Cả đời 'đếm gió, đo mưa'

GD&TĐ - GS.TS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam là một trong những nhà khoa học đầu ngành của mảng này.

GS.TS Trần Thục tại Hội nghị BĐKH toàn cầu, COP22 năm 2016 tại Marrakech - Morocco.
GS.TS Trần Thục tại Hội nghị BĐKH toàn cầu, COP22 năm 2016 tại Marrakech - Morocco.

Ngoài vai trò của một nhà khoa học, ông còn là một người thầy được nhiều thế hệ học trò yêu quý.

Xây dựng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu

GS.TS Trần Thục sinh năm 1954, tại xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp THPT, ông theo học chuyên ngành Thủy văn - Môi trường (Trường Đại học Thủy lợi).

Năm 1991, ông nhận bằng Tiến sĩ tại Học viện Công nghệ châu Á (AIT), Thái Lan. Về nước, ông tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường. Ông được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư năm 2005 và Giáo sư năm 2012.

Trong số những công trình nghiên cứu, dự án để lại dấu ấn đậm nét của GS.TS Trần Thục phải kể đến Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), Kịch bản BĐKH cho Việt Nam (2008, 2012 và 2016); Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với BĐKH (2015); Bản đồ hạn hán và mức độ thiếu nước sinh hoạt vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (2010).

GS.TS Trần Thục chia sẻ, năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường lần đầu tiên công bố Kịch bản BĐKH nhằm phục vụ cho việc đánh giá tác động của BĐKH đến các ngành, lĩnh vực, khu vực và sử dụng trong quá trình xây dựng, cập nhật chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển của ngành, vùng, địa phương. Đến nay, Kịch bản BĐKH phiên bản cập nhật năm 2020 là mới nhất. Ông tham gia xây dựng 3 kịch bản BĐKH với những đóng góp quan trọng.

Năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố lần đầu tiên Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam. Kịch bản được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm kịp thời phục vụ các Bộ, ngành và các địa phương trong đánh giá tác động của BĐKH đến các ngành, lĩnh vực và khu vực, đồng thời là cơ sở phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2015. Tuy nhiên, mức độ chi tiết của các kịch bản chỉ giới hạn cho 7 vùng khí hậu và dải ven biển Việt Nam.

Năm 2012, kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam được cập nhật dựa trên các nguồn dữ liệu, các điều kiện khí hậu cụ thể của Việt Nam và các sản phẩm của các mô hình khí hậu. Kịch bản lần này được xây dựng chi tiết đến cấp tỉnh, kịch bản nước biển dâng được chi tiết cho các khu vực ven biển Việt Nam theo từng thập kỷ của thế kỷ 21. Đây là công trình khoa học đồ sộ, đóng góp lớn vào công tác dự báo để phát triển cho Việt Nam.

Năm 2016, Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam, nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về diễn biến, xu thế biến đổi của khí hậu và nước biển dâng sử dụng số liệu quan trắc cập nhật đến năm 2014 và kịch bản BĐKH, nước biển dâng trong thế kỷ 21. Kịch bản năm 2016 đã tạo cơ sở để phục vụ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động động quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016 - 2020.

Tròn 70 tuổi, GS.TS Trần Thục vừa được vinh dự nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Khoa học công nghệ vào cuối tháng 5 vừa qua. Giáo sư bày tỏ, tuổi 70, bản thân cần nghỉ ngơi thu xếp lại, nhưng chính là dành thời gian để yêu học trò, chuyên môn, ngành nghề hơn nữa. Bằng sức lực hiện có, GS sẵn sàng đồng hành cùng các nghiên cứu sinh, các nhà khoa học trẻ để khơi dậy niềm đam mê khoa học cho thế hệ kế cận.

