Tiếng yêu đầu tiên

Bức thư của cô trò nhỏ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - “Tiếng yêu đầu tiên” của tôi đến từ một cô học trò nhỏ. Đó là những năm tháng đầu tiên tôi mới vào nghề dạy học.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Buổi sáng vừa bước chân vào cổng trường, tôi đã được lắng nghe những giai điệu quen thân trong bài hát “Mùa Xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao: “Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về/ Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/ Một trưa nắng cho bao tâm hồn…”.

Lời bài hát rộn ràng, da diết khiến tôi như cảm nhận thấy nàng Xuân đang tung tăng trên khắp sân trường. Và trong lòng mình đồng vọng về bao kí ức của “tiếng yêu đầu tiên”…

“Tiếng yêu đầu tiên” của tôi đến từ một cô học trò nhỏ. Đó là những năm tháng đầu tiên tôi mới vào nghề dạy học. Năm đầu, tôi được nhà trường phân công làm công tác chủ nhiệm. Thú thực vì còn ít kinh nghiệm cũng như chủ nhiệm một lớp có nhiều học sinh cá biệt nên tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Có những lúc, tôi chán nản, muốn buông xuôi mọi việc, nếu như không…

Chuyện bắt đầu từ một tin nhắn: “Thưa thầy, có phải số máy của thầy đây không ạ? Lúc sáng, em nộp tiền đáng lẽ thầy trả lại em 3 nghìn đồng nhưng thầy lại trả lại những 4 nghìn đồng, mãi ra về lúc mua bút em mới biết. Em xin lỗi thầy, ngày mai em sẽ trả lại cho thầy”. Đọc xong mẩu tin đó, tôi cũng không biết là học sinh nào vì sáng hôm ấy có nhiều học sinh nộp tiền. Tôi nhắn lại: “Uh, là thầy đây thôi không sao đâu”. Đến cuối tuần sinh hoạt lớp, tôi xem qua sổ đầu bài thấy toàn điểm kém, tâm trạng không vui nên đã trách phạt lớp rất nhiều nhưng tôi cũng không quên biểu dương tính trung thực của một bạn nào đó ở trong lớp. Tôi có nói: “Việc trả lại 1 nghìn đồng là rất nhỏ nhưng nó thể hiện một đức tính lớn mà ai cũng cần có là tính trung thực. Tôi phê bình cả ban cán sự lớp vì không làm tròn trách nhiệm dẫn dắt lớp”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tôi không ngờ lời trách mắng chung đó đã khiến cho cô bí thư bé nhỏ của lớp khóc rất nhiều. Sáng hôm sau đi dạy, tôi nhận được một bức thư của một bạn trong lớp gửi mà không đề tên người viết. Tôi mở bức thư và đọc chậm từng dòng:

“Chào thầy giáo chủ nhiệm!....

Có lẽ đây là lần đầu tiên em được tâm sự cùng thầy. Em biết khi thầy cầm trên tay bức thư này thầy sẽ nghĩ là của Xinh hoặc Vân. Nhưng không phải vậy đâu thầy ạ, em là một người bạn thân của 2 bạn ấy thôi. Thầy biết vì sao em viết lời tâm sự này không? Đó là vì bí thư (Vân) thầy ạ! Thầy có biết hôm thứ 7 thầy có nhận được tin nhắn là của ai không? Đó là của Lê Vân đấy. Hôm đó, Vân đã trăn trở và tâm sự với em về chuyện đó. Em bảo “1 nghìn đồng có gì đâu mà mày suy nghĩ”. Bạn nói: “1 nghìn đồng không lớn nhưng nó thể hiện tính trung thực”. Vân nghĩ mãi mới lấy can đảm nhắn tin cho thầy.

Đến hôm sau, Vân đã đứng chờ thầy rất lâu, bàn chân bạn run run khi trông thấy thầy, muốn bước lại trả tiền thừa cho thầy, nhưng Vân đã không làm được điều đó. Cho đến bây giờ, Vân vẫn cảm thấy hổ thẹn khi nhìn thấy thầy.

Thầy có biết bí thư lớp mình là người thế nào không? Thầy thật sự hiểu bạn ấy không thầy? Có thể thầy hiểu nhưng sẽ không hiểu hết được đâu. Thầy biết không, sau mỗi giờ sinh hoạt lớp bị thầy phê bình về nhà Vân khóc nhiều lắm vì cảm thấy bản thân chưa làm tròn nhiệm vụ thầy giao, còn sai sót nhiều trong công việc… Vân đã tâm sự như vậy.

Thầy có biết trong lớp ta các bạn hay gọi Vân là “bí thư Vân”, bạn bảo rằng đừng gọi như thế thấy giữ khoảng cách lắm, các bạn cứ gọi tên cho thân mật gần gũi. Thầy chắc cũng không biết rằng trong lớp mỗi khi bạn nào có chuyện gì đó không vui đều tâm sự với Vân vì bạn ấy là người luôn cho những lời khuyên khiến mọi người cảm thấy thoải mái nhất. Hôm nay sinh hoạt, thầy đã nói chuyện ấy trước lớp làm Vân bối rối, vì bạn nghĩ thầy sẽ không nói ra. Sao???

