Cá heo đực muốn dìm chết cá con mới sinh

Lần đầu tiên một nhóm các nhà nghiên cứu chứng kiến một con cá heo xám sinh con trong tự nhiên. Thật không may, vài phút sau con non lại bị tấn công bởi hai con cá heo đực trưởng thành.

Cá heo đực muốn dìm chết cá con mới sinh

Việc tấn công con non tồn tại ở nhiều loài động vật, từ sư tử cho đến khỉ. Hiếm khi người ta quan sát thấy việc này xảy ra ở cá heo - loài vật được coi là thân thiện và thích được âu yếm.

Theo BBC, vụ việc xảy ra từ tháng 8/2013 nhưng mới được mô tả trên tạp chí Khoa học về các loài động vật biển có vú hôm 14/7. Bên trái là con cá heo đực, đang theo sát con cái.

Đây là một trong những câu chuyện tàn nhẫn nhất trong tự nhiên. Một con non mới chào đời, không có khả năng tự vệ, thường bị đe dọa thậm chí bị giết hại bởi chính đồng loại của mình.

Cá heo xám là loài sống tản mát nhất trong họ cá heo, vậy nên rất hiếm khi người ta quan sát thấy chúng sinh sản trong tự nhiên. Tuy nhiên, lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát được chúng trong tự nhiên, đồng thời chứng kiến một vụ tấn công cá heo con, giáo sư Robin Perrtree của Đại học Savannah, bang Georgia, cho biết.

Sự việc diễn ra ở vùng biển của đảo Tybee, Georgiah. Hai con cá heo đực cố dìm chết cá heo con sau khi nó chào đời khoảng 2 phút. Cứ mỗi lần hai con cá heo đực nhấn chìm cá heo con, cá mẹ lại dùng đầu, cố nâng con nó lên mặt nước để nó có thể thở. Vây của cá heo con vẫn bị quặp xuống do bị nén trong dạ con.

Lúc đầu khi Perrtree và các đồng nghiệp tiếp cận nhóm cá heo. Họ thấy cá heo mẹ đang vùng vẫy trong nước, sau đó, họ trông thấy chú cá heo con. Bao quanh nó là rất nhiều máu, chủ yếu từ nhau thai của cá heo mẹ.

"Vùng biển này nước khá đục, do đó tầm nhìn của chúng tôi bị hạn chế," bà Perrtree nói, “khi đến gần hơn, chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra ca sinh nở này, ngay lập tức chúng tôi tiến hành quay phim.”

"Bất thình lình có hai con cá heo khác xuất hiện và bắt đầu dìm cá heo con," bà nói. Khi vụ tấn công xảy ra, dây rốn vẫn còn dính trên thân cá heo mẹ.

Hai con cá đực tiếp tục tấn công cá con trong khoảng 30 phút. Perrtree nói bà bị sốc khi thấy chúng cứ cưỡi lên con cá heo mới sinh.

Trong khoảng hai tiếng rưỡi đồng hồ sau đó, hai con đực lượn vòng bên mạn sườn hai mẹ con cá heo. Việc tấn công trực tiếp dường như đã giảm nhưng máy thu âm thanh cho thấy chúng vẫn gây sự dưới nước. Các nhà nghiên cứu ở quá xa để biết được chính xác chuyện gì đang xảy ra.

Dù không chắc chắn nhưng bà Perrtree cho rằng vụ tấn công có thể đã được tính toán trước. Họ đã quan sát thấy hai con cá đực lượn lờ quanh cá heo mẹ trong khoảng một giờ rưỡi trước khi sinh nở.

"Chúng ta không thể đọc được suy nghĩ của chúng, vì vậy khó có thể nói chắc điều gì," Perrtree nói. Tấn công con non hiếm khi xảy ra ở các loài động vật biển có vú như cá heo, cá voi và cá heo chuột. Cho đến nay, các nhà khoa học chỉ ghi nhận hai trường hợp tấn công ở cá heo xám hay cá heo mũi chai nhưng dìm cá heo con cho chết đuối thì đây là lần đầu tiên. Trong hai vụ tấn công trước, cá con bị hất tung lên dẫn đến bị thương và kiệt sức.

Phát hiện lần này cho thấy các vụ tấn công có thể diễn ra dưới nước, do đó, chúng khó bị phát hiện hơn. Theo đó, có thể suy luận rằng việc tấn công con non ở cá voi xảy ra thường xuyên hơn chúng ta vẫn nghĩ.

"Đây có thể là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tử vong ở cá heo con," bà Perrtree nói.

Các nhà khoa học cho rằng cá heo đực tấn công con non để có cơ hội giao phối với con cái. Bởi sau khi sinh con, một con cá heo cái mất vài năm chỉ để chăm sóc con nó mà thôi. Nhưng nếu cá cái mất con lúc lọt lòng, nó có thể đi tìm bạn tình vài tháng sau đó.

Các nhà khoa học không biết điều gì xảy ra với chú cá con bị tấn công ở vùng biển Tybee, hay với mẹ của nó. Họ quan sát chúng trong vòng 24 giờ tiếp theo, sau đó thì không thấy chúng đâu nữa. Có lẽ mẹ con cá heo đã an toàn ở ngoài khơi xa.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.