục đẹp nhất, hân hoan hướng về mái trường thân yêu để dự lễ khai giảng mở đầu năm học mới 2011-2012.
Để lễ khai giảng năm học mới 2011-2012 diễn ra đúng kế hoạch, ngành Giáo dục Hà Giang đã chỉ đạo 11 huyện, thành phố, các Phòng Giáo dục, các trường chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học, triển khai có hiệu quả Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên. Xây dựng mới, sửa chữa nhiều phòng học tạm và các hạng mục công trình khác, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục phát huy hiệu quả các chương trình dự án. Quan tâm, ưu tiên các dự án xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất cho các huyện đặc biệt khó khăn. Năm học mới này toàn tỉnh có gần 11.000 phòng học, trong đó có trên 6.200 phòng học kiên cố, 3.035 phòng học cấp 4, 1.404 phòng học tạm được hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ hiệu quả cho công tác học tập và giảng dạy. Mua sắm trang thiết bị dạy và học, chuẩn bị sách giáo khoa, vở viết cho học sinh, đảm bảo 100% học sinh có đủ sách giáo khoa, vở viết đến lớp. Cung ứng 85.249 bộ sách giáo khoa với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng.
Cùng với cả nước, năm học mới 2011-2012, ngành Giáo dục Hà Giang tiếp tục triển khai có hiệu quả, sáng tạo các cuộc vận động và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Tiếp tục triển khai có hiệu quả, sáng tạo cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với đặc thù của ngành là thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Thành lập Trung tâm học tập cộng đồng, một số trường phổ thông trung học ở các cụm xã, trường phổ thông dân tộc nội trú theo khu vực; phát triển loại hình trường, lớp có học sinh nội trú dân nuôi ở các xã vùng sâu, vùng xa. Chuyển biến mạnh mẽ trong công tác dạy và học, là tiền đề phát triển nguồn nhân lực có chất lượng. Phấn đấu đến năm 2015, Hà Giang được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi
Điện Biên:
Hòa vào ngày hội khai giảng của cả nước, ngày 5/9 trên địa bàn toàn tỉnh Điện Biên 449/474 trường (144.969 học sinh) đồng loạt tổ chức khai giảng năm học mới, trong phấn chấn, tự tin...
Ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo trước thềm năm học mới, ông cho biết: Năm học 2011 - 2012, ngành giáo dục có nhiều đổi mới, nhiều nhiệm vụ triển khai thực hiện. Nhiều trường trong tỉnh đạt thành tích xuất sắc được đón nhận các danh hiệu cao quý, khai giảng năm nay niềm vui như nhân lên gấp đôi. Cán bộ, giáo viên, công nhân viên khắc phục mọi khó khăn tiến hành khai giảng năm học mới theo đúng yêu cầu của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Công tác huy động học sinh ở các trường đều đạt chỉ tiêu Sở đề ra hiện có 6.769 lớp với 144.969 học sinh các bậc học. Sách giáo khoa, vở viết của học sinh được hưởng theo chế độ ưu đãi của Chính phủ, đã được cấp phát đầy đủ 100%. Phòng học tu sửa trong dịp hè đảm bảo đủ chỗ học với 6.810 phòng (trong đó 3.668 phòng học kiên cố, 1.339 phòng học bán kiên cố, 1.803 phòng học tạm). Trong ngày đầu tiên năm học, Sở triển khai nghiêm túc việc thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm năm học của Bộ Giáo dục - Đào tạo, đến tất cả các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh.
Thầy trò trường TH Mường Ảng với tiết mục văn nghệ mừng ngày khai giảng. |
Trên đại công trường thị xã Mường Lay, tuy bước vào ngày khai giảng với điều kiện cơ sở vật chất còn bộn bề tới 2/3 phòng học tạm, mượn. Khu Chi Luông trường chưa được xây dựng học sinh phải đi học nhờ. Điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, đường xá lầy lội cũng không giảm được không khí của ngày khai trường. 100% trường tổ chức lễ khai giảng đầy đủ nội dung, quyết vượt lên của thầy - trò. Số phòng học bố trí đầy đủ, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ở các bậc học đạt 99%, vở viết, sách giáo khoa của học sinh được trợ cấp, đã cấp phát đầy đủ. Năm học mới phòng Giáo dục - Đào tạo với quyết tâm hoàn thành mục tiêu giáo dục, tăng cường ứng dụng CNTT trong giảng dạy và xây dựng một trường trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia.
