Bữa cơm cuối cùng bên gia đình của người lính Gạc Ma

GD&TĐ - Năm 1980, Cường thi đậu Đại học Tổng hợp Đà Lạt ngành Vật lý. Học được một năm Cường về xung phong đi bộ đội.

Buổi lễ tưởng niệm vào sáng 14/3.
Buổi lễ tưởng niệm vào sáng 14/3.

Gia đình khuyên học hết rồi tính nhưng Cường đã quyết và nói công tác xong thì về đi học tiếp. Đó cũng là lần cuối ăn cơm cùng gia đình.

Dù đã 34 năm dài trôi qua, nhưng trong tâm trí của nhiều người con đất Việt, hình ảnh của những chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong sự kiện bảo vệ các đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao ngày 14/3/1988 vẫn mãi được khắc ghi.

Biển Tổ quốc đã ôm các anh vào lòng

Sáng 13/3, tại đình Nại Nam (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa, TP Đà Nẵng đã tổ chức Lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ đá Gạc Ma – quần đảo Trường Sa của Tổ quốc năm 1988.

Buổi lễ được tổ chức với sự tham gia của các cựu binh từng làm nhiệm vụ ở Trường Sa, các cán bộ, chiến sĩ có đồng đội hy sinh tại đảo Gạc Ma và thân nhân các gia đình liệt sĩ đã cùng đến buổi lễ tưởng niệm để thắp nén nhang tưởng nhớ.

Ngay sau lễ chào cờ, mọi người đã dành 1 phút mặc niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại đá Gạc Ma – quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988.

Ông Nguyễn Văn Tấn - Trưởng ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng chia sẻ với thân nhân gia đình các liệt sĩ. Trong số 64 liệt sĩ hy sinh, Đà Nẵng có 9 liệt sĩ và 1 liệt sĩ tại Quảng Nam.

Đến nay, TP Đà Nẵng đã có con đường mang tên Trường Sa, dọc theo bờ biển Mỹ Khê, đó là sự tri ân công lao của nhân dân Đà Nẵng dành cho các liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, mặt khác khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam trên bản đồ thế giới.

“Các chàng trai trẻ Đà Nẵng ngày ấy, không ngại gian khổ, xung phong gia nhập quân chủng Hải quân và đã hy sinh trước họng súng của kẻ thù. Các anh hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ để lại biết bao niềm thương nhớ của gia đình, bạn bè, đồng đội và xã hội.

Các anh đã được lòng biển bao la ôm các anh vào lòng, ghi nhận tinh thần bất khuất dũng cảm hy sinh để bảo vệ vùng biển của đất nước”, ông Tấn xúc động.

Đứng chắp tay thắp nén hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, ông Nguyễn Bá Hùng (trú Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) anh trai liệt sĩ Nguyễn Bá Cường - người đã hy sinh trong sự kiện Gạc Ma năm 1988, lau giọt nước mắt mỗi khi nhớ đến người em út của mình.

“34 năm trôi qua nhưng sự ra đi của em trai tôi là Nguyễn Bá Cường vẫn luôn theo trong tâm trí của tôi và gia đình”, ông Hùng mở lời.

Ông Hùng kể lại rằng, năm 1985, lúc bấy giờ anh Nguyễn Bá Cường nhập ngũ thuộc Lữ đoàn Bộ binh 173 (Quân khu 5), một năm sau đi học ở Học viện Hải quân Nha Trang. Khi biết được nhận nhiệm vụ ở Trường Sa, đồng chí Nguyễn Bá Cường hủy khóa học lớp hoa tiêu ở Nga đã đăng ký trước đó và xung phong ra đảo làm nhiệm vụ.

Sau đó, đồng chí Nguyễn Bá Cường đã hy sinh ngày 14/3/1988, khi Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm đá Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Bá Cường cũng là liệt sĩ duy nhất ở Quảng Nam trong số 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại Gạc Ma.

“Nhà có 3 anh em, đều phục vụ trong quân ngũ. Thằng Cường là con út. Năm 1980, Cường thi đậu Đại học Tổng hợp Đà Lạt ngành Vật lý. Học được một năm, nó về xung phong đi bộ đội.

Gia đình khuyên, cứ học hết đã rồi tính nhưng nó cứ nằng nặc đòi đi, lén ba má qua xã đăng ký nhập ngũ. Nó nói, ba má đừng lo, con ra đảo công tác xong thì về đi học tiếp. Đó cũng là lần cuối cùng gia đình ăn cơm cùng”, ông Hùng xúc động.

Ông Nguyễn Bá Hùng (trú Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), anh trai liệt sĩ Nguyễn Bá Cường thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ.
Ông Nguyễn Bá Hùng (trú Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), anh trai liệt sĩ Nguyễn Bá Cường thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ. 

Mong thế hệ trẻ tiếp tục giữ vững chủ quyền Tổ quốc

Sáng 14/3, vừa làm lễ tưởng niệm cho các liệt sĩ xong, Thiếu tá Nguyễn Thị Bích Lạc – nguyên là quân y sĩ của Trung đoàn 83 Công binh Hải quân, vợ liệt sĩ Trần Văn Phòng (người hy sinh tại đá Gạc Ma) nhớ lại, lúc đó anh Phòng là Phó Đại đội trưởng về Chính trị của Trung đoàn 83 Công binh Hải quân, khi có lệnh anh Phòng đã đưa lực lượng cùng vật liệu ra xây dựng đảo. Do đá Gạc Ma là đảo chìm nên phải dùng xuồng để vận chuyển vật liệu từ tàu HQ 604 vào đảo.

“Một số đồng chí đi cùng kể lại rằng, trong lúc xuồng đang vận chuyển vật liệu vào đảo để xây dựng thì tàu chiến của Trung Quốc hung hãn xả súng khiến các anh hy sinh. Lúc anh đi làm nhiệm vụ là tôi vừa sinh con, anh ấy hẹn đi sẽ trở về với mẹ con tôi nhưng rồi tôi đã đợi mãi anh ấy không về nữa”, Thiếu tá Lạc nghẹn ngào.

“Tôi vừa là thân nhân, vừa là đồng đội nên cảm thấy rất xúc động khi nhớ đến ngày này. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đều nhớ đến và tri ân 64 chiến sĩ đã hy sinh khi bảo vệ đá Gạc Ma – quần đảo Trường Sa của Tổ quốc.

Tôi chỉ muốn nhắn nhủ đến thế hệ trẻ rằng quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bao nhiêu năm qua thế hệ cha ông đã đổ biết bao nhiêu xương máu để giữ được đảo cho đến ngày nay. Mong rằng, thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa truyền thống, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc”, Thiếu tá Lạc nhắn nhủ.

Giữa mùi hương khói nghi ngút, Đại tá Hoàng Duy Lập - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 nhớ lại ngày này cách đây hơn 30 năm, trên khu vực cụm đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, Trung Quốc đã vô cớ gây chiến. 64 đồng chí đã hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương và 9 người bị Trung Quốc bắt giữ.

“Chúng ta đã dựng nên vòng tròn bất tử, khẳng định chủ quyền thiêng liêng, Trường Sa là của Việt Nam, không ai có quyền xâm phạm. Chúng ta phải nhớ  đến ngày hôm nay, ngày các liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng.

Chúng ta, người dân Việt Nam phải kiên định lập trường, xác định bảo vệ từng tấc đất sải biển. Không chỉ ở thế hệ chúng tôi, mà còn sau này, phải giáo dục cho tất cả các thế hệ sau hiểu được điều đó”, Đại tá Lập nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.