Trong lĩnh vực thủy văn, thuỷ lực và tài nguyên nước, các nghiên cứu của GS Trần Thục tập trung vào dự báo lũ và hạn hán, tính toán vận hành hồ chứa; tính toán thủy lực trong trường hợp giả sử vỡ đập, tính toán thủy lực mạng lưới sông phục vụ việc vận hành các công trình phân chậm lũ, thiết kế các đường tràn cứu hộ đê phòng chống lũ hệ thống sông Hồng - Thái Bình; tính toán cân bằng nước lưu vực sông và quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông…

Cần học về AI

Nói về tính chính xác của dự báo khí tượng thủy văn, GS.TS Trần Thục cho rằng trình độ chúng ta đang tiệm cận dần với thế giới, cần truyền thông để xã hội biết năng lực dự báo của thế giới và ở Việt Nam. Là một nhà khoa học đã “có tuổi” song ông luôn năng động, nhạy bén nắm bắt xu hướng công nghệ trong ứng dụng dự báo khí tượng thủy văn.

“Hiện tại chúng ta vẫn còn dựa nhiều vào kinh nghiệm của các chuyên gia. Hãy để máy tính tổng hợp các kinh nghiệm đó và đưa ra các tư vấn cho dự báo để phù hợp với xu thế chung của thế giới”, GS.TS Trần Thục nhấn mạnh.

Theo ông, để làm được điều này cần có hạ tầng chuyển đổi số. Cụ thể là hạ tầng về dữ liệu, chúng ta chỉ mới có dữ liệu đo đạc khí tượng thủy văn và hải văn mà chưa có cơ sở dữ liệu lớn về hình thế thời tiết, điều kiện hình thành và tiến triển các thiên tai đã xảy ra trong quá khứ; với hạ tầng về thiết bị, tài nguyên tính toán thì những gì hiện có là chưa đáp ứng được; hạ tầng về công nghệ phân tích cũng cần được phát triển, chuyển giao cho người làm khí tượng thủy văn và hải văn.

Theo GS.TS Trần Thục, điều quan trọng nhất là con người. Đội ngũ cán bộ đã được đào tạo khá bài bản về khí tượng thủy văn và hải văn, nhưng chưa có cán bộ được đào tạo về AI…

Theo ông, khí tượng thủy văn và hải văn không chỉ là dự báo, mà phải cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ khí hậu cho xã hội. Rất nhiều ngành kinh tế - xã hội cần thông tin, dịch vụ từ khí tượng thủy văn và hải văn như hàng không, hàng hải, xây dựng, năng lượng, dầu khí, du lịch, thậm chí thời trang, ăn uống... Do đó, cần chú trọng hơn nữa khâu chuyển tải thông tin.

Từ số liệu khí tượng thủy văn (kết quả của đo đạc), qua phân tích, tính toán để biến nó thành thông tin (tức là số liệu có ý nghĩa) và cuối cùng biến nó thành kiến thức phục vụ xã hội. Các nhà khoa học cần chuyển tải những thông tin khí tượng thủy văn và hải văn thành sản phẩm, dịch vụ khoa học và công nghệ, khí hậu, đặc biệt biến thông tin thành tri thức.

GS.TS Trần Thục nhấn mạnh, Việt Nam đã làm tốt công tác ứng phó với BĐKH từ kịch bản BĐKH; đánh giá tác động, giải pháp ứng phó, tích hợp BĐKH… đến các chính sách vĩ mô.

Tuy nhiên, có một thực tế là, chúng ta có nhiều nghiên cứu tác động của BĐKH về mặt vật lý, nhưng chưa có nhiều nghiên cứu về tác động chuyển đổi (tác động do chúng ta phải chuyển đổi và tác động do các quốc gia chuyển đổi). Xu hướng của thế giới sẽ là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, AI,… vậy nên Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cần có định hướng về các lĩnh vực này.

ca doi dem gio do mua (6).jpg
Bộ đội giúp dân trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: INT

Nhà giáo giàu đam mê, nhiệt huyết

GS.TS Trần Thục chia sẻ, chọn con đường nghiên cứu, nếu không đam mê và tâm huyết, chắc không thể nào đi đến cuối con đường. Chỉ khi có đam mê mới có thể cắm cúi làm việc, say sưa cống hiến, miệt mài không ngừng nghỉ đi tìm câu trả lời, tìm ra những cái mới, tiến bước trên con đường nghiên cứu. Nếu không sẽ rất dễ bỏ dở giữa chừng vì mệt mỏi, vì muôn vàn áp lực khác của cuộc sống.