Ông Lò Văn Bun Hội trưởng hội phụ huynh học sinh, trường THCS Mường Nhà, nói với chúng tôi trong niềm vui: Năm học này, con em dân tộc vùng khó khăn được Chính phủ quan tâm rất nhiều, cơ sở trường lớp, nhà ở bán trú được xây dựng. Gia đình phụ huynh nào cũng phấn khởi động viên con đi học chữ.
Thừa Thiên – Huế:
Hòa chung trong không khí cả nước chào mừng năm học mới. Sáng nay (5/9) toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và gần 1.700 học sinh THCS Nguyễn Chí Diểu (TP.Huế) đã long trọng tổ chức khai giảng năm học mới .
Theo báo cáo của nhà trường trong năm học 2010-2011, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp và lãnh đạo ngành; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức toàn thể, các đơn vị kết nghĩa và nhân dân trên địa bàn, thầy và trò trường THCS Nguyễn Chí Diểu đã tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học với những kết quả nổi bật đáng phấn khởi trong năm học vừa qua như: Chất lượng giáo dục đại trà có 442 học sinh có học lực đạt loại giỏi (chiếm 26,1 %), 694 HS đạt loại khá (chiếm 41%), 493HS học lực trung bình (chiếm 29,2%)…
Sở GD & ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế trao xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh nghèo vượt khó học giỏi tại trường THCS Nguyễn Chí Diểu |
Mục tiêu năm học mới của nhà trường là tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu qủa chỉ thị 06-CT/TW của Bộ chính trị về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”. Ngoài ra, trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được trong năm học 2010-2011, toàn thể thầy và trò trường cũng nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm của Ngành và quyết tâm thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”…để tạo tiền đề vững chắc về chất lượng và hiệu quả giáo dục, góp phần nâng cao dân trí, đào tào bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc CNH, HĐH đất nước.
Cũng trong sáng hôm nay, trường THCS Nguyễn Tri Phương; trường THPT Cao Thắng, THPT Hương Vinh, THPT Phú Bài, THPT Nguyễn Sinh Cung trên địa bàn tỉnh cũng đã long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học mới với sự tham gia các cấp lãnh đạo UBND tỉnh (thành phố) cùng toàn thể giáo viên, công nhân viên, học sinh và quý vị phụ huynh học sinh.
Quy Nhơn:
Sáng ngày 5.9, Trường THCS Lương Thế Vinh, TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đã long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2011 – 2012. Tham dự có đồng chí Nguyễn Văn Dũng – Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Quy Nhơn; cùng tập thể cán bộ, giáo viên và 784 học sinh của trường, trong đó có 203 học sinh khối lớp 6.
Nhà trường cũng đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho năm học mới 2011 – 2012 đó là: tiếp tục thực hiện cuộc vận động “hai không” với 4 nội dung và phong trào xây dựng “Trường học thân thiện – học sinh tích cực”, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; quyết tâm đưa Trường THCS Lương Thế Vinh trở thành trường có chất lượng cao, giữ vững trường tiên tiến cấp tỉnh, liên đội xuất sắc cấp tỉnh, công đoàn vững mạnh, tiếp tục giữ vững trường chuẩn Quốc gia và trường văn hóa cấp tỉnh.
Tại buổi lễ khai giảng, nhà trường đã phát động “tháng khuyến học”, “tháng an toàn giao thông”, phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện – học sinh tích cực”. Đại diện Công đoàn nhà trường và học sinh của trường đọc quyết tâm thư thực hiện các phong trào thi đua của năm học 2011 – 2012. Nhân dịp khai giảng năm học mới, Hội Khuyến học phường Lý Thường Kiệt đã trao tặng quà cho 10 học sinh nghèo vượt khó học giỏi của trường, mỗi suất quà gồm 10 quyển vở và 100.000 đòng tiền mặt, nhằm động viên các em tiếp tục nổ lực hơn nữa trong học tập.
Nghệ An:
Sáng nay, ngày 05 tháng 9, 730.000 học sinh, cán bộ, giáo viên của 1.573 trường học của Nghệ An đã nô nức khai giảng năm học mới.
Trường TH Cửa Nam 1 đón học sinh lớp 1 trong lễ khai giảng |
Tạị Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An, sau khi đánh trống khai giảng năm học mới, ông Phan Đình Trạc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ đã biểu dương thành tích của thầy và trò nhà trường trong hơn 25 năm phấn đấu, tạo nguồn đào tạo cán bộ dân tộc cho tỉnh.
