Cả nhà dắt nhau đi học chữ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tại tổ Bàu Đỉa, thôn 7, xã biên giới Thiện Hưng, huyện Bù Đốp (Bình Phước) có một lớp học dành cho những người lần đầu tiên ê a học chữ.

Ngoài giảng dạy trên lớp, Thiếu tá Đức còn tận dụng thời gian đến tận gia đình học sinh để hướng dẫn học tập.
Ngoài giảng dạy trên lớp, Thiếu tá Đức còn tận dụng thời gian đến tận gia đình học sinh để hướng dẫn học tập.

Điều đặc biệt ở đây là có nhiều gia đình, cả vợ chồng, con cái đều đi học.

Mẹ con, vợ chồng ngồi chung một lớp

Từ trung tâm xã Thiện Hưng dọc theo con đường đất ngoằn ngoèo, đi tắt trong các vườn điều, cao su chừng 7km mới đến lớp học đặc biệt này. Những năm qua, dù người dân ở đây bận rộn với công việc đồng áng nhưng cứ đến chiều tối các ngày thứ 2, 4, 6 trong tuần họ lại đến lớp để học tập. Học sinh tại đây đủ mọi lứa tuổi, thậm chí có nhiều người đã hơn 40 tuổi vẫn cùng những đứa con của mình chăm chỉ đến lớp học từng con chữ.

Chị Điểu Phượng (42 tuổi) người dân tộc S’tiêng, học sinh lớn tuổi nhất lớp học này, chia sẻ, từ nhỏ nhà nghèo nên không có điều kiện đi học. Lớn lên, lấy chồng, cặm cụi làm lụng nuôi con, vất vả với cơm áo, gạo tiền. Từ khi lớp học xóa mù chữ được mở tại tổ Bàu Đỉa, chị Phượng cùng người con trai 21 tuổi và đứa con gái 15 đều đặn đến lớp mỗi tối.

“Ngày xưa, đường đi lại khó khăn, nhà nghèo nên không có tiền đi học chữ. Các con đi học được mấy năm rồi cũng nghỉ giữa chừng. Do không biết chữ nên việc phát triển kinh tế gia đình cũng như nuôi dạy con cái đều gặp nhiều khó khăn. Từ khi được các cán bộ Biên phòng tuyên truyền, vận động, tôi cùng 2 đứa con quyết định tham gia lớp học. Tôi lớn tuổi rồi, tiếp thu chậm, tuy nhiên 2 đứa con tiếp thu rất nhanh ngoài biết đọc viết còn biết cộng trừ con số nữa, thực sự vui lắm!”, chị Phượng vui mừng chia sẻ.

Tương tự, chị Điểu Huỳnh (28 tuổi) người dân tộc S’tiêng cho biết, ngay khi biết đến lớp xóa mù chữ chị đã đăng ký cho chồng và các con đến học tập. Chị Huỳnh tâm sự, khi được nghe bộ đội Biên phòng tuyên truyền chị biết rõ cái chữ rất quan trọng. “Không biết chữ khổ lắm, làm giấy tờ gì đều phải nhờ người khác viết hộ, mình chỉ điểm chỉ thôi”, chị Huỳnh chia sẻ.

Chia sẻ về niềm vui đến muộn của mình, chị Điểu Huỳnh cho hay: “Khi các anh biên phòng đến vận động đi học, tôi đăng ký cho cả chồng và 2 đứa con đi học liền. Sau thời gian lớp nghỉ do dịch bệnh Covid-19, giờ được đi học trở lại, gia đình tôi ai cũng đều nỗ lực cố gắng học chữ. Đến nay, các thành viên trong gia đình tôi đã có thể đọc và làm những phép tính đơn giản rồi”.

Được biết, Bàu Đỉa là địa bàn có hơn 50% là người dân tộc thiểu số S’tiêng và Việt kiều từ Campuchia về sinh sống tại địa phương từ năm 2001 theo diện di cư tự do. Tổ dân cư này nằm biệt lập giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn, vào mùa mưa thì nước ngập lối đi, mùa khô thì mịt mù bụi phủ. Người dân nơi đây đa phần không đất sản xuất, nhà ở chỉ tạm bợ. Cuộc sống của bà con quanh năm chỉ trông chờ vào làm thuê cho các nông trường và công ty cao su trên địa bàn.

