Ngược dòng lịch sử
Theo tư liệu, người Pháp đưa bóng đá vào Việt Nam khoảng cuối thế kỷ 19, rồi sau đó trở thành môn thể thao được đông đảo quần chúng nhân dân yêu thích. Mặc dù vậy, bóng đá Việt Nam chỉ thực sự phát triển, giành được nhiều thành tích từ năm 1954.
Bóng đá miền Nam Việt Nam liên tục có mặt trong nhóm đội mạnh hàng đầu châu lục như 2 lần lọt vào top 4 AFC Asian Cup 1956 và AFC Asian Cup 1960, giành HCV SEAP Games 1959, giải thể thao tiền thân cho SEA Games bây giờ và từng tham dự vòng loại FIFA World Cup 1974.
Trong thời kỳ này, bóng đá miền Bắc Việt Nam chủ yếu chơi các giải của các nước xã hội chủ nghĩa từ 1956 đến 1966 và để lại nhiều trận đấu ấn tượng. Theo đánh giá chung của các nhà chuyên môn, bóng đá miền Bắc cũng tiệm cận đẳng cấp châu lục.
Đất nước hoàn toàn thống nhất vào năm 1975. Nhưng cũng phải 16 năm sau, đội tuyển quốc gia Việt Nam mới trở lại đấu trường quốc tế, tham dự SEA Games 16 tại Philippines.
Cho đến ngày nay, mặc dù đã giành được rất nhiều thành công trên đấu trường quốc tế, song có thể thấy, bóng đá Việt Nam mới chỉ vươn tầm khu vực Đông Nam Á, đang áp sát nhóm các đội mạnh châu lục.
Bóng đá Việt Nam đã 2 lần vô địch giải vô địch Đông Nam Á các năm 2008, 2018; 2 lần vào đến tứ kết giải vô địch châu Á Asian Cup 2007, 2019; Bán kết Đại hội thể thao châu Á Asian 2018 (đội Olympic quốc gia); Á quân U23 châu Á 2018; Đội tuyển U20 nam và đội tuyển futsal quốc gia tham dự VCK World Cup... 5 HCV SEA Games của bóng đá nữ.
Điểm lại những thành tích để thấy rằng FIFA World Cup với bóng đá Việt Nam chỉ là giấc mơ xa vời. FIFA World Cup luôn là sân chơi quá tầm, dù với tư cách thành viên của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), đội tuyển Việt Nam liên tục tham dự các vòng loại World Cup khu vực châu Á.
Ngay từ năm 1994, 3 năm sau khi trở lại bóng đá quốc tế, đội tuyển Việt Nam bước vào vòng loại FIFA World Cup 1998 và đến năm 2018, sau 7 lần tham dự, chúng ta chưa bao giờ lọt vào vòng loại cuối cùng của châu Á, vòng đấu chính thức xác định những đội đến sân chơi thế giới.
Theo thống kê, ở vòng loại World Cup, đội tuyển quốc gia Việt Nam thắng 10, hòa 3 và thua 25, ghi được 42 bàn và thủng lưới 56 lần. Như vậy, với khoảng cách quá lớn về chuyên môn so với nhóm các đội mạnh châu lục, đội tuyển Việt Nam không thể tiến xa ở sân chơi thế giới (vòng loại châu lục) cũng là điều dễ hiểu.
Tham dự World Cup luôn là giấc mơ, khát vọng cháy bỏng không chỉ của người hâm mộ Việt Nam. Những người quản lý nhiều lần vạch ra lộ trình, hay đặt vấn đề làm cách nào để đội tuyển Việt Nam có mặt ở sân chơi thế giới.
Ngay khi bóng đá Việt Nam chập chững bước vào giai đoạn chuyên nghiệp, khoảng những năm đầu thế kỷ 21, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), ông Phạm Ngọc Viễn đã xây dựng hẳn đề án với mục tiêu đưa đội tuyển Việt Nam giành suất tham dự VCK World Cup 2018. Tất nhiên, vào thời điểm đó, nhiều ý kiến trái chiều về mục tiêu được cho là “viển vông”, “điên rồ” của ông Viễn.
Thậm chí có ý kiến cho rằng Tổng Thư ký VFF Phạm Ngọc Viễn “loạn ngôn”. Những người phản bác ông Viễn cho rằng, ngay ở “vùng trũng” Đông Nam Á, đội tuyển Việt Nam đá mãi không thể vô địch khu vực. Các cầu thủ ra sân luôn mang trong đầu nỗi sợ cầu thủ Thái Lan. Cứ ra sân gặp người Thái là… thua. Vấn đề chỉ còn là cách thua và bao nhiêu bàn thua!
Nhưng cũng có nhiều chuyên gia ủng hộ ông Viễn. Ít nhất, họ cũng chỉ ra rằng, lần đầu tiên VFF có được tầm nhìn chiến lược, dám đầu tư phát triển nền bóng đá một cách bài bản, khoa học thay vì quẩn quanh ở ao làng Đông Nam Á.
Điều đó chính là sự đột phá về tư tưởng, ý thức, tiền đề quan trọng cho hành động cụ thể. Mặc dù vậy, bóng đá Việt Nam từ ngày lên chuyên (chính xác là năm 2000) đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Sự phát triển mang tính bước ngoặt gần như không có. Giải vô địch quốc gia, vốn là nền móng cho đội tuyển quốc gia, tồn tại rất nhiều vấn đề khó giải quyết, giống như người mắc bệnh nan y.
Tuy nhiên, cũng khó có thể đòi hỏi nhiều hơn từ bóng đá Việt Nam, đặc biệt với giấc mơ World Cup. Nhìn sang các quốc gia khác trong khu vực, Singapore, Indonesia, kể cả người Thái… cũng từng xây dựng chiến lược World Cup.
