Cùng với đó là những cảm xúc đa chiều, có hào hứng, thận trọng, có cân nhắc, chờ đợi… và cả những kiến giải riêng góp vào bức tranh tuyển sinh theo tinh thần mới.
Lãnh đạo các trường ĐH đều có thống nhất chung: Việc thay đổi phương thức tuyển sinh cần có một lộ trình. Theo Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh, trong giai đoạn quá độ sẽ vẫn tiếp tục tồn tại “3 chung” để giúp những trường chưa đủ điều kiện để ngay lập tức tuyển sinh riêng.
Sự thận trọng này của Bộ GD&ĐT đã nhận được các ý kiến ủng hộ, đồng tình. Như lời chia sẻ của GS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Đây là một chủ trương đúng đắn.
Tuy nhiên, tuyển sinh là câu chuyện phức tạp, bởi vậy, lãnh đạo nhiều trường lo lắng khi chính thức phải “ra riêng”, đặc biệt là câu chuyện đề thi.
Theo PGS.TS Trần Đình Tuấn – Phó Trưởng khoa Sư phạm Quân sự - Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng), có thể thấy trước các trường tuyển sinh riêng sẽ khó khăn trong khâu ra đề. Bởi, trước nay, ta có cả một Hội đồng gồm nhiều chuyên gia để làm đề nhưng đâu đó vẫn còn sai sót.
Để giải quyết vướng mắc này, PGS.TS Trần Đình Tuấn cho rằng, Bộ GD&ĐT nên làm một ngân hàng đề thi. Các trường thi tuyển sinh riêng có thể lấy câu hỏi từ ngân hàng này để làm đề thi của mình. Như vậy mới đảm bảo chất lượng của đề thi.
Việc Bộ GD&ĐT nên đứng ra làm đề thi cũng là ý kiến của ông Trần Linh Quân - Hiệu trưởng Trường CĐSP Ngô Gia Tự (Bắc Giang) và Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ Hà Thanh Toàn.
TS Lê Đình Viên - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An - phân tích: Dự thảo qui định tự chủ tuyển sinh năm 2014 của Bộ qui định rất mở. Nếu cơ sở giáo dục ĐH chưa thực hiện tuyển sinh riêng trong toàn trường thì có thể tuyển sinh riêng cho một số ngành mà trường thấy cần thiết phải thay đổi phương thức tuyển sinh.
PGS.TS Hoàng Văn Cẩn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh - lưu ý, với việc hình thành các “nhóm 3 chung”, sẽ là hợp lý với các nhóm ngành gần nhau và chất lượng tuyển sinh tương đồng. Nếu không, hoàn toàn không nên cho phép, bởi điều đó là thiếu khoa học, thiếu bình đẳng. Riêng với những ngành đặc thù, trong đó có các trường sư phạm, phải có phương án tuyển sinh riêng và không được phép liên thông.
Tiệm cận cách đánh giá như SAT (Mỹ)
Gửi đóng góp về Diễn đàn, nhiều nhà khoa học như GS Lâm Quang Thiệp, GS Vũ Minh Giang, PGS Nguyễn Kim Sơn… ủng hộ cách tuyển sinh riêng theo nhóm trường, và dần dần hướng tới cách đánh giá năng lực học sinh như kỳ thi SAT (Mỹ).
Theo GS Lâm Quang Thiệp, Bộ nên khuyến khích vài trường ĐH có năng lực tốt tổ chức kỳ thi, còn các trường đại học còn lại tín nhiệm trường nào thì liên kết với trường đó để tham gia đề án tuyển sinh chung. Cuối cùng trong cả nước sẽ hình thành hai trung tâm tuyển sinh cho hai nhóm trường, chẳng hạn ở tại ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TPHCM.
Dù vẫn còn những khúc mắc trong phần kỹ thuật, nhưng tinh thần chung của các ý kiến đóng góp gửi đến Diễn đàn Tuyển sinh ĐH 2014 (Báo GD&TĐ) là ủng hộ chủ trương của Bộ GD&ĐT, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị cho vận hội mới của GD ĐH, như lời của PGS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh: Tự chủ trong tuyển sinh vẫn là mục tiêu mà GDĐH Việt Nam cần hướng tới. Khi mọi điều kiện cho tự chủ trong tuyển sinh được Bộ GD&ĐT và các trường ĐH, CĐ chuẩn bị chu đáo, đồng thời tạo được sự đồng thuận của xã hội, chắc chắn tự chủ trong tuyển sinh sẽ thành công.
Từ ngày 18/12/2013, báo GD&TĐ mở Diễn dàn tuyển sinh ĐH 2014 và nhận được rất nhiều chia sẻ tâm huyết của nhiều nhà khoa học, chuyên gia Giáo dục cùng lãnh đạo các trường ĐH, CĐ. Một số đóng góp được đăng tải trên các ấn phẩm GD&TĐ điện tử và báo giấy. Nội dung tất cả các ý kiến gửi về Diễn đàn đã được Ban biên tập gửi tới lãnh đạo Bộ GD&ĐT, góp thêm một kênh thông tin hữu ích giúp các nhà quản lý cân nhắc, tính toán cho việc đổi mới tuyển sinh năm 2014 và những năm tiếp theo. Báo GD&TĐ trân trọng cảm ơn và hy vọng tiếp tục nhận được sự tin cậy, đóng góp của quý bạn đọc trong thời gian tới. |