Chính vì vậy, việc học hành của con em các gia đình ở đây không được chú trọng. Đa số những người già đều không biết chữ, các cháu thì học cao nhất cũng đến lớp 3, lớp 4 là bỏ học đi làm thuê, qua thời gian cũng đứng trước nguy cơ tái mù chữ.

Vì vậy năm 2019, Đồn Biên phòng Bù Đốp đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập lớp học xóa mù chữ này, giao cho do Thiếu tá Ngô Minh Đức, nhân viên vận động quần chúng của đơn vị này phụ trách.

Thiếu tá Ngô Minh Đức trong một buổi dạy cho học sinh tại lớp xóa mù chữ.

Thiếu tá Ngô Minh Đức trong một buổi dạy cho học sinh tại lớp xóa mù chữ.

Hết lòng với đồng bào

Cách đây gần 4 năm, để mở được lớp học xóa mù chữ này, Thiếu tá Ngô Minh Đức đã kiên trì, lặn lội ngày đêm đến từng nhà vận động bà con ở tổ Bàu Đỉa đến lớp, rồi tìm hiểu để mượn nhà, mượn bàn ghế, tự tay sửa sang, dọn dẹp lại để làm nơi dạy học.

Có bàn ghế, có địa điểm, song vẫn chưa đủ, Thiếu tá Đức đã tham mưu cho đơn vị mua sắm toàn bộ sách vở, bút mực “trang bị” cho học viên. Nhờ đó mà từ khi mở lớp, đáp lại công sức của thầy giáo Đức, mọi người học rất chăm chỉ, giờ đây ai cũng đều biết đọc, biết viết.

Thiếu tá Đức cho biết: “Để bà con biết đến con chữ, phép tính, chúng tôi đã kết hợp với chính quyền địa phương kiên trì đến từng nhà, vận động bà con đi học. Cùng với đó là vận động nhà hảo tâm ủng hộ tập vở, bút chì. Đến nay đường điện, lớp, bàn ghế đã được chính quyền, nhà hảo tâm hỗ trợ nên cơ sở vật chất cũng đã ổn định”.

Điều mà người thầy giáo quân hàm xanh này luôn trăn trở là làm sao để học viên tham gia đầy đủ. Vì vậy trong các buổi học Thiếu tá Đức luôn nhiệt tình, sát sao, đồng thời nắm rõ hoàn cảnh của từng người học để khéo léo động viên. Nếu học viên nghỉ học, anh luôn sắp xếp thời gian tới nhà vận động liền. Nhẹ nhàng và kiên trì là phương pháp hữu hiệu nhất mà Thiếu tá Đức áp dụng để động viên, khích lệ người dân nơi đây đi học.

Đặc biệt, những năm qua, ngoài công tác giảng dạy tại lớp xóa mù chữ, Thiếu tá Đức còn tranh thủ đến từng gia đình để vừa chia sẻ, giúp đỡ vừa hướng dẫn thêm bài vở cho học sinh của mình. Với Thiếu tá Đức, việc làm này tạo cơ hội gần gũi, giúp bà con xóa đi sự ngại ngùng, tự ti, mặc cảm để mạnh dạn đến lớp học chữ. Từ đó trình độ dân trí được nâng lên, đời sống của bà con bớt khổ.

Thiếu tá Đức thổ lộ: “Là một người lính, nghiệp vụ sư phạm không có, trong khi đó người học lại ở nhiều độ tuổi khác nhau, như hiện tại là từ 8 đến 42 tuổi. Vì thế trong quá trình dạy tôi luôn cố gắng tìm cách truyền đạt làm sao để đồng bào dễ hiểu, dễ tiếp thu. Tôi chỉ mong sao tất cả bà con ở tổ Bàu Đỉa đều đọc viết thông thạo, làm được các phép tính đơn giản nhất”.

Đến nay đã ngót 28 năm Thiếu tá Ngô Minh Đức khoác trên mình màu xanh áo lính, trong đó 16 năm làm thầy giáo đưa con chữ đến với những học sinh đặc biệt vùng biên giới Bình Phước. Suốt những năm qua anh đã trực tiếp vận động và dạy học 4 lớp xóa mù chữ và 7 lớp phổ cập giáo dục tiểu học. Đến nơi đâu, nhân dân trên biên giới cũng dành cho anh sự yêu mến và coi như người thân của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