Thành tích nghèo nàn
Vị thế của bất cứ nền bóng đá nào cũng luôn được đo bởi những tiêu chí như thành tích đội tuyển quốc gia, chất lượng giải vô địch quốc gia và sức mạnh của các câu lạc bộ ở sân chơi quốc tế.
Vậy nên, làm gì để bóng đá Việt Nam đạt đẳng cấp châu lục luôn là câu hỏi trăn trở trong nhiều năm qua với những nhà quản lý bóng đá, và một trong những điều kiện tiên quyết chính là sự lớn mạnh, thương hiệu của các câu lạc bộ bóng đá nước nhà.
Mùa giải năm nay, Việt Nam có Hà Nội FC tham dự AFC Champions League, và Hải Phòng FC tranh tài tại AFC Cup. Theo kết quả bốc thăm, Hà Nội FC lọt vào bảng J cùng các đối thủ Wuhan Three Towns FC (Trung Quốc), Pohang Steelers (Hàn Quốc) và Urawa Red Diamonds (Nhật Bản); Hải Phòng rơi vào bảng H cùng các đội Hougang United (Singapore), Sabah FA (Malaysia) và PSM Makassar (Indonesia). Đến hết tháng 11, sau 5 lượt trận, Hải Phòng còn có cơ hội vượt qua vòng bảng AFC Cup, trong khi Hà Nội FC phải đối mặt với những đối thủ mạnh hàng đầu châu lục đã không thể tạo ra bất ngờ.
Sau 3 thất bại liên tiếp, Hà Nội giành chiến thắng có phần may mắn với tỷ số 2-1 trước Wuhan Three Towns. 3 điểm có được này giúp đại diện của Việt Nam lấy lại niềm tin, đồng thời níu kéo hy vọng có thể mang đến bất ngờ ở 2 lượt trận cuối.
Mặc dù vậy, không có phép màu nào xảy ra, Hà Nội FC thua ở lượt trận thứ 5, chính thức hết cơ hội đua tranh vào vòng đấu loại trực tiếp trước 1 vòng đấu. Trong 4 trận thua, đại diện Việt Nam chỉ ghi được 3 bàn và thủng lưới đến 13 bàn; 2 trận thua đậm nhất với tỷ số 0-6 (Urawa Red Diamonds) và 2-4 (Pohang Steelers).
Kết quả của Hải Phòng khả quan hơn khi họ chỉ phải đụng độ với những đối thủ ngang sức, cùng trong khu vực Đông Nam Á. Trước lượt trận cuối, đội bóng đất Cảng có cùng 7 điểm như PSM Makassar nhưng thầy trò huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm tạm xếp thứ 2 nhờ hơn chỉ số phụ.
Ở lượt trận cuối vào ngày 14/12, Hải Phòng được thi đấu trên sân nhà, gặp đội cuối bảng Hougang United, trong khi đối thủ cạnh tranh PSM Makassar sẽ phải làm khách trên sân đội đầu bảng Sabah FA. Một chiến thắng sẽ mang đến hy vọng đi tiếp cho Hải Phòng ở cửa vé vớt.
Hải Phòng ăn mừng sau trận thắng PSM Makassar 3-0. Ảnh: INT. |
Nhưng ngay cả khi vượt qua vòng bảng, Hải Phòng còn một chặng đường dài mới chạm đến kỷ lục của bóng đá Việt Nam ở AFC Cup.
13 năm trước, B.Bình Dương đã đi đến vòng bán kết AFC Cup 2009. Đây cũng là thành tích tốt nhất đến nay của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cấp câu lạc bộ ở sân chơi châu lục. Tuy nhiên, AFC Cup chỉ là sân chơi hạng 2, không thể so sánh về trình độ, tiền bạc với AFC Champions League, nơi hội tụ gần như tất cả tinh hoa của bóng đá châu lục.
Các câu lạc bộ mạnh của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả-rập Xê-út, UAE... đều tìm cách chiêu mộ những ngôi sao từ châu Âu, thuê thầy giỏi nhằm phục vụ cho cuộc đua giành chức vô địch AFC Champions League.
Từ kết quả của Hà Nội FC cho thấy bóng đá Việt Nam sau hơn 20 năm hội nhập vẫn còn khoảng cách khá xa với châu Á. Đây là điều cần phải suy ngẫm. Từ những năm 2000, bóng đá Việt Nam bước lên chuyên nghiệp với tham vọng mang đến diện mạo mới cũng như vị thế cho các câu lạc bộ ở sân châu lục.
Trong khoảng 10 năm đầu, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chứng kiến sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp, đồng nghĩa dòng tiền chảy vào các hoạt động bóng đá rất lớn. Nhờ đó, bóng đá Việt Nam luôn có 2 đại diện góp mặt tại vòng bảng AFC Champions League, như Hoàng Anh Gia Lai và Bình Định (2003, 2004), Long An và Đà Nẵng (2006), Bình Dương và Nam Định (2008).
