Bùng nổ hài kịch truyền hình: Nhàm và nhạt!

GD&TĐ - Nắm bắt nhu cầu của khán giả, nhiều kênh truyền hình đã mở những chương trình hài kịch. Tuy nhiên, liệu sự bùng nổ chương trình hài trên truyền hình có là tín hiệu đáng mừng?

Bùng nổ hài kịch truyền hình: Nhàm và nhạt!

Hài tràn lan trên truyền hình

Để thu hút khán giả truyền hình trong thời buổi khó khăn và lắm cạnh tranh, ngay từ những tháng đầu năm 2015, có ít nhất 5 chương trình hài nối nhau lên sóng truyền hình. Sau thành công ngoài dự kiến của Người bí ẩn và Ơn giời cậu đây rồi, hàng loạt các chương trình hài nở rộ trên truyền hình.

Hiện đã bắt đầu phát sóng các chương trình như: Hội ngộ danh hài 2015 (HTV7, HN1 từ 10/1), Gặp nhau để cười (VTV9, từ 12/1).
Ngoài ra trên kênh SCTV1 sắp có 2 chương trình hài hoàn toàn mới hài 24/24. Trên HTV2 Tài tiếu tuyệt (phát sóng tối Chủ nhật) đang chuẩn bị ghi hình mùa thứ 7, còn Vitamin cười (phát sóng tối thứ Bảy) cũng đang phát sóng và ghi hình mới. Rồi các chuyên mục hài trên hệ thống kênh HTV như Chuyện không của riêng ai, Bác Ba Phì thời @, Chuyện cảnh giác, Siêu thị cười….

Bùng nổ nhiều chương trình hài trên truyền hình như thế, nhưng điều băn khoăn lớn nhất của công chúng lẫn giới làm nghề là chất lượng của những vở kịch hài, những chương trình hài này sẽ ra sao, để tránh rơi vào sự hụt hơi, hời hợt và nhảm nhí.

Lý giải cho việc thiếu nguồn kịch hài hay, nhiều nghệ sĩ và nhà sản xuất cho rằng do đội ngũ làm kịch hài của ta còn thiếu và yếu về trình độ. Trong khi đó, nhu cầu và trình độ của khán giả ngày một cao nên khó đáp ứng. 

Đừng giẫm đạp lên nhau

Trước sự bùng nổ của các chương trình hài trên truyền hình, nhiều nhà chuyên môn cảnh báo rằng tận dụng những món ăn ngon, lạ nhưng chế biến vội vã, sống sượng rất dễ khiến các chương trình hài trên truyền hình bị nhàm chán và sớm lụi tàn.

Chúng ta còn nhớ chương trình “Gặp nhau cuối tuần” đã một thời gây được sự chú ý khá lớn của khán giả thì bắt đầu đuối vì thiếu cả số lượng và chất lượng của các vở kịch hài. Dù còn nhiều kỳ vọng lẫn tiếc nuối của khán giả cùng nhà sản xuất, nhưng “Gặp nhau cuối tuần” đã phải dừng phát sóng, rồi vớt vát trở thành “Gặp nhau cuối năm”. Những chương trình hài kịch trên HTV cũng lâm cảnh “đầu voi đuôi chuột” với những màn tấu hài, nhảm nhạt nên không đủ nội lực duy trì những chương trình hài có khả năng mang lại tiếng cười lẫn những triết lý nhân văn. 

Chương trình Ơn giời, cậu đây rồi mặc dù lượng người xem khá đông, nhưng cũng đã vấp phải không ít chỉ trích về những tình huống lố bịch, phản cảm. Đỉnh điểm là chương trình Cười là thua, đầy rẫy những tình huống chọc cười mà nhiều người cho là thô thiển, phản cảm của nghệ sĩ.

Chương trình Thách thức danh hài sắp lên sóng khiến nhiều người quan ngại là sẽ tiếp tục lặp lại những kiểu khai thác tiếng cười lố bịch tương tự vì nội dung của 2 chương trình này không khác nhau nhiều, vẫn là tìm mọi cách để chọc cười, một bên là khán giả, một bên là nghệ sĩ. 

Thiếu các vở kịch hài đầy đặn và có chiều sâu tư tưởng xã hội nên những chương trình hài trên truyền hình khó có sức sống, không đọng lại trong lòng khán giả.

“Dù chương trình hài nhiều như vậy, nhưng để tìm sự khác nhau, chứ chưa nói sự đặc sắc, là rất khó. Cứ na ná giống nhau từ chủ đề, kịch bản, cách diễn, thông điệp, mảng miếng… thành ra dễ mai một về nghề. Ngày trước chỉ có vài mảng miếng lạ là sống được, vì chạy sô, mỗi sân khấu có mỗi lượng khán giả riêng, còn ngày nay cái gì cũng lên ti vi, lên mạng, lười là chết ngay, vì khán giả có phương tiện để so sánh.

Tôi đã viết cả trăm kịch bản hài trên truyền hình, nhưng vẫn muốn cả đôi bên phải tìm được cách nào đó để các chương trình hài có hướng đi riêng, đừng giẫm đạp lên nhau” - Nghệ sĩ hài Vũ Thanh chia sẻ.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.