Bước ngoặt trong quan điểm của châu Âu về xung đột Nga-Ukraine

GD&TĐ - Đồng thuận về việc dùng ngân sách của Quỹ Hòa bình châu Âu mua vũ khí giúp Ukraine chống Nga thực sự là một bước ngoặt trong quan điểm của EU.

Bước ngoặt trong quan điểm của châu Âu về xung đột Nga-Ukraine

EU đóng góp thêm tiền cho Quỹ Hòa bình châu Âu

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga là bà Maria Zakharova hôm 12/4 tuyên bố rằng, EU đã sử dụng Quỹ Hòa bình châu Âu (European Peace Facility-EPF) cho chính quyền Kiev duy trì cuộc chiến với Moscow, trong vòng một năm EU đã tiêu hết toàn bộ ngân sách lẽ ra phải được chi cho tới năm 2027 .

Theo bà Zakharova, số tiền đóng góp của người dân châu Âu sẽ không chỉ được “hố đen Kiev” hấp thụ cho việc “thúc đẩy chiến sự” ở Ukraine, mà còn làm lợi cho cả tổ hợp công nghiệp-quân sự của Mỹ.

Bà nhớ lại rằng, số tiền này ban đầu được dự định dành cho việc “hỗ trợ an ninh của tất cả các khu vực trên thế giới cho đến năm 2027” .

Thế nhưng, số tiền này sau đó đã được dùng “sai mục đích”, khi được chi cho việc “thúc đẩy hành động thù địch trên lãnh thổ Ukraine”.

Từ ngày 28 tháng 2 năm 2022, Liên minh Châu Âu trên thực tế đã định hướng lại hoàn toàn mục đích chi của Quỹ Hòa bình Châu Âu sang việc sử dụng chúng để mua và cung cấp vũ khí cho chính quyền Ukraine.

Bà Zakharova cho biết tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Nga rằng, hơn 3,5 tỷ euro của Quỹ Hòa bình châu Âu đã được phân bổ cho mục đích mua sắm vũ khí sát thương cho Ukraine. Sau bảy đợt cung cấp, trong vòng chưa đầy một năm sau, các nguồn lực của quỹ đã cạn kiệt.

Tờ Financial Times của Anh hồi tháng 3 vừa qua cũng cho biết, liên minh đã sử dụng nguồn tiền EPF trước đây chỉ sử dụng để trợ cấp cho nông dân chăn nuôi bò sữa Pháp hay làm đường cao tốc Ba Lan…, để mua vũ khí tài trợ cho Ukraine, giúp nước này tiến hành chiến tranh chống Nga.

Theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, trong bối cảnh ngân sách của quỹ đã cạn kiệt, vào ngày 13 tháng 3 vừa qua, các nước EU đã buộc phải quyên góp thêm hơn 2 tỷ euro cho ngân sách của Quỹ, để có thêm tiền chi dùng trong trường hợp khẩn cấp.

Tính tổng cộng cho đến nay, Liên minh châu Âu đã phân bổ khoảng 13 tỷ euro từ nhiều nguồn để hỗ trợ quân sự cho chế độ Kiev. Tiền của những người nộp thuế ở EU sẽ tiếp tục bị lỗ đen Ukraine và tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ nuốt chửng, với mục tiêu chính là kéo dài chiến sự trên lục địa châu Âu.

Thay đổi bước ngoặt trong quan điểm của châu Âu

Tờ Financial Times của Anh hồi tháng 3 đã tiết lộ rằng, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh là ông Josep Borrell thừa nhận rằng EU đã vi phạm điều cấm của chính mình, sử dụng tiền sai mục đích để cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Tờ báo Anh nhấn mạnh, người đứng đầu ngoại giao Liên minh châu Âu đã thừa nhận rằng, ban đầu, đề xuất của ông sử dụng nguồn ngân sách “vì hòa bình” để “mua vũ khí chiến tranh” cho Kiev chống lại chiến dịch quân sự của Nga đã bị các nước châu Âu phản đối, nhưng rốt cuộc, “điều cấm kỵ” vẫn bị vi phạm.

Financial Times cho biết, ông Borrell chỉ ra rằng, khoảnh khắc đó là một bước đột phá, khi điều cấm kỵ đã bị phá vỡ, nhưng sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của liên minh trong một thời gian ngắn như vậy không phải là không có sự phản đối của một số quốc gia thành viên.

Người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu cũng thừa nhận, một năm trước đó, nhiều quốc gia châu Âu đã lo ngại rằng, bước đi này được coi là “quá hung hăng” và có khả năng gây ra phản ứng ngày càng mạnh mẽ hơn từ Moscow.

Ví dụ như ban đầu Budapest đã phản đối việc sử dụng Quỹ Hòa bình Châu Âu để tài trợ cho bất cứ bên nào trong cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng cuối cùng cũng đã nhượng bộ và đồng ý đóng góp cho quỹ, với điều kiện là vũ khí được cấp cho Ukraine sẽ không đi qua lãnh thổ Hungary.

Tuy nhiên, Financial Times cũng cho biết rằng, một số nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu cũng đã nghi ngờ rằng, liệu việc cung cấp vũ khí cho cuộc xung đột có phù hợp với sứ mệnh đã nêu của Tổ chức Hòa bình châu Âu là “duy trì hòa bình và ngăn chặn xung đột hay không”.

Hiện nay, nhiều nước Liên minh châu Âu vẫn có những lo ngại về hậu quả của việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ chọc giận Nga dẫn tới quan hệ giữa hai bên sẽ “không thể hàn gắn”.

Theo các quốc gia này, việc “đổ thêm dầu vào lửa”, công khai đối đầu với Điện Kremlin sẽ không có lợi cho việc đàm phán hòa bình với Nga, nếu một khi Kiev hứng chịu những thất bại nặng nề dưới tay Moscow.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.