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa các câu lạc bộ Việt Nam đã tiệm cận với trình độ châu lục.
Trong giai đoạn này, các đội bóng Việt Nam thường thua tan nát mỗi khi phải đối đầu với các đối thủ mạnh ở vòng bảng AFC Champions League. Kết quả kém cỏi ấy cùng với vị trí của giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đi xuống, khiến các câu lạc bộ của Việt Nam phải bắt đầu AFC Champions League từ vòng sơ loại, hoặc có năm không có đại diện góp mặt ở giải đấu này.
Đơn cử từ năm 2017 đến 2020, bóng đá Việt Nam chỉ còn 1 câu lạc bộ tham dự từ vòng sơ loại. Vài năm trở lại đây, chúng ta mới có đại diện vào thẳng vòng bảng, như Viettel (2021 - 2022), HAGL (2022 - 2023) và hiện tại là Hà Nội FC (2023 - 2024).
Một thống kê đáng buồn nữa là đến nay, chưa có đại diện nào của bóng đá Việt Nam vượt qua vòng bảng AFC Champions League.
Theo thống kê, các đội bóng Việt Nam có được 8 trận thắng, 9 hòa và 57 thua, đạt tỷ lệ thắng 10,8% trong khi thua lên đến 77%. Nếu để tìm ra những điểm tích cực sau hơn 2 thập kỷ bước ra sân chơi châu lục thì năm ngoái, Hoàng Anh Gia Lai đã giành 1 chiến thắng, 2 trận hòa để kết thúc vòng bảng với 5 điểm.
Ngược dòng thời gian, tại AFC Champions League 2016, B.Bình Dương quật ngã đội bóng tên tuổi Jeonbuk Motors (Hàn Quốc) với tỉ số 3-2, hòa 1-1 với Jiangsu Suning (Trung Quốc)…
Tuấn Hải ghi 2 bàn giúp Hà Nội FC lội ngược dòng đánh bại Wuhan Three Towns 2-1. Ảnh: INT. |
Nỗ lực… chưa thành!
Nhìn lại kết quả hơn 2 thập kỷ qua, rõ ràng, AFC Champions League hay kể cả AFC Cup vẫn luôn là những mặt trận quá tầm với các câu lạc bộ Việt Nam, cho dù không ít đội bóng đầu tư khá mạnh tay.
Đơn cử như năm nay, Hà Nội FC có tới 6 ngoại binh nhằm phục vụ chiến dịch AFC Champions League. Bên cạnh Marcao Silva, Milan Jevtovic, Caion, đội bóng này còn có tuyển thủ Cameroon Joel Tagueu, cựu trung vệ Dormund Damien Le Tallec và Brandon Wilson.
Theo định giá của Transfermarkt, giá trị chuyển nhượng của nhóm này lên đến 3 triệu USD.
Ông Đỗ Vinh Quang - Chủ tịch Hà Nội FC chia sẻ, đội bóng đã xây dựng chiến lược vươn tầm châu lục. Các thành viên đội bóng phải thiết lập, định hình mục tiêu này trong tư duy, hiểu rằng đích ngắm của đội là phải vươn ra châu Á.
“Chúng tôi không để ý nhiều đến những kết quả trước đây của các câu lạc bộ V-League tại AFC Champions League, chỉ tập trung vào mục tiêu của mình, chơi tốt từng trận đấu và để lại dấu ấn đẹp cho bóng đá Việt Nam”, đội trưởng Văn Quyết khẳng định.
Nhưng thực tế Hà Nội FC đã phải nếm trải sự khắc nghiệt của sân chơi châu lục. Như ở thất bại, 2-4 trước Pohang Steelers, 0-6 trước Urawa Red Diamonds, đội bóng Hà Nội đều nhận tới 3 bàn thua ngay trong hiệp 1, điều đó cho thấy khoảng cách rất lớn về chuyên môn.
Huấn luyện viên Lê Đức Tuấn – Hà Nội FC cho biết: “Hà Nội FC đã phải căng mình thi đấu ở 3 đấu trường trong thời gian qua (AFC Champions League, V-League và cúp quốc gia, P.V). Quãng đường di chuyển rất nhiều và thời gian nghỉ ngơi ít khiến các cầu thủ dễ gặp chấn thương. Bài học rút ra ở đây sau khi bị loại là cần phải có những cầu thủ ngoại chất lượng”.
Có lẽ cũng cần chia sẻ với Hà Nội FC về những cố gắng chưa mang đến thành công của đội bóng này. Trước hết, đại diện của bóng đá Việt Nam rơi vào bảng đấu quá khó.
