Bùng nổ mua hàng xa xỉ giữa đại dịch

GD&TĐ - Trong khi Covid-19 đang ở thời điểm hoành hành dữ dội nhất trong hai năm qua ở Trung Quốc, doanh số bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử hoặc khu miễn thuế nội địa của nước này lại tăng kỷ lục.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thay vì đi du lịch nước ngoài, người dân chuyển sang mua sắm online đồ xa xỉ nhiều hơn trước.

Do Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới đang còn duy trì chính sách “Zero Covid”, chống dịch triệt để bằng những biện pháp khắt khe nhất, người dân nước này gần như không được phép ra nước ngoài du lịch trong suốt hơn hai năm qua. Bối cảnh này khiến người tiêu dùng chuyển sang mua hàng xa xỉ trực tuyến xuyên lục địa hoặc tại các cửa hàng miễn thuế trong nước.

So với năm 2020, mức chi tiêu hàng ngày của tầng lớp trung lưu Trung Quốc năm 2021 và đầu 2022 đã tăng đáng kể. Số liệu này được “Sách trắng về Tầng lớp trung lưu mới năm 2021” do Wu Xiaobo, một công ty truyền thông tài chính độc lập của Trung Quốc công bố. Theo đó, khoảng 34% những người thuộc nhóm trung lưu Trung Quốc đã chi hơn 10.000 NDT (1.572 USD) hàng tháng cho hàng xa xỉ, tăng 10% so với năm 2020.

Trong khi mức độ phục hồi tiêu dùng nói chung ở Trung Quốc vẫn còn tương đối thấp, nhưng doanh số bán hàng xa xỉ trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới và bùng nổ mua sắm miễn thuế cho thấy, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn có nhu cầu đối với các loại hàng hóa cao cấp nhập khẩu, bù đắp cho việc không được ra nước ngoài mua sắm như trước dịch.

Để đáp ứng nhu cầu lớn từ nhu cầu mua sắm online của các khách hàng Trung Quốc, các thương hiệu cao cấp thế giới cũng đang phải điều chỉnh chiến lược, đầu tư cải thiện giao diện nền tảng thương mại điện tử nhằm nâng cao trải nghiệm của người dùng. Trong số này có thể kể đến Burberry, một thương hiệu thời trang cao cấp, đã chi khoản đầu tư lớn cho các gian hàng trên nền tảng thương mại trực tuyến.

Bên cạnh việc mua đồ xa xỉ online, người Trung Quốc còn đổ đến các khu miễn thuế trong nước để săn đồ cao cấp. Kể từ khi nước này quy hoạch tỉnh đảo Hải Nam trở thành cảng thương mại tự do lớn nhất thế giới vào tháng 6/2021, doanh số bán hàng miễn thuế tại đây đã bùng nổ mạnh mẽ. Riêng tại tỉnh này, doanh số bán hàng miễn thuế đã đạt 50,49 tỷ NDT (7,9 tỷ USD) vào năm 2021, tăng 83% so với năm 2020.

Tại Hải Nam, người mua sắm có thể tìm thấy mọi thứ cao cấp, từ các sản phẩm chăm sóc da đến điện thoại di động, cũng như đồ trang sức từ hơn 650 thương hiệu bao gồm các dòng xa xỉ như MaxMara, Cartier và De Beers. Một số thành phố lâu đời nhất của Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến và Quảng Châu cũng đang lên kế hoạch theo chân Hải Nam xây các khu mua sắm miễn thuế tương tự.

Thống kê trước đại dịch, 32% hàng hóa xa xỉ được người tiêu dùng Trung Quốc mua ở trong nước, còn lại mua trong các chuyến du lịch nước ngoài. Khi Covid-19 bùng phát, biên giới bị phong tỏa, thì con số này trong năm 2021 đã tăng lên tới 95%. Mua sắm miễn thuế là điều tương đối mới ở Trung Quốc nhưng đã bùng nổ nhờ tác động của đại dịch Covid-19.

Sự gia tăng thói quen mua sắm hàng xa xỉ trên nền tảng điện tử và trong các khu mua sắm miễn thuế nội địa cũng chính là một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong thương mại tại Trung Quốc thời kỳ Covid-19. Điều này đã buộc các nhãn hàng xa xỉ trên toàn cầu cũng phải điều chỉnh chiến lược của mình để thích nghi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.