Làm nhà khoa học đã thế, làm nhà giáo lại càng cần đam mê. GS.TS Trần Thục tự nhận mình may mắn vì có rất nhiều thế hệ học trò thành danh bằng con đường nghiên cứu khoa học về khí tượng thủy văn.

Ông luôn tâm niệm, người thầy ngoài truyền đạt kiến thức thì phải thổi lên được ngọn lửa đam mê cho học trò, dẫn dắt học trò đi theo con đường khoa học đã chọn. Bởi người lựa chọn con đường này phải là người dũng cảm.

“Điều tôi muốn nhắn gửi đến các nhà khoa học trẻ là hãy bắt đầu từ những việc, những nghiên cứu nhỏ để có thể ghép thành bức tranh lớn hơn; các viện nghiên cứu, trường đại học: Hãy chia việc lớn thành những việc nhỏ để giao và tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ”, GS.TS Trần Thục chia sẻ.

GS.TS Trần Thục chia sẻ, những thành công có được của ngày hôm nay của ông đến từ một phần sự tận tâm của những người thầy, sự trợ giúp của các đồng nghiệp và cả của các học trò. Ở góc độ nào đó thì học trò cũng chính là những người thầy của mình.

“Không có các học trò, tôi không có nguồn cảm hứng để nghĩ chủ đề giúp họ làm luận án, rồi chính họ lại là cộng sự quay lại cùng làm việc, còn gì hạnh phúc hơn. Tôi rất tự hào vì học trò của mình đều phát triển về mặt khoa học. Và dĩ nhiên, không thể không nhắc đến gia đình, bố, mẹ, vợ, con nếu không tạo điều kiện thì chắc chắn không thể có tôi như ngày hôm nay”, ông nói.

ca doi dem gio do mua (3).jpg
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái trao Quyết định tặng thưởng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ cho GS.TS Trần Thục.

GS.TS Trần Thục là Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024; Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Thủy lợi nhiệm kỳ 2018 - 2023; Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chương trình Thủy văn Liên chính phủ (20GS.TS Trần Thục là Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024; Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Thủy lợi nhiệm kỳ 2018 - 2023; Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chương trình Thủy văn Liên chính phủ (2004 - 2024); Chủ tịch Ban chỉ đạo Chương trình Thủy văn Quốc tế khu vực châu Á và Thái Bình Dương (2005 - 2006); nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về BĐKH (2014 - 2020); nguyên Đồng Chủ tịch Nhóm công tác Việt Nam - Hoa Kỳ về thích ứng và giảm nhẹ BĐKH (2008 - 2014); nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và BĐKH (2003 - 2014).

Ông tham gia xây dựng Luật Khí tượng thủy văn (2015); Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/09/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (2021); Quy hoạch mạng lưới trạm Khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2024); Luật Bảo vệ môi trường (2014, 2020); Chiến lược quốc gia về BĐKH (2022); Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam (2015, 2020, 2022); Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH (2020); Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH giai đoạn 2012 - 2020 (2012); Kế hoạch của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH (2016)…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Truyện ngắn: Duyên muộn

GD&TĐ - Năm nay Túc đã ở hàng “băm”. Anh có “thâm niên” hơn 20 năm bươn chải nơi xứ người với nghề bán vé số dạo.

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.

công ty đo đạcNhiệt kế điện tử Sato SK-1110