Xét về thực lực, Hà Nội FC ở đẳng cấp thấp hơn so với 3 đối thủ cùng bảng. Ngoài ra, đội bóng Hà Nội không có được lực lượng và phong độ tốt nhất, điều đó còn minh chứng qua kết quả thất thường ở giải vô địch quốc gia năm nay. Lãnh đạo Hà Nội FC bày tỏ tham vọng về AFC Champions League, song có lẽ họ chưa đánh giá đúng năng lực của mình. Kế hoạch chuẩn bị tưởng như công phu từ mùa trước cứ lần lượt đổ vỡ. Huấn luyện viên Bozidar Bandovic ra đi, chất lượng ngoại binh không cao.
Sau Hà Nội FC, mùa tới, câu lạc bộ Công an Hà Nội sẽ đại diện cho bóng đá Việt Nam tham dự sân chơi châu lục.
Đội bóng ngành Công an được kỳ vọng sẽ mang đến kết quả tốt hơn bởi dàn cầu thủ chất lượng, nhiều nội binh là tuyển thủ quốc gia và nhóm ngoại binh sẽ được nâng chất ở kỳ chuyển nhượng tới.
Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển, lãnh đạo Công an Hà Nội đã bày tỏ sự quyết tâm phấn đấu để “thể hiện hình ảnh bóng đá ngành Công an không chỉ ở trong nước, mà còn ở đấu trường khu vực, châu lục”.
Tuy nhiên, bước khởi đầu ở sân chơi châu lục của Công an Hà Nội sẽ là AFC Cup. Bóng đá Việt Nam tạm thời bị “cắt suất” tham dự AFC Champions League. Cụ thể, từ mùa giải 2024 - 2025, Liên đoàn Bóng đá châu Á sẽ áp dụng những thay đổi mang tính bước ngoặt trong công tác tổ chức các giải đấu cấp câu lạc bộ.
Theo đó, sân chơi này sẽ được cơ cấu lại theo 3 cấp độ. Cấp độ 1 tương ứng với giải đấu cao nhất hiện nay là AFC Champions League, cấp độ 2 tương ứng với AFC Cup và cấp độ 3 là giải đấu dành cho nhóm các câu lạc bộ chưa đủ điều kiện để tham dự 2 giải đấu kể trên.
Đáng chú ý, việc phân hạng thi đấu cho các câu lạc bộ được Liên đoàn Bóng đá châu Á căn cứ trên bảng xếp hạng các giải vô địch quốc gia châu Á. Giải vô địch quốc gia Việt Nam xếp hạng 7 khu vực Đông Á trên bảng xếp hạng năm 2022 nên chúng ta sẽ không có suất tham dự giải đấu cấp độ 1 (AFC Champions League) mà chỉ có 1 suất vào thẳng và 1 suất play-off ở giải đấu cấp độ 2 (AFC Cup) mùa giải 2024 - 2025. AFC Cup năm tới sẽ gồm 32 đội tham dự ở giai đoạn vòng bảng và cũng áp dụng thể thức thi đấu giống như AFC Champions League.
Như vậy, bóng đá Việt Nam sau nhiều năm nỗ lực vẫn trở lại những thời điểm khó khăn, mất suất tham dự AFC Champions League. Giờ đây, chúng ta sẽ phải nỗ lực tích lũy điểm, thông qua kết quả thi đấu của các câu lạc bộ ở giải đấu châu lục, đồng thời nâng cao chất lượng giải vô địch quốc gia cũng như đáp ứng đúng các tiêu chí như Liên đoàn Bóng đá châu Á đặt ra mới hy vọng cải thiện thứ hạng để giành lại quyền tham dự AFC Champions League. Con đường trở lại đó không xa nhưng nhìn tổng thể sau hơn 20 năm, bóng đá Việt Nam vẫn cứ loay hoay ở vạch xuất phát!
Và nên nhớ, nếu các câu lạc bộ của chúng ta mà cứ gặp đại diện của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều thất bại, thậm chí thua rất đậm thì làm sao có thể nói trình độ của bóng đá Việt Nam đã tiếp cận đến tốp đầu châu lục cho được. Bởi kết quả đó thể hiện V-League vẫn là một giải đấu hạng trung bình, và một giải đấu như vậy khó mà tạo ra đội tuyển quốc gia mạnh.
Bangkok United (Thái Lan) nằm ở bảng F đã trở thành đại diện duy nhất của Đông Nam Á giành quyền vào vòng đấu loại trực tiếp AFC Champions League 2023/2024. Đây có thể coi là một trong những bất ngờ lớn nhất của vòng bảng. Bởi bảng đấu này, Jeonbuk Hyundai Motors (Hàn Quốc) được đánh giá cao nhất, sở hữu 9 chức vô địch quốc gia, 2 lần vô địch AFC Champions League.