Tại Trường Trung học phổ thông Kim Liên (huyện Nam Đàn), ông Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã đánh giá cao thành tích của ngành giáo dục và đào tạo Nghệ An trong năm học 2010-2011: mạng lưới các ngành học được củng cố; chất lượng giáo dục được nâng lên với 01 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc Vật lý Quốc tế, 02 Huy chương Đồng Vật lý Châu Á, 59 học sinh giỏi quốc gia và xếp thứ 13 trong số 63 tỉnh trong cả nước trong kỳ thi vào đại học, cao đẳng năm 2011.
Điều đáng ghi nhận trong ngày khai giảng năm học 2011-2012 ở Nghệ An là ngoài phần "lễ" như mọi năm, đã có thêm nhiều trường ở các cấp học quan tâm tổ chức tốt phần "hội" theo sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tại Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 (thành phố Vinh), sau lễ khai giảng, nhà trường đã tổ chức cho các em tham gia hoạt động văn nghệ, múa hát dân ca, chơi một số trò chơi dân gian. Trước đó, nhà trường cũng đã gửi quà khai giảng năm học mới đến học sinh dân tộc Đan Lai của Trường Tiểu học số 3 xã vùng cao Môn Sơn (huyên Con Cuông) với 800 cuốn vở, 50 khăn quàng đỏ, 80 bộ quần áo đồng phục (trị giá 16,4 triệu đồng). Tại các trường: Mầm non Nguyễn Huệ, Tiểu học Nam Yên, THCS Lê Xuân Đào (huyện Hưng Nguyên); Tiểu học Làng Sen, Tiểu học Khánh Sơn 1, THCS Nam Lĩnh (huyện Nam Đàn); Tiểu học Quỳnh Giang A, Tiểu học Quỳnh Tân B (huyện Quỳnh Lưu); THPT Hà Huy Tập, THPT Lê Viết Thuật (thành phố Vinh); ….các em học sinh đã thực sự được sống trong ngày hội khai trường. Với những trường này, lễ hội khai giảng đã thực sự để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng học sinh khi các em bước vào năm học mới.
Đắk Nông:
Sáng ngày 5-9, cùng với học sinh cả nước, các trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2011-2012. Trong năm học này, tỉnh Đắk Nông có 141.000 học sinh, tăng 2.526 học sinh so với với năm học trước.
Học sinh trong ngày khai giảng tại trường THPT Trần Hưng Đạo (Đắk Mil) |
Để đáp ứng nhu cầu cho năm học mới này, tỉnh Đắk Nông đã đầu tư trên 108 tỷ đồng xây dựng mới 256 phòng học, trong đó, có 120 phòng học kiên cố và 145 phòng học bán kiên cố. Nhờ đó, năm học 2011-2012, toàn tỉnh sẽ có 343 trường học các cấp, tăng 22 trường so với năm học trước.
Với nguồn kinh phí hơn 11,5 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông cũng đã triển khai mua sắm, bổ sung bàn ghế, trang thiết bị dạy học, trang bị máy tính, thiết bị trình chiếu đa phương tiện, thiết bị trường mầm non… Ngoài ra, tỉnh cũng đã đầu tư trên 5 tỷ đồng mua sách giáo khoa, vở viết cho học sinh là con em dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện cho các em được đến trường đầy đủ.
Các Phòng Giáo dục cũng đã tiến hành cấp phát vở và sách giáo khoa cho các em học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh thuộc các xã có điều kiện kinh tế khó khăn; trang bị 469 bộ máy tính cho các trường phổ thông và các thiết bị dạy học khác với tổng kinh phí trên 11 tỷ đồng.
Thái Nguyên:
Tại trường THPT Chuyên Thái Nguyên, ngay trong Lễ khai giảng, thày và trò nhà trường đã vinh dự được đón nhận Cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ.
Năm học vừa qua, Trường PTTH Chuyên Thái Nguyên có 36 lớp với 1.111 học sinh. Về học lực, có 62,6% học sinh xếp loại giỏi, 36,4% xếp loại khá, tỷ lệ tốt nghiệp lớp 12 đạt 100%. Về hạnh kiểm, 98,6% học sinh xếp loại tốt, 1,4% xếp loại khá. Số học sinh thi đỗ đại học (nguyện vọng 1) đạt 82%, trong đó có 01 học sinh đạt 28 điểm (cao nhất tỉnh Thái Nguyên), 01 học sinh là thủ khoa Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Trong các cuộc thi học sinh giỏi Quốc gia, Nhà trường đã có 76 học sinh tham dự, trong đó 56 học sinh đoạt giải (chiếm tỷ lệ 73,68%), đứng thứ 15 trong tổng số 77 đội dự thi của toàn quốc...
