Chiếc bùa 6.000 năm tuổi tìm thấy ở ngôi làng từ thời Đồ đá mới Mehragarh, Pakistan, là sản phẩm lâu đời nhất sử dụng kỹ thuật đúc khuôn chảy, phương pháp chế tác kim loại vẫn được sử dụng trong ngành hàng không vũ trụ ngày nay, theo Washington Post.
Trong báo cáo công bố hôm 15/11 trên tạp chí Nature, các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu vật liệu khảo cổ châu Âu Ipanema, Pháp, phân tích chiếc bùa bằng công nghệ chụp ảnh phát quang để tìm hiểu chính xác cách người cổ đại chế tạo nó.
Họ chiếu ánh sáng lên chiếc bùa, sau đó đo lượng ánh sáng phản xạ lại.
Những vật liệu khác nhau có lượng ánh sáng phản xạ khác nhau, cho phép nhóm nghiên cứu xác định rõ vật liệu dùng để chế tạo chiếc bùa.
Quá trình phân tích chỉ ra chiếc bùa được đúc liền khối, chứng tỏ nó được tạo ra bằng kỹ thuật đúc khuôn chảy.
Kỹ thuật này tạo ra bản sao của vật mẫu bằng sáp, sau đó làm khuôn bao quanh.
Người thợ rèn đun nóng khuôn này, đổ sáp lỏng ra ngoài và rót kim loại nóng chảy vào trong. Sau khi nguội, khuôn vỡ ra, để lại đồ vật kim loại mới nguyên vẹn.
Bùa hộ mệnh chế tạo bằng kỹ thuật đúc khuôn chảy. Ảnh: Nature.
Chiếc bùa hộ mệnh được chế tác bằng cách đổ đồng nóng chảy vào khuôn đất sét chuẩn bị từ trước.
Đồng hấp thụ một lượng nhỏ oxy trong quá trình sản xuất, dẫn đến những vệt oxit đồng nhỏ li ti bên trong chiếc bùa.
Kỹ thuật đúc khuôn chảy có thể sử dụng cho những thiết kế phức tạp hơn. Đây vẫn là phương pháp phổ biến nhất trong các lò đúc ngày nay.
"Đúc khuôn chảy là kỹ thuật chế tác kim loại chính xác nhất trong các ngành hàng không vũ trụ và y sinh học, dùng cho hợp kim từ thép đến titan", nhóm nghiên cứu cho biết.
Kỹ thuật cũng được dùng để tạo ra nhiều phần trên tàu con thoi NASA, Trạm Vũ trụ Quốc tế và robot thăm dò sao Hỏa Curiosity.
NASA cũng chế tạo các bộ phận của tàu vũ trụ Messenger bay quanh quỹ đạo sao Thủy trong năm 2011 - 2015 bằng công nghệ đúc khuôn chảy này.