(GD&TĐ) - Những bữa ăn thể hiện ý nghĩa sâu sắc về khái niệm “tổ ấm”, tạo thành công việc thường nhật và là nơi tuyệt vời để vợ chồng có dịp cùng nhau trò chuyện, con cái có thể học cách lắng nghe, bày tỏ ý kiến, cũng như quan điểm sống của mình.
Ở trẻ nhỏ, thói quen thường xuyên dùng bữa chung giúp mang lại cho trẻ cảm giác an toàn. Khi có cảm giác an toàn, trẻ sẽ thấy vui hơn và dễ dàng học tập tốt, tham gia tốt các hoạt động chung ngoài xã hội, cũng như theo đuổi các sở thích khác nhau do cha mẹ đã định hướng. Tình yêu thương, tiếng cười và các câu chuyện tâm tình hòa quyện trong sự tôn trọng, cung cách ứng xử trong bữa ăn, sự chia sẻ, lắng nghe sẽ tạo nên một sự trải nghiệm hoàn hảo, mà mỗi người sẽ mang theo trong suốt cuộc đời.
- Ám ảnh bữa ăn chung: Do hai vợ chồng đang ở nhà thuê nên chị Hoàng Oanh thường viện lý do “Bất tiện khi phải nấu nướng mỗi ngày” mặc cho chồng chị, anh Cao Minh nhiều lần đề nghị xắn tay phụ vợ để cùng ăn cơm nhà cho có vợ có chồng. Mỗi chiều tan sở, chị Oanh ghé tạt nhà mẹ ruột ăn cơm, chuyện trò với người nhà đến tận khuya mới về nhà. Phần chồng, chị chỉ đạo: “Cho anh thoải mái. Muốn ăn đâu tùy thích. Nếu có buồn, cứ rủ mấy anh cùng phòng đi ăn cho vui”. Thấy vợ không mặn mà chuyện thổi cơm nhà, chán nản anh Minh cũng chẳng buồn nhắc nữa. Vậy là mỗi người một ngả, mạnh ai nấy ăn, đến giờ ngủ lại về.
Chị Ánh, cán bộ một công ty kiểm toán thường ngao ngán khi nhắc đến việc ăn chung ngồi chung một bàn. Từ khi chồng chị mở công ty riêng, những bữa cơm ấm cúng cuối ngày của gia đình chị trước đây bỗng tiêu tan thành mây khói. Thay vào đó, một kịch bản viết sẵn dành cho chị cứ lập lại từ ngày này sang ngày khác: “Dọn bàn. Đọc sách. Chờ chồng. Ăn một mình. Sáng hôm sau thức dậy dọn dẹp thức ăn còn của hôm trước”. Không chịu nổi, có lần chị Ánh lên tiếng đề nghị chồng lưu tâm đến việc chờ đợi mỏi mòn của vợ, thì anh lập tức nổi cáu: “Thời đại bây giờ tiến bộ đến đâu rồi, mà còn cảnh vợ ngồi nhà chờ chồng về ăn cơm chung? Một mẩu tin nhắn hoặc một cú điện thoại là xong. Sao em không làm, giờ còn trách ai?”.
Mỗi chiều trước khi bước ra khỏi phòng làm việc để về nhà câu đầu tiên mà anh Hải than là: “Không biết hôm nay hai cha con tôi phải đi đâu ăn và ăn gì đây?”. Chuyện là vợ anh, chị Hằng, đang theo đuổi khóa học đào tạo lấy bằng Thạc sĩ Kinh tế nên việc cả nhà cùng ngồi chung bàn mỗi ngày xem như…phá sản. Dần dà, thói quen ăn chung của gia đình họ hầu như…tan biến. Quả thật, hơn nửa năm nay khi vợ ráo riết chuyện học nâng cao, bàn ăn của gia đình anh Hải thường xuyên được dằn một mẩu giấy: “Hai cha con ăn ngoài dùm em nhé. Trễ giờ học mất rồi. Sắp thi nữa. Hôn con trai dùm em”.
