Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều người trong cuộc, việc bỏ điểm sàn vào thời điểm hiện nay là hợp lý. Qua đó sẽ tiến đến lộ trình trao quyền tự chủ phù hợp với năng lực tự chủ của các trường ở các hoạt động, trong đó có tuyển sinh…
Tăng quyền tự chủ cho nhà trường
Theo Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2017 vừa được Bộ GD&ĐT công bố, sẽ có một số điều chỉnh quan trọng như bỏ điểm sàn; không giới hạn nguyện vọng đăng ký của thí sinh; các trường có quyền tham gia vào cổng thông tin tuyển sinh (phần mềm xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT)…
Năm 2016, Bộ cũng đã bỏ điểm sàn trong tuyển sinh hệ cao đẳng, kết quả vẫn giữ ổn định trong tuyển sinh các trường, không gây biến động. Năm 2017 dự kiến bỏ điểm sàn đại học được xem là bước tiến quan trọng, tiến tới trao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng và giúp các trường khẳng định thương hiệu qua việc tuyển sinh đầu vào cũng như đảm bảo chất lượng sinh viên đầu ra.
Quan trọng hơn, bỏ điểm sàn sẽ góp phần định hướng tự chủ cho các trường trong tuyển sinh cũng như khuyến khích trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng, để tuyển được những thí sinh phù hợp với ngành, với thế mạnh của trường.
Theo lo ngại của nhiều người, việc bỏ điểm sàn sẽ đồng nghĩa với việc thí sinh có thể ồ ạt vào học đại học và các trường đại học, cao đẳng sẽ “thoải mái” tuyển sinh. Từ đó gây nên tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” và chất lượng đào tạo, đặc biệt là chất lượng bậc đại học bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số lãnh đạo trường đại học, cần phải nghiên cứu kỹ và hiểu rõ về dự thảo mà Bộ công bố. Vấn đề là Bộ GD&ĐT dự kiến không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chung, mà giao về cho các trường tự quy định để phù hợp với điều kiện của từng trường và yêu cầu của từng ngành đào tạo. Trên cơ sở này, sẽ không có trường nào hạ mức điểm xét tuyển quá thấp để thu hút thí sinh kém.
Chính việc chọn điểm đầu vào thấp cũng đồng nghĩa là trường tự tuyên bố, tự thừa nhận đây là trường chất lượng thấp. Hiện nay, Bộ cũng yêu cầu các trường công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, báo cáo tình hình sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm, công khai chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia, đồng thời triển khai mạnh mẽ kế hoạch kiểm định chất lượng... Cuối cùng, người học trên cơ sở năng lực của bản thân sẽ chọn theo học một trường phù hợp nhất; chất lượng đào tạo sẽ tạo nên thương hiệu và tính cạnh tranh giữa các trường.
Theo chia sẻ của PGS.TS Đỗ Văn Xê - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: Khi nghe nói đến việc bỏ điểm sàn sẽ khiến nhiều người hoang mang nhưng thực chất đó là điều hết sức hợp lý. Vì điều kiện để các thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học là phải tốt nghiệp THPT với trung bình mỗi môn là 5 điểm.
Trong khi điểm sàn của các năm qua là 15 điểm/3 môn thì trung bình mỗi môn cũng là 5 điểm. Như vậy 2 quy định này là trùng nhau, bây giờ bỏ quy định về điểm sàn là điều rất bình thường. Vào các năm trước thí sinh dự thi theo khối, điểm khối thi này khác điểm của khối thi kia.
Vì thế điểm sàn là dựa vào căn cứ kết quả điểm chung của từng khối thi. Tuy nhiên, hiện nay thí sinh không thi theo khối thi truyền thống mà thi theo tổ hợp môn thi của từng ngành nên quy định về điểm sàn cho từng khối thi truyền thống không còn cần thiết...
Cần sự giám sát chặt chẽ
Hiện nay, thông tin về trường, về ngành học cũng như chuẩn chất lượng đầu ra, cơ hội việc làm của sinh viên được nhiều trường cập nhật. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng, là cơ sở để thí sinh lựa chon theo học.
Tới đây, khi quyền tự chủ được giao cho các trường cụ thể hơn, Bộ GD&ĐT triển khai mạnh mẽ việc kiểm định chất lượng thì người học và đơn vị sử dụng lao động sẽ được hưởng lợi. Nếu một trường đại học cố hạ điểm chuẩn xuống thấp, chất lượng đào tạo không đáp ứng sẽ làm uy tín của trường bị giảm sút, việc này càng khiến cho thí sinh quay lưng với trường.
Tuy nhiên, khi quyền tự chủ được giao về cho các trường thì Bộ GD&ĐT cũng còn đóng vai trò rất quan trọng. Theo PGS.TS Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang: Phương án bỏ điểm sàn hiện nay cần phải có sự giám sát chặt chẽ từ phía Bộ GD&ĐT. Vì khi bỏ điểm sàn đồng nghĩa với việc các trường tự chủ hoàn toàn trong tuyển sinh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều trường đại học mới được thành lập, chất lượng đào tạo vẫn chưa đồng đều nên vẫn còn nhiều vướng mắc cần phải tính đến…
“Việc bỏ điểm sàn, trao quyền tự chủ tuyển sinh sẽ phát huy hiệu quả cao nhất khi Nhà nước có quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng. Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường được thực thi một cách đầy đủ, nghiêm túc, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và có chế tài cụ thể.
Song song đó là chất lượng đào tạo bậc đại học, cao đẳng được xã hội ghi nhận, tình trạng sinh viên thất nghiệp được giải quyết... Nếu không, sẽ có trường hợp các trường tuyển sinh một cách vô tội vạ để đảm bảo nguồn thu sẽ gây nhiều hệ lụy cho chất lượng nguồn nhân lực cũng như lãng phí trong đào tạo”.