Bước tiến mới trong điều trị điện quang can thiệp

GD&TĐ - GS.TS Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam cho biết, mặc dù lĩnh vực điện quang can thiệp còn khá non trẻ ở Việt Nam (chỉ mới áp dụng được chừng 30 năm trở lại đây), tuy nhiên ít nhiều đã có những thành tựu được ghi nhận, với một số kỹ thuật đạt được đánh giá sánh ngang tầm khu vực và thế giới.

Bước tiến mới trong điều trị điện quang can thiệp

Những bước tiến vượt trội của các phương pháp điều trị bằng điện quang can thiệp đã mang lại lợi ích thiết thực trong điều trị nhiều bệnh lý phức tạp cho người bệnh.

Khẳng định tính ưu việt

Tại Hội nghị Điện quang can thiệp toàn quốc lần thứ 5 vừa diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), các chuyên gia đã giới thiệu kỹ thuật can thiệp nút mạch điều trị u xơ tiền liệt tuyến cho một bệnh nhân nam (60 tuổi ở Hà Nội).

Bệnh nhân này khổ sở vì bị u xơ tiền liệt tuyến hành hạ gần chục năm nay. Bệnh nhân đã tiến hành phẫu thuật nhưng triệu chứng bệnh không hết.

Bàng quang không tự chủ suốt ngày són nước tiểu khiến bệnh nhân phải đóng bỉm rất khổ sở. Đáng nói, sau phẫu thuật bệnh nhân mất khả năng tình dục… Bệnh nhân được chỉ định can thiệp nút mạch điều trị u xơ tiền liệt tuyến.

TS Nguyễn Xuân Hiền, Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, nút động mạch tuyến tiền liệt là phương pháp nút mạch để tuyến tiền liệt teo nhỏ đi từ đó giảm hoặc hết các dấu hiệu lâm sàng (bí đái, đái nhiều lần, đái đêm...).

Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật vô cùng khó, bởi bệnh gặp ở người già mạch thường bị xơ vữa, bị cao huyết áp gây xoắn trong khi động mạch tiền liệt tuyến lại nhỏ < 1mm, đặc biệt giải phẫu rất bất thường, xuất phát ở nhiều hướng nếu bác sĩ không có kinh nghiệm nút không đúng động mạch không những không có hiệu quả điều trị mà còn gây tai biến nguy hiểm cho bệnh nhân.

GS.TS Phạm Minh Thông – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, kiêm Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân - cho biết, mặc dù lĩnh vực điện quang can thiệp còn khá mới mẻ nhưng đã được áp dụng thực hiện nhiều kỹ thuật điều trị phình động mạch não bằng đặt stent đổi hướng dòng chảy, các kỹ thuật lấy huyết khối động mạch trong nhồi máu não cấp…

Những bước tiến vượt bậc

Theo GS.TS Phạm Minh Thông, lĩnh vực điện quang can thiệp tại Việt Nam đang thực hiện đơn lẻ tại một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 108, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 115…

Trước đây để thực hiện các kỹ thuật can thiệp, các bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn do phải thực hiện dưới các máy chiếu tăng sáng, thiếu các trang bị máy chụp mạch số hóa xóa nền. Bên cạnh đó, vật liệu can thiệp rất đắt tiền, bệnh nhân không đủ khả năng chi trả.

Cũng theo GS.TS Phạm Minh Thông, tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn quốc đã có khoảng 30 bệnh viện thực hiện được các kỹ thuật Điện quang can thiệp.

Trong đó có khoảng gần 15 đơn vị có thể thực hiện được các kỹ thuật Điện quang can thiệp thần kinh. Đặc biệt, nhiều kỹ thuật cao đã được Bảo hiểm y tế chi trả một phần chi phí giúp tạo điều kiện cho các bệnh nhân tiếp cận được các kỹ thuật cao.

PGS.TS Vũ Đăng Lưu, Thư ký Chi hội Điện quang can thiệp, Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hội nghị năm nay đặc biệt có sự kết hợp với Hội Điện quang can thiệp Thần kinh châu Âu và sự tham dự của Chủ tịch Hội – GS Laurent Pierot với chủ đề về can thiệp lấy huyết khối trong đột quỵ não cấp.

Đây là lĩnh vực đang rất thời sự trên thế giới và tại Việt Nam, thể hiện tính ưu việt trong hiệu quả điều trị giúp cứu sống rất nhiều người bệnh trong giai đoạn giờ vàng.

Đây là cơ hội để các bác sĩ trong và ngoài chuyên ngành, các bệnh viện trong toàn quốc cập nhật kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm, các khó khăn trong lĩnh vực điện quang can thiệp để cùng nhau phát triển, đào tạo lĩnh vực điện quang can thiệp cho các bệnh viện, sử dụng tối đa các phương tiện hiện có, giúp triển khai các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu nhằm chẩn đoán, điều trị triệt để, tăng cường khả năng hồi phục, và rút ngắn thời gian nằm viện từ đó tránh quá tải cho các bệnh viện.

Kết quả nổi bật của lĩnh vực điện quang can thiệp đạt được trong những năm qua đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, thông qua cụm công trình do GS.TS Phạm Minh Thông chủ nhiệm cùng các tác giả về chủ đề “Ứng dụng các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và can thiệp điều trị một số bệnh mạch máu não”. Điều này mở ra nhiều cơ hội chữa bệnh cho bệnh nhân ở Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.