Cả nhà loay hoay không biết làm thế nào, thậm chí người bố định chuyển trường cho con để con “dứt tình”, chuyên tâm vào học tập.
Nhiều cha mẹ sốc khi phát hiện con yêu sớm.
Nhiều cha mẹ khi biết tin con yêu sớm thường rất sốc. Họ cho rằng, yêu sớm sẽ khiến đứa trẻ sao nhãng, bỏ bê việc học tập, đặc biệt với những bé gái thì “nhỡ có vấn đề gì sẽ ảnh hưởng đến tương lai”. Thế nên, họ thường ngăn cấm, mắng chửi, theo sát con từng bước, quản lý con sát sao từng cuộc điện thoại, tin nhắn… hòng phá vỡ tình yêu tuổi học trò của con.
Một ông bố có con gái lớp 7 yêu bạn trai học lớp trên đã vô cùng lo lắng. “Gia đình đã khuyên bảo, thậm chí đánh đòn nhưng cháu không nghe. Bố mẹ thu điện thoại thì bạn trai cháu mua cho cái mới, gọi bạn trai cháu nói chuyện nhưng chúng vẫn lén lút qua lại. Gia đình của bạn trai khá phức tạp, bố mẹ ly hôn, cháu ở với bố và mẹ kế nên việc giáo dục và quan tâm không được chu đáo. Cả nhà định gửi cháu sang nhà dì ở tỉnh khác để cháu không có cơ hội gặp gỡ bạn trai nữa thì có nên không?”, người bố băn khoăn.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải (cố vấn chuyên môn Hội quán các bà mẹ), trong trường hợp này, việc chuyển trường, chuyển chỗ ở không có tác dụng, thậm chí diễn biến có thể còn xấu hơn.
“Không quản được thì cấm” là cách xử lý khá phổ biến của các bâc cha mẹ trước việc “con cái nứt mắt ra đã yêu đương nhăng nhít”. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Lan Hải, yêu sớm không xấu, yêu lén lút mới đáng ngại và yêu muộn thì chắc gì đã tốt hơn.
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải: Yêu sớm không xấu, yêu lén lút mới đáng ngại và yêu muộn thì chắc gì đã tốt hơn.
Cũng có con lớp 7 đã yêu, chị Nguyễn Thị Minh (Đống Đa, Hà Nội) ban đầu khá… choáng. Thế nhưng, suốt những ngày sau đó, chị vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra. Trong các câu chuyện với con, chị thỉnh thoảng kể ngày trước cũng thích một bạn trai cùng lớp, thích vì bạn ấy học giỏi và thỉnh thoảng còn nhìn trộm. Vài hôm sau, con trai tự giác chia sẻ với mẹ việc đang thích một bạn gái trong lớp.
Chị Minh cho biết, nếu chọn cách ứng xử là quát mắng và đổ sự tức giận lên đầu con, chị sẽ ngay lập tức bị con gạt ra khỏi cuộc sống của con. Con sẽ ấm ức, khó chịu và có thể sẽ không bao giờ chia sẻ với chị mọi chuyện.
Lựa chọn cách ủng hộ con là chị đã khiến con tin tưởng, coi mẹ như một người bạn. Khi con hiểu rằng mẹ đang tin tưởng con, con sẽ sợ mất lòng tin mà phải giữ mình hơn, cẩn thận hơn. Đây cũng là lúc để chị định hướng tình cảm cho con chứ không để con một mình “mò mẫm” rồi bước đi sai lầm.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng, sự rung động của các em ở tuổi này hoàn toàn tự nhiên, rất bình thường. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng dễ dàng chấp nhận và có những xử trí thích hợp khi phát hiện con em yêu sớm. Nhiều bi kịch đau lòng, có thể nói nguyên nhân gián tiếp là do sự thờ ơ, thiếu quan tâm định hướng hoặc khởi nguồn từ cấm cản của gia đình.
Sử dụng lệnh trừng phạt như phong tỏa các mối quan hệ của con; ngăn cấm, chửi bới, xúc phạm; can thiệp, lùng sục thô bạo vào Facebook, điện thoại… của con để “chặn đứng” chuyện yêu đương là cách các phụ huynh thường làm. Tuy nhiên, càng cấm cản, các em sẽ càng ức chế, bị cuốn sâu vào sự đau khổ, tuyệt vọng, dẫn đến tìm cách “vùng vẫy” đáp trả trong sự ngang bướng: yêu mãnh liệt hơn, cô lập với gia đình; tự hành hạ bản thân hoặc xa hơn là nghĩ đến điều dại dột.
Theo thạc sĩ Mỹ Linh, phụ huynh cần lắng nghe con một cách nghiêm túc, thẳng thắn; thoải mái chia sẻ với con những kinh nghiệm, hiểu biết của mình để giúp con nhận ra bản chất của tình cảm lứa tuổi học trò.