Nhưng thực tế thì tất cả các đội bóng trong khu vực đều thất bại thảm hại. Đông Nam Á với những lá cờ đầu như Thái Lan hay Việt Nam đều chưa thể tiệm cận đến nhóm các đội bóng đại gia của châu Á. Thậm chí, bóng đá Thái Lan rồi Indonesia có những giai đoạn chìm trong khủng hoảng, tham nhũng và cuộc chiến quyền lực.
2026 - Thời điểm chín muồi
Để giành suất tham dự World Cup 2026, đội tuyển Việt Nam cần có HLV trưởng tài năng như ông
Park Hang Seo
Trong khi những đối thủ như Thái Lan, Singapore hay Malaysia tụt hậu thì bóng đá Việt Nam 2 năm gần đây thăng tiến mạnh mẽ.
Sự xuất hiện của HLV Park Hang Seo đã đưa bóng đá Việt Nam lên tầm cao mới, thống trị khu vực bằng chức vô địch AFF Cup 2018 và trở thành gương mặt mới nổi chen chân vào nhóm đại gia châu Á, HCB U23 châu Á 2018, Top 4 đội mạnh nhất ASIAD 2018, Top 8 đội mạnh nhất Asian Cup 2019…
Thậm chí, chủ tịch FIFA Gianni Infantino khẳng định thành công của bóng đá Việt Nam đã truyền cảm hứng cho nhiều Liên đoàn bóng đá trên thế giới.
“Tôi vui mừng khi nhìn thấy sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam trong thời gian gần đây. Trước đây, người ta biết đến Việt Nam là một đất nước vĩ đại trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Ngày hôm nay, họ còn biết đến Việt Nam là quốc gia có nền bóng đá phát triển. Nó không chỉ dừng lại ở sự ảnh hưởng đối với đất nước các bạn mà còn đối với khu vực, châu Á và cả thế giới – ông Gianni Infantino phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam.
Vào thời điểm đó, NHM Việt Nam và VFF không thật sự bay bổng với những lời có cánh của Gianni Infantino. Điều chúng ta mong đợi nhất là ý tưởng 48 đội dự VCK World Cup của ông Gianni Infantino có được cụ thể hóa vào năm 2022, diễn ra tại Qatar. Nếu điều đó trở thành hiện thực, cơ hội dự World Cup thực sự mở ra cho bóng đá Việt Nam.
Nhưng kế hoạch của ông Gianni Infantino đã không được triển khai tại World Cup 2022. Thay vào đó là World Cup 2026. Bóng đá Việt Nam không giấu được sự thất vọng khi thầy trò HLV Park Hang Seo đang ở vào thời điểm thăng hoa.
Tuy nhiên, có lẽ với bóng đá Việt Nam, gương mặt mới nổi của châu Á, nếu tỉnh táo nhìn nhận, nếu World Cup 2022 nâng lên 48 đội thì chưa chắc chúng ta nắm bắt được cơ hội.
2026 mới thực sự là thời điểm chín muồi để bóng đá Việt Nam biến giấc mơ World Cup thành hiện thực. VFF cần có thêm thời gian. Bóng đá Việt Nam với lứa cầu thủ trẻ tài năng hiện nay cần rèn giũa thêm bản lĩnh và chuyên môn cho cuộc chơi lớn nhất hành tinh.
Văn Hậu, mới 21 tuổi, Công Phượng vừa qua tuổi 22, sẽ trưởng thành hơn ở môi trường bóng đá châu Âu. Những Đình Trọng, Duy Mạnh, Quang Hải, Văn Toàn, Tiến Linh… trước thềm World Cup 2026 sẽ bước vào độ chín nhất của sự nghiệp cầu thủ.
Và điều quan trọng nhất, hơn bao giờ hết, rất nhiều doanh nghiệp, các trung tâm đào tạo trẻ của Việt Nam có liên kết với các CLB nổi tiếng thế giới đang đồng hành cùng VFF cho chiến dịch World Cup 2026.
Ngoài ra, VFF trong vai trò người quản lý, cần có chiến lược nhằm tập hợp được những cầu thủ tốt nhất của lứa tuổi 2001, 2002 và 2003, kể cả nhóm các cầu thủ sinh năm 1999 và 2000. Như HLV trưởng U19 Việt Nam, “phù thủy trắng” Philippe Troussier chia sẻ: “Để hướng tới mục tiêu World Cup 2026 và Olympic 2024, U19 Việt Nam sẽ có diện mạo mới ở vòng loại châu Á, đồng thời cung cấp cho đội tuyển và U22 Việt Nam nhiều nhân tố chất lượng trong tương lai.
Để đồng nhất với cách chơi của các đội tuyển tuyến trên, U19 Việt Nam đá sơ đồ 3 hậu vệ và rèn lối chơi kiểm soát bóng với những đường chuyền ngắn, nhỏ, nhuyễn, tận dụng tối đa kỹ thuật và khả năng di chuyển của cầu thủ. Mục tiêu của tôi là xây dựng lối chơi đồng nhất giữa các cấp độ và đảm bảo tính liên tục, xuyên suốt.”
Cùng với thành công của bóng đá Việt Nam trong 2 năm dưới thời HLV Park Hang Seo, đội tuyển Việt Nam bắt đầu hướng tới những mục tiêu xa hơn, cao hơn, cụ thể là VCK World Cup 2026.
Cơ hội dành cho bóng đá Việt Nam đã rộng mở hơn nhờ thành tích tốt trong thời gian qua và FIFA đã nâng số đội tham dự từ 32 lên 48. Đã đến lúc, bóng đá Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ và bài bản hơn để cụ thể hoá giấc mơ World Cup.