Nhiều nhà môi trường học, sinh vật học và dịch tễ học bày tỏ lo ngại rằng, một đại dịch nữa có thể bùng nổ trong rừng mưa Amazon. Đây là hậu quả của việc chặt phá rừng dữ dội và hoạt động của con người. Chúng ta ngày càng có tiếp xúc thường xuyên hơn với nơi cư trú của thú rừng và các khu vực chứa mầm bệnh tiềm năng.
“Rừng mưa Amazon là nơi rộng lớn chứa các loại mầm bệnh mà chúng ta chưa biết tới” – nhà môi trường học Davis Lapola ở ĐH Campinas (Brazil) cho biết.
“Các loại mầm bệnh” mà ông Lapola nhắc tới liên quan đến nhiều loại virus gây ra các bệnh khác nhau, từ cảm lạnh thông thường đến Covid-19. Phần lớn các loại bệnh (xuất hiện trong những thập niên gần đây – từ HIV và Ebola, qua MERS đến Covid-19) là những căn bệnh lây nhiễm từ động vật sang người.
Ước tính, có ít nhất 60% trong số 335 loại bệnh mới xuất hiện trong thời gian từ năm 1960 đến năm 2004 có nguồn gốc từ động vật. Linh trưởng là nguồn lây lan virus sang người thường xuyên nhất do chúng ta có mối liên quan về tiến hóa. Dơi cũng là “nguồn cung cấp” virus thường xuyên do có hệ miễn dịch đặc biệt và sự trao đổi chất cao. Điều chưa rõ là mầm bệnh lây sang người như thế nào, vào lúc nào và tại sao.
Các nghiên cứu công bố trên tạp chí “Proceedings of the Royal Society B” (Anh) cho thấy, sự rối nhiễu về cân bằng môi trường có thể làm tăng đột ngột nguy cơ lây lan virus. Điều này đặc biệt rõ nét trong trường hợp thay đổi môi trường do hoạt động của con người gây ra.
“Sự lây truyền virus từ động vật sang người là hậu quả trực tiếp của tác động của chúng ta đối với động vật hoang dã và môi trường sống của chúng. Các hoạt động can thiệp này đồng thời đe dọa sự tồn tại của các loài và làm tăng nguy cơ lây lan virus” – nữ Giáo sư Christine Kreuder Johnson, ở Trường ĐH Thú y, ĐH California (Mỹ), tác giả chính của công trình nghiên cứu, cho biết.
Tuy nhiên, sự gia tăng tiếp xúc với động vật hoang dã không phải là mối lo duy nhất của chúng ta. Các nghiên cứu trước đó cho thấy, chặt phá rừng có thể tạo ra những điều kiện lý tưởng cho muỗi – vật trung gian truyền các loại virus như Zika, sốt rét, sốt xuất huyết dengue, sốt vàng… phát triển. Tại đảo Borneo (thuộc Malaysia), sự các ca sốt rét gia tăng sau khi rừng cọ bị chặt phá hàng loạt.
Người ta cũng cho rằng, dịch sốt Zika hoành hành tại Bắc và Nam Mỹ trong giai đoạn 2015 - 2016 là do rừng mưa Amazon