Bức tranh quy hoạch trường học Thủ đô

Bức tranh quy hoạch trường học Thủ đô

(GD&TĐ) - Bức tranh giáo dục của Thủ đô Hà Nội trong tương lai được thể hiện rõ nét trong bản Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được phê duyệt năm 2012. Với những khó khăn của giáo dục Thủ đô hiện tại, bản quy hoạch này được coi là vô cùng cấp thiết giúp Hà Nội có cơ chế, căn cứ pháp lý vững chắc để tập trung đầu tư phát triển giáo dục. 

Áp lực từ những con số

Đó là một trong những kế hoạch dài hơi đến năm 2030 ngành giáo dục Thủ đô đặt ra trong bản quy hoạch. Tổng số 1215 trường học được xây mới sẽ có 278 được xây dựng giai đoạn 2011 - 2015, trong đó có 208 trường công lập, kinh phí 5.740 tỷ đồng và 70 trường NCL, kinh phí 2.160 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 -2020, mục tiêu số trường xây mới là 357 với 22.330 tỷ đồng, trong đó, công lập là  231 trường và NCL 126 trường. Giai đoạn 2021-2030, mục tiêu xây mới 580 trường học với 40.360 tỷ đồng, trong đó có 331 trường công lập và 249 trường NCL.

Bản quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu với giáo dục mầm non, đến năm 2015, số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đi học đạt ít nhất 35%; trẻ mẫu giáo đạt 90%, trong đó trẻ 5 tuổi đạt 100%; đến năm 2020, trẻ nhà trẻ đạt trên 60%; trẻ mẫu giáo đạt 95%; duy trì 100% trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo. Tỷ lệ trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia đến năm 2015 đạt 50% - 55%, năm 2020 đạt 65 - 70%, đến năm 2030 đạt 75 - 80%.

Bức tranh quy hoạch trường học Thủ đô ảnh 1
Trường Hà Nội - Asterdam được đầu tư 469 tỷ đồng

Giáo dục tiểu học sẽ giảm sĩ số bình quân từ 35 học sinh/lớp vào năm 2010 xuống 30 học sinh/lớp vào năm 2020. Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản các trường học được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt kiên cố hóa, hiện đại hóa. Xây dựng mô hình trường dịch vụ chất lượng cao.

Giáo dục THCS giảm sĩ số bình quân từ 36 học sinh/lớp năm 2010 xuống 30 học sinh/lớp vào năm 2020. Tỷ lệ trường THCS công lập đạt chuẩn quốc gia năm 2015 đạt 50% - 55%; năm 2020 đạt 65 - 70%, đến năm 2030 đạt 75 - 80%. Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản các trường học được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt kiên cố hóa, hiện đại hóa. Xây dựng mô hình trường dịch vụ chất lượng cao. Thực hiện chương trình phát triển khoa học công nghệ và GD - ĐT trong toàn ngành.

Giáo dục THPT giảm sĩ số bình quân từ 45 học sinh/lớp năm 2010 xuống 40 học sinh/lớp vào năm 2020. Tỷ lệ trường THPT công lập đạt chuẩn quốc gia năm 2015 đạt 50% - 55%, năm 2020 đạt 65 - 70%, đến năm 2030 đạt 75 - 80%. Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản các trường học được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt kiên cố hóa, hiện đại hóa. Đầu tư xây dựng mô hình trường trung học phổ thông Thủ đô đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Thu hút 99,5% học sinh tốt nghiệp THCS chưa học THPT vào học chương trình GDTX; thu hút 25 - 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN; đảm bảo 100% đội ngũ giáo viên, CBQL đạt chuẩn nghề nghiệp. Đến năm 2015, có 100 - 150 giáo viên dạy các môn học khoa học tự nhiên ở bậc THPT có thể giảng dạy bằng tiếng nước ngoài...

Xác định quỹ đất để xây dựng trường học

Bức tranh quy hoạch trường học Thủ đô ảnh 2

Quỹ đất, vấn đề nan giải đối với các trường học Hà Nội đã được lãnh đạo thành phố Hà Nội xác định rõ cơ chế, giải pháp trong bản quy hoạch. Theo đó, ưu tiên dành quỹ đất 5% phục vụ công cộng của các xã và tận dụng quỹ đất còn trống chưa khai thác để xây dựng trường học. Đối với từng dự án cụ thể về cải tạo, mở rộng diện tích của các trường học hiện có trong khu vực nội thành, thực hiện xin ý kiến cấp có thẩm quyền về phương án nâng thêm tầng, bố trí học sinh học các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao.  Ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng trường học khi di chuyển các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô. Hạn chế xây dựng các nhà chung cư cao tầng tại khu vực nội thành để giảm học sinh do tăng dân số cơ học. Bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học.

Nhóm giải pháp về quỹ đất sẽ được thực hiện đồng bộ cùng 6 nhóm giải pháp khác. Đó là: Xây dựng mạng lưới trường, lớp hợp lý, đảm bảo đủ trường lớp học cho tất cả học sinh các cấp học, bậc học; đầu tư xây dựng trường học theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, đạt chuẩn quốc gia. Khuyến khích xây dựng các trường học theo mô hình cung ứng dịch vụ trình độ, chất lượng cao ở các quận, huyện, thị xã.

Ngành GD-ĐT Hà Nội đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, lộ trình triển khai, giải pháp thực hiện, rõ trách nhiệm, rõ kinh phí đầu tư. 7 nhóm giải pháp triển khai quy hoạch cũng được Sở GD&ĐT và 29 phòng GD&ĐT thống nhất thực hiện một cách đồng bộ”

- Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ

Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Từng bước nâng cao chế độ, chính sách đối với QLGD và giáo viên. Có chính sách thu hút, tuyển dụng giáo viên giỏi về giảng dạy tại thành phố Hà Nội.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Mở rộng và nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong trường học và các cơ quan quản lý GD - ĐT. Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất hạ tầng CNTT; đầu tư các phần mềm ứng dụng trong quản lý. Bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực sử dụng CNTT.

Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về GD - ĐT. Phát hiện, khai thác triệt để các nguồn học bổng để gửi các giáo viên, giảng viên, cán bộ nghiên cứu, sinh viên đi đào tạo, thực tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Có chính sách thu hút nhà giáo, nhà khoa học trong nước và quốc tế đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các trường học của Thủ đô. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các trường quốc tế.

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, tăng cường thực hiện phân cấp quản lý, cải cách hành chính và cơ chế phối hợp, phát huy tính năng động, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả giáo dục của địa phương và các cơ sở giáo dục.

Tiếp tục tăng cường nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho GD - ĐT. Đảm bảo tỷ lệ đầu tư cho GD - ĐT trong tổng chi ngân sách địa phương ổn định và ngày càng tăng. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực để phát triển giáo dục.

Hải Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