Bước thụt lùi giáo dục cho trẻ em gái

GD&TĐ - Số trẻ em gái không được đi học trên thế giới đã tăng từ 130,3 triệu lên 130,9 triệu - theo nghiên cứu mới được công bố dựa trên dữ liệu UNESCO thu thập năm 2015 tại 122 quốc gia trên thế giới.  

Bước thụt lùi giáo dục cho trẻ em gái

Nghèo đi liền với thất học

Tổng số trẻ em gái được đi học trên thế giới đã giảm lần đầu tiên trong 10 năm trong điều kiện được mô tả là “khủng hoảng đói nghèo kéo dài toàn cầu”.

Số nữ sinh thất học hiện đã tăng từ 130,3 triệu lên 130,9 triệu em - theo nghiên cứu của tổ chức The ONE Campaign.

Theo nghiên cứu trên, các quốc gia có tỉ lệ nữ sinh đi học thấp nhất cũng thuộc những nước nghèo nhất thế giới, trong đó Nam Sudan, CH Trung Phi và Niger đứng đầu danh sách.

Riêng tại Nam Sudan, quốc gia chìm trong nội chiến kể từ khi tuyên bố độc lập khỏi Sudan năm 2011, 73% nữ sinh từ 6 đến 11 tuổi không được tới trường. Còn tại CH Trung Phi, tỉ lệ giáo viên/ học sinh là 1/80.

Nghiên cứu chỉ ra một số lí do dẫn tới nữ sinh thất học. Đa số các quốc gia thất học cao nằm trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và nhiều nước trong đó bị chia cắt bởi chiến tranh khi con đường đến trường khó khăn hơn và nguy hiểm hơn.

Những nguyên nhân khác là tại nhiều nơi phụ huynh thay vì tốn tiền cho con đi học thì lại có thêm thu nhập từ ép buộc trẻ lao động sớm; tâm lí phân biệt đối xử nam nữ cũng phổ biến tại nhiều nơi.

Bên cạnh đó, tại một số khu vực có những rào cản văn hoá đối với chuyện học hành của nữ giới, như tại Niger, 76% tổng số nữ dưới 18 tuổi kết hôn năm 2016 - tỉ lệ cao nhất thế giới, theo UNICEF.

Nữ giới chịu nhiều thiệt thòi trong các cuộc xung đột

Tại những nước khác, như Afghanistan - đứng thứ tư danh sách các quốc gia có tỉ lệ nữ sinh thất học cao, các nhóm phiến quân như Taliban tấn công bạo lực nhằm ngăn phụ nữ đến trường.

Malala Yousafzai bị phiến quân Hồi giáo tại thung lũng Swat, giáp biên giới Pakistan, bắn năm 2012 vì vận động cho quyền tới trường của nữ sinh. Malala được cứu sống và sau đó trở thành người trẻ nhất được trao giải Nobel Hoà bình khi 17 tuổi. Hiện Malala đang học tại Đại học nổi tiếng Oxford, Anh quốc.

Nghiên cứu cũng chỉ ra sự chênh lệch lớn giữa vùng miền tại một số quốc gia. Ví dụ tại Nigeria, nước không nằm trong danh sách 10 nước có ít học sinh gái nhất được đi học, các bang cực Nam chỉ có 5% nữ sinh không tới trường; nhưng tại các bang ở phía Đông Bắc, nơi bị hoành hành bởi nhóm khủng bố Boko Haram (tiếng địa phương có nghĩa là “giáo dục phương Tây bị cấm”) - số trẻ em gái thất học lên tới 52%.

Theo Chủ tịch và là Giám đốc điều hành của The ONE Campaign, Gayle Smith thì hơn 130 triệu em gái chưa được đến trường nghĩa là thế giới mất đi hơn 130 triệu kĩ sư, nhà kinh doanh, giáo viên, chính trị gia… tiềm năng. Đó là một sự khủng hoảng toàn cầu sẽ kéo dài đói nghèo.

“Tại các quốc gia châu Phi ngày nay, hàng triệu em gái không được tới trường hoặc phải đi bộ quãng đường quá xa trong tình trạng nguy hiểm để tới trường, hoặc ngồi học trong lớp học không có giáo viên và sách giáo khoa. Đây không chỉ là vấn đề có thêm nhiều trẻ em gái không được tới trường mà liên quan tới tương lai việc làm và nữ quyền trong xã hội” - Gayle Smith nhấn mạnh.

Một số quốc gia chìm trong bất ổn và nội chiến như Somalia và Syria không được đưa vào xếp hạng trong nghiên cứu do thiếu dữ liệu phân tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

9 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

9 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

GD&TĐ - Ung thư vú phủ bóng đen lên cuộc sống của vô số người trên toàn cầu, ảnh hưởng đến những người mắc bệnh và gia đình của họ.