Thầy đã không hiểu tính Vân - một cô bé biết chịu đựng. Đọc đến đây thầy sẽ thắc mắc không hiểu vì sao chuyện gì về Vân em cũng biết nhỉ, vì một số chuyện bạn tâm sự nhưng còn nhờ một nguyên nhân khác mà cuối thư em sẽ cho thầy biết, còn nhiều chuyện về Vân nữa em sẽ kể một số chuyện cho thầy thôi vì bạn không muốn kể chuyện mình với người khác đâu.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Thầy ơi, chắc thầy sẽ ngạc nhiên khi em kể ra điều này! Ở lớp dưới, Vân từng là lớp trưởng, năm nào bạn cũng nhận được phần thưởng lớp trưởng xuất sắc đấy thầy ạ! (nhưng từ khi lên lớp 8 bạn bị tai nạn do trèo cây mít ngã bất tỉnh ba ngày liền. Gia đình, bạn bè tưởng bạn đã không thể qua khỏi, bây giờ mỗi lúc trở trời bạn đau đầu, hay những lúc phải ngồi học lâu bạn phải ngồi yên do chân tay tê cứng). Mỗi lần đau đớn bạn thường đặt tay lên trán,mắt nhắm nghiền lại. Cơn đau tràn ngập thân thể bạn, những lúc ấy bạn phải uống rất nhiều thuốc. Đặc biệt, đôi mắt của bạn từng phải phẫu thuật nhưng không thành công. Giờ mắt bạn đã cận đi nhiều mà thầy thấy đó bạn chưa bao giờ yêu cầu được ngồi bàn đầu như những bạn khác. Nhưng vượt lên tất cả bạn vẫn là một học sinh giỏi và bạn từng thi đỗ huyện môn Văn đấy thầy ạ!

Vân là vậy đó, bệnh tật, nhà cũng không có gì khá giả nhưng chưa bao giờ tỏ ra buồn chán mà ngược lại ở bạn, bạn bè luôn bắt gặp một nụ cười hiền hậu yêu đời. Bạn bè trong lớp hỏi bạn sao lúc nào cũng vui vẻ vậy? Vân trả lời: “Nụ cười làm cho mình vui, cho người khác vui, nên sau này chết đi mình sẽ viết di chúc để lại hàm răng cho ai đó không biết cười cho họ mãi mãi vui trong tiếng cười”.

Có lần khi họp nhóm, Vân xin nghỉ làm bí thư vì khi đau Vân không giúp được gì cho lớp. Ở lớp dưới bạn chỉ thay cô chủ nhiệm quản lý nề nếp chứ công việc bên đoàn đội như văn nghệ, thể thao bạn không làm được. Nhưng chúng em ngăn bạn: “Mày có thương thầy không? Nếu mày thương thì làm xong năm nay, năm sau bọn mình sẽ “giải thoát cho”. Vân im lặng hồi lâu và bạn đã cố gắng làm tốt công việc thầy giao cho đến bây giờ.

Mỗi buổi tối, em thường đến nhà bạn học. Hôm nay trở trời, Vân lại mệt nên ngủ trước rồi, em tình cờ mở nhật ký trên máy tính của bạn nên mới biết nhiều chuyện về Vân đấy thầy ạ. Em lén đọc thế này là sai phải không thầy? Nhưng trót đọc rồi… Vân viết: “…từ khi vào lớp 10 chưa bao giờ tôi thấy thầy cười, có phải vì lớp không thầy? có phải vì em chưa hoàn thành công việc không thầy?... Thầy à, lớp mình nghịch em biết điều đó khiến thầy buồn nhưng rồi các bạn sẽ thay đổi và ngoan hơn trước, thầy hãy tin như thế thầy nhé... Tôi tin, mình sẽ sớm thấy thầy cười...”.

“Thầy ạ! Dạo gần đây thấy thầy buồn, mà nhiều khi thấy các bạn nói chuyện thầy cũng không nói gì…, có phải thầy chán lớp ta lắm rồi không?... Em và các bạn trong ban cán sự lớp sẽ không bỏ cuộc đâu thầy ạ!… Em cũng rất mong thầy tiếp tục dìu dắt chúng em… Muốn nói điều này với thầy nhưng sao khó quá… Thầy đừng nản nha thầy!”. Bí mật về Vân còn nhiều em không thể kể hết cho thầy biết được (Vân biết sẽ không vui).

Em dừng bút đây thầy ạ! Cuối thư em chúc thầy sức khỏe và niềm tin. À, đọc xong lời tâm sự này thầy vờ như không biết gì nhé, chỉ mong thầy hiểu hơn về bí thư lớp mình thôi”.

Có thể nói, bức thư đó của cô học trò nhỏ như một liều thuốc tinh thần cho tôi động lực để tiếp tục hoàn thành tốt công tác chủ nhiệm mà nhà trường giao phó. Đến nay, đã gần hai mươi năm trong nghề dạy học, mỗi lần gặp khó khăn nào đó, tôi lại thường nghĩ về bức thư ấy - bức thư như “tiếng yêu đầu tiên” giúp tôi vượt qua những khó khăn, yêu hơn nghề dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.