Giữa thời buổi mọi người ai cũng tất bật vì mưu sinh, những bữa ăn gia đình ngày càng nhạt dần. Nhiều cặp vợ chồng trẻ không muốn vướng tay vướng chân việc bếp núc, những cặp vợ chồng quĩ thời gian eo hẹp lại có thói quen ai về nhà trước ăn trước, ai về sau thì ăn sau nên nhiều khi cả tuần vợ chồng con cái cứ như mặt trăng với mặt trời vì chẳng mấy dịp cùng nhau ngồi ăn chung một bữa. Và còn nhiều lí do khác để họ “chối bỏ” bữa ăn chung. Theo một khảo sát mới đây, có khoảng từ 30% đến 40% gia đình trẻ lâm vào cảnh “cơm hàng cháo chợ” với tần suất cao. Nhiều gia đình chỉ có thể ăn chung mâm duy nhất một lần vào trưa chủ nhật, còn chiều thì bận… đám tiệc hoặc bạn bè có gọi.
Ảnh minh họa |
- Hạnh phúc sao bữa cơm gia đình: Tuy thiếu quĩ thời gian vì lo toan việc xã hội, nhưng chị Thanh Thảo, nhân viên PR một công ty phân phối độc quyền các mặt hàng nhà bếp. luôn tìm cách xoay xở, vén khéo sao cho cả nhà cùng ngồi vào bàn ăn ít nhất một lần trong ngày. Lúc đầu, chị Thảo cảm thấy lúng túng vì không biết sắp xếp thế nào cho vẹn cả hai bên. Công việc cũng cần, mà bữa cơm nhà cũng không kém phần quan trọng. Chị bèn nhờ chồng “tư vấn”. Chồng chị, anh Đinh Hoài vốn thích cơm nhà vợ nấu thay vì nhớ lại những bữa cơm lây lất cho qua ngày từ lúc còn thời sinh viên nên anh đồng ý ngay. Sau nhiều lần bàn bạc, cân nhắc và phân chia cụ thể chuyện cơm nước, con cái vợ chồng họ thống nhất “không bỏ bữa”, người nào “trái luật” sẽ bị phạt làm thêm việc nhà. Vậy mà họ đã thành công. Những bữa cơm đơn giản và ấm cúng dường như làm tình yêu của hai người càng thêm bền chặt. Họ cùng chia sẻ với nhau những câu chuyện về công việc, gia đình bên mâm cơm nóng hay thậm chí là kế hoạch sẽ đi đâu vào dịp cuối tuần…Khi được hỏi về cảm nghĩ của mình về bữa cơm gia đình, chị Thảo tâm sự: “Một gia đình lí tưởng, theo tôi chỉ đơn giản là một gia đình đều đặn và duy trì được những bữa cơm gia đình. Đó là bữa cơm mà cả nhà quây quần đầm ấm, không phải cứ kẻ ăn trước người ăn sau để đến trường, đến công sở. Là bữa cơm giúp mọi người trút bỏ mệt nhọc, lo toan, làm mọi thành viên trong gia đình thêm vui tươi, phấn chấn”.
Hương vị bữa ăn gia đình cũng được tạo ra từ chính lời nói của mọi người. Những câu chuyện tuy đơn giản nhưng đầy ý nghĩa, mang lại niềm vui cho cả nhà góp phần thể hiện tính văn hóa và tình cảm gia đình. Sau mỗi bữa ăn, các thành viên trong nhà có thể cùng nhau chia sẻ công việc dọn dẹp để nhanh chóng kết thúc những thứ còn bừa bộn. Điều này còn thể hiện tinh thần tương trợ giữa mọi người cũng như gia tăng tình cảm thắm thiết giữa vợ chồng, con cái trong gia đình.
Ca Dao