Năm học 2011-2012, Nhà trường đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung vào việc tiếp tục thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào do Bộ giáo dục, đào tạo phát động; không ngừng nâng cao chất lượng dạy học, trong đó chú trọng chất lượng đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia; bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, tăng cường ứng dụng CNTT vào giảng dạy; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; tăng cường công tác giáo dục toàn diện học sinh, chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa, đạo đức lối sống, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm xã hội, an toàn giao thông, phòng chống bạo lực và tệ nạn xã hội…
Tại trường Giáo dục và hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi Thái Nguyên - một ngôi trường có nhiệm vụ đặc biệt chăm sóc và giáo dục học sinh khuyết tật như khiếm thính, khiếm thị, trí tuệ chậm phát triển, tật vận động…Sau 15 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, trường đã trở thành một mô hình điểm về giáo dục trẻ em khuyết tật các tỉnh miền núi phía Bắc. Mỗi năm, Trường tiếp nhận từ 200-213 trẻ em khuyết tật từ các huyện, thành trong tỉnh về học tập. Phần lớn là con em sinh ra trong gia đình hộ nghèo, một phần là nạn nhân chất độc da cam. Tại đây, các em được học văn hóa, vui chơi như những trẻ em bình thường khác.
Ngay sau Lễ khai giảng, các em học sinh trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi đã cùng nhau tham gia các hoạt động tập thể |
Ngoài học văn hóa, các em từ 15 tuổi trở lên được học nghề để giảm bớt khó khăn cho bản thân và gia đình sau này. Năm học vừa qua, thầy trò Nhà trường cũng đạt được nhiều thành tích cao trong các hội thi văn hóa, thể thao dành cho học sinh khuyết tật toàn quốc; 100% các lớp đạt tiên tiến, có 10 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, 64 học sinh khá và 21 học sinh có thành tích tốt về các mặt.
Năm học này, trường đón 30 học sinh vào lớp 1. Với sự quan tâm của ngành, của địa phương, của phụ huynh, các nhà hảo tâm cùng với tâm huyết và tinh thần đoàn kết chung sức chung lòng của tập thể cán bộ giáo viên, sự nỗ lực của các em học sinh, nhà trường quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học mới, góp phần thiết thực vào sự nghiệp giáo dục nói chung và sự nghiệp giáo dục trẻ khuyết tật nói riêng.
Trường THPT Lương Ngọc Quyến là ngôi trường có bề dày truyền thống của tỉnh Thái Nguyên. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học, Nhà trường đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là triển khai thực hiện Chương trình hành động đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH đất nước; tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập.
Tại buổi Lễ, thầy trò Nhà trường đã cùng nhau ký giao ước thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của ngôi trường mang tên chí sỹ yêu nước Lương Ngọc Quyến, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.
Năm nay, Tân Sơn ( Phú Thọ) có 53 trường với số lớp là 787. Số học sinh: 15.019; Số lớp: tăng 12, Số học sinh tăng 299 so với năm học 2010-2011, trong đó: Mầm non: Số trường 19; Số lớp: 256; Học sinh: 4.831; tăng 01 nhóm lớp, tăng 280 học sinh so với năm học 2010-2011, bình quân 18,9 HS/ lớp.
Trường Tiểu học Tân Phú (Tân Sơn) khai giảng |
Tiểu học: Số trường 17; Số lớp: 373; Học sinh: 6.150; tăng 11 lớp, tăng 162 học sinh so với năm học 2010-2012, bình quân 16,5 HS/ lớp. THCS: Số trường 15; Số lớp: 158; Học sinh: 4.038; giảm 143 học sinh so với năm học 2010-2011, bình quân 26,4 HS/ lớp. TH&THCS: 2 trường (Số lớp, học sinh đã được tính vào khối TH, THCS)
Là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Phú Thọ, năm học vừa qua, thầy trò Tân Sơn đã được Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, UBND Tỉnh, Huyện các ban ngành quan tâm, cơ sở vật chất lớp học, nhà ở giáo viên các đơn vị trường học cơ bản đảm bảo cho việc dạy và học, còn thiếu chủ yếu là nhà điều hành, các phòng chức năng, phòng học bộ môn và một số lớp học mầm non, tiểu học ở khu lẻ. Tuy nhiên, cho đến năm học này, vẫn còn 69 lớp học tạm, 40 lớp học còn đi học nhờ. Đây là khó khăn không thể giải quyết một sớm một chiều.
Mặc dầu còn những khó khăn của một trong những huyện miền núi khó khăn nghèo nhất nước, nhưng thầy trò huyện Tân Sơn hồ hởi và vững tin vào những bước chuyển mới cho năm học 2011-2012.