(GD&TĐ) - Hôm trước, có dịp đến công tác tại một xã khó khăn thuộc Chương trình 135, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến một lớp học được chia thành 2 phòng với diện tích khoảng 20m2. Mặc dù trần được lợp tôn nhưng là vách được làm bằng tre nứa che rất sơ sài, phòng học lại không có cửa nên gia súc, gia cầm của các hộ dân xung quanh vào tận bục giảng... xả phân rất hôi hám, bẩn thỉu. Một số người dân xung quanh cho biết, mỗi khi trời bất ngờ đổ mưa là cả lớp đầy nước, học sinh phải ôm sách vở chạy vào nhà Rông hoặc nhà dân gần đó trú tạm, có em không kịp mang theo sách vở thì ướt hết, trông rất thương tâm. Còn với những cơn mưa dài ngày, mưa dầm thì học sinh không thể đến lớp, có nhiều em sinh ra chán nản dẫn đến bỏ học.
Được biết, không chỉ riêng một vài xã, vài địa phương còn tình trạng này mà rất nhiều nơi còn có các lớp học dột nát, tạm bợ nhưng với khả năng ngân sách của các địa phương miền núi, các tỉnh nghèo thì không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn. Do vậy, rất cần sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của ngân sách trung ương. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có cơ chế thu hút đầu tư của các nguồn từ trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Theo đó, cần cho phép doanh nghiệp được đầu tư xây dựng trường học tại các vùng khó khăn khi ngân sách nhà nước chưa thể bố trí được. Nhà nước sẽ tính cả vốn lẫn lãi cho doanh nghiệp theo tỷ giá cố định của ngân hàng hoặc thỏa thuận sau khi bố trí được ngân sách. Cùng với đó, các cơ quan có thẩm quyền nên thành lập quỹ “Xóa trường học, lớp học tạm bợ” để khuyến khích, kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ nhằm giải quyết lớp học tạm bợ, dột nát ở các địa phương nghèo.
Thiết nghĩ, vấn đề cần quan tâm giải quyết và cấp bách nhất trong giai đoạn hiện nay đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa là việc đầu tư nhằm xóa toàn bộ các lớp học tranh, tre nứa, lá tạm bợ dột nát. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả nhằm thu hút học sinh đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học vì phải học trong những lớp học tạm bợ, dột nát, không an toàn.
Vĩnh Linh