Bức ảnh gấu Bắc Cực gầy trơ xương gây chấn động

Bức ảnh của một con gấu Bắc Cực gầy gò trên quần đảo Svalbard, Na Uy đã làm dấy lên cuộc tranh luận về vấn đề nóng lên toàn cầu.

Con gấu cái Bắc Cực gầy trơ xương. Ảnh: Kerstin Langenberger
Con gấu cái Bắc Cực gầy trơ xương. Ảnh: Kerstin Langenberger

Hình ảnh một con gấu cái Bắc Cực gầy gò đến trơ xương trên quần đảo Svalbard, Na Uy, được nhiếp ảnh gia Kerstin Langenberger đưa lên Facebook hôm 20/8. Bà cho biết, đây là cảnh tượng khá phổ biến ở khu vực này.

Svalbard được coi là một trong những nơi có quần thể gấu Bắc Cực lớn nhất và được bảo vệ tốt nhất trên thế giới. Nhưng bà Langenberger nói rằng, trên thực tế, tương lai của gấu Bắc Cực trên quần đảo này đang ngày càng u ám.

Bà cho rằng khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên do biến đổi khí hậu, các tảng băng và sông băng lớn ở Bắc Cực tan ra với tốc độ ngày càng nhanh, khiến lũ gấu ngày một khó khăn hơn trong việc kiếm ăn. Gấu đực có thể leo lên những tảng băng trôi ra xa hơn để kiếm ăn, trong khi gấu cái mắc kẹt trên bờ với lũ con của chúng và không thể đi đâu xa để săn mồi.

"Tôi thấy có những con gấu đực béo tốt, nhưng cũng thấy nhiều con gấu cái gầy gò và chết đói. Chúng lang thang bên bờ biển, tìm kiếm thức ăn, cố săn tuần lộc, ăn trứng chim, rêu và tảo biển", bà Langenberger thuật lại với IBTimes.

"Rất hiếm khi tôi thấy gấu mẹ mập mạp bên đàn gấu con béo tốt", bà viết. "Nhiều lần tôi thấy những con gấu gầy khủng khiếp và toàn là gấu cái, giống như con trong ảnh. Xương trơ ra, chân trước bị thương, có thể do cố săn voi biển một cách tuyệt vọng trong khi nó đang bị mắc kẹt trên bờ".

Bà cho rằng nếu tình trạng này tiếp diễn, quần thể gấu Bắc Cực ở Svalbard sẽ không giữ được trạng thái ổn định khi gấu cái và gấu con ngày càng ít đi hoặc thiếu ăn, và đây là một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu. "Biến đổi khí hậu đang là vấn đề đáng lo ngại ở vùng cực. Và nỗ lực để thay đổi điều này là quyết định của chúng ta", bà nhấn mạnh.

Bức ảnh trên Facebook của Langenberger đã gây chấn động dư luận và được chia sẻ 41.000 lần với lời kêu gọi hành động cấp bách để bảo vệ các loài động vật ở Bắc Cực.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng bức ảnh chỉ cho thấy một góc nhìn về quần thể gấu Bắc Cực ở Svalbard. Iain Stirling, từ đại học Alberta, cho rằng con gấu trong ảnh có thể bị ốm hoặc già yếu, không nhất thiết phải do hậu quả của biến đổi khí hậu.

"Chúng ta nên thận trọng trước khi đưa ra kết luận ngay lập tức. Con gấu trên có thể đang thiếu đói, nhưng cũng có thể là gấu già, gặp khó khăn trong việc săn mồi. Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể quy chụp rằng đó là hậu quả của việc thiếu ăn do băng tan".

Bất kể là vì lý do gì, bức ảnh đã làm nổi bật vấn đề mà các quần thể gấu đang phải đối mặt trên toàn thế giới, đó là hiện tượng băng tan làm chúng không thể săn động vật biển vào mùa hè.

Trước đây, các nhà khoa học cho rằng, gấu Bắc Cực có thể áp dụng trạng thái năng lượng thấp khi buộc phải vào bờ trong mùa hè, nơi chúng có rất ít cơ hội tìm kiếm thức ăn. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới trên tạp chí Science vào tháng 7, gấu Bắc Cực không thể thiết lập trạng thái này, thay vào đó, chúng phải tiêu tốn nguồn năng lượng rất lớn vào mùa hè để kiếm ăn.

Theo một nghiên cứu hồi tháng 4 trên tạp chí Frontiers in Ecology and the Environment, những thức ăn trên bờ như quả mâm xôi hay chim không thể cung cấp nhiều năng lượng như động vật biển, nên đó không phải là giải pháp sinh tồn bền vững cho gấu Bắc Cực.

"Chưa có bằng chứng để kết luận rằng gấu Bắc Cực đang ăn các loại thực phẩm trên cạn nhiều hơn trước. Tuy nhiên những thứ chúng ăn trên cạn không đủ để duy trì quần thể, thậm chí là cá thể. Những thức ăn trên bờ mà chúng kiếm được không đủ bù đắp cho những thiệt hại do băng tan gây ra", Karyn Rode, người đứng đầu nghiên cứu, nhận định.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cờ Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc Kharkov

Cờ Nga tung bay ở Kharkov

GD&TĐ - Lá cờ của Liên bang Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc vùng Kharkov hôm 4/5/2024.
Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.
Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

GD&TĐ - An ninh trật tự Haiti liên tục phải chịu những biến cố, từ vụ ám sát tổng thống đến động đất và tình trạng bạo lực từ các băng đảng.