Cá biển chết hàng loạt, trường học "gồng mình" lo bữa trưa cho học sinh

GD&TĐ - Từ hai tuần nay, bữa ăn trưa của trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã không còn các món được chế biến từ cá biển. 

Trường Mầm non Bình Minh thay hải sản bằng cá hồi để vẫn có món cá trong khẩu phần ăn của trẻ.
Trường Mầm non Bình Minh thay hải sản bằng cá hồi để vẫn có món cá trong khẩu phần ăn của trẻ.

Thay vào đó, HS được chuyển sang ăn trứng, thịt, tôm sông hoặc thịt bò. Các trường mầm non, Tiểu học ở Đà Nẵng đều tạm thời không có các món ăn từ hải sản trong thực đơn hàng ngày.

Cân đối kinh phí của các bữa ăn để vừa phù hợp với mức thu vừa đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm là bài toán của các trường học trước tình trạng cá biển chết hàng loạt trong những ngày qua.

Phụ huynh “nhấp nhổm”

Gửi con ở một trường mầm non cũng thuộc vào loại có chất lượng trong khu vực, chị Phạm Thị Ngọc Quỳnh (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) suốt tuần nay nhấp nhổm theo chuyện ăn uống của con ở trường: “Hôm qua mình đánh bạo hỏi cô giáo về thực đơn của trường có cá hay không. Theo như cô giáo nói thì mấy hôm nay các bé vẫn ăn cá thu và tôm nuôi, nhưng từ mai thì nhà trường sẽ xây dựng lại thực đơn”.

Cô Trần Thị Như Lai - Hiệu trưởng trường Mầm non Cẩm Vân - cho biết: Từ khi các phương tiện truyền thông đưa tin về hiện tượng cá biển chết hàng loạt, phụ huynh rất quan tâm đến thực đơn các bữa ăn tại trường của con em.

“Dù đã công khai thực đơn hàng tuần tại bảng tin nhưng nhiều phụ huynh vẫn gặp Hiệu trưởng để “hỏi lại cho chắc chắn”. Có những phụ huynh còn gợi ý cho nhà trường một số món ăn được chế biến từ thịt, trứng… để làm phong phú thêm thực đơn bữa ăn cho trẻ”.

Trường Mầm non Cẩm Vân cũng thông báo việc sẽ thay đổi thực đơn trên bảng tin để phụ huynh được biết một cách rộng rãi. “Để đảm bảo dinh dưỡng cho các cháu trong điều kiện không dùng nguồn thực phẩm hải sản, nhà trường cũng gặp một số khó khăn nhất định do có sự biến động trong giá cả, hàng cũng phải đặt gối đầu”.

Vất vả trong khâu chế biến

Chuẩn bị bữa ăn cho trẻ tại trường Mầm non Bình Minh.
  Chuẩn bị bữa ăn cho trẻ tại trường Mầm non Bình Minh.

Theo cô Như Lai, món ăn tôm đất và cua đồng nhà trường phải đặt trước 5 ngày mới có hàng. “Thường thì thực đơn phải lên trước một tháng, đã đặt hàng hết rồi, giờ nhà trường phải đổi trả nên công ty cung cấp thực phẩm cũng gặp khó khăn. Món ăn của trẻ thì không còn phong phú vì trẻ con thích ăn tôm, cá nhưng giờ không có.

Các món ăn từ cua đồng, tôm đất cũng không chế biến được nhiều món và phải thêm công đoạn xay và lọc, chủ yếu lấy nước là chính. Chưa kể là nhiều trẻ cũng khó ăn với những thực phẩm này” – cô Trần Thị Như Lai cho biết.

Từ khi không sử dụng nguồn thực phẩm từ hải sản, trường Mầm non Cẩm Vân tăng thêm món lươn trong bữa ăn của trẻ.

Trường Mầm non Bình Minh cũng đã chuyển từ cá biển sang sử dụng cá hồi trong thực đơn của trẻ: “Trong điều kiện các thực phẩm như thịt, tôm, cá… không thể thiếu được trong khẩu phần ăn của trẻ mầm non thì không còn cách nào khác, nhà trường tạm thời phải cân đối kinh phí để duy trì nguồn thực phẩm từ cá cho trẻ”.

Theo khẳng định của cô Nguyễn Quốc Thư Trâm -  Hiệu trưởng nhà trường, dù cân đối thế nào, nhưng khẩu phần ăn của trẻ vẫn phải đảm bảo, chất lượng bữa ăn vẫn phải duy trì để trẻ đủ dinh dưỡng và ngon miệng.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng trường Tiểu học Núi Thành - cho biết: “Với thực đơn gồm tôm sông, thịt bò… thay cho cá biển như trước đây, chúng tôi phải tính toán lại để vẫn đảm bảo với mức thu 25.000 đồng/ngày ăn gồm cả bữa trưa, bữa xế và hoa quả tráng miệng cho học sinh.

Trước đây, một tuần HS có 3 bữa sữa tươi nhưng giờ được thay bằng sữa đậu nành. Do chi phí của bữa ăn chính tăng lên nên bữa ăn xế cũng phải thay đổi, thay vì món cháo thịt bò, hạt sen và cà rốt thì học sinh sẽ ăn bánh gói. Bộ phận phục vụ bán trú sẽ vất vả hơn nhưng tạm thời trong tình hình này, nhà trường phải chấp nhận”.

Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Q. Hải Châu – TP Đà Nẵng) cũng đã lên thực đơn cho 2 tuần tới để gửi cho đơn vị cung cấp thực phẩm, trong đó không có các món ăn được chế biến từ hải sản. Một tuần trước đó, nhà trường đã không sử dụng cá biển trong bữa ăn cho học sinh bán trú.

Theo thầy Hiệu trưởng Đặng Nhứt, điều này có ảnh hưởng đến dự án bữa ăn học đường với thực đơn chuẩn, trong đó có các món ăn chế biến từ hải sản như cá biển, tôm...: “Chỉ với thịt và trứng thì khâu chế biến của bộ phận cấp dưỡng cũng phải hết sức linh hoạt chứ không thì sẽ không hợp khẩu vị của học sinh, các em ăn cũng dễ ngán”.

Phòng GD&ĐT Liên Chiểu cũng đã lưu ý đến CBQL các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn về những thay đổi trong thực đơn để đảm bảo an toàn cho học sinh.

“Sáng nay, trong Hội nghị về An toàn vệ sinh thực phẩm do UBND quận tổ chức, vấn đề cá biển chết hàng loạt ở một số tỉnh miền Trung cũng đã được đề cập đến. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo Hiệu trưởng các trường mầm non công lập thông báo đến chủ các nhóm lớp độc lập tư thục và nhóm trẻ gia đình trên địa bàn được biết về tình hình này để tính toán, xây dựng lại thực đơn bữa ăn cho trẻ” - ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng phòng GD&ĐT Liên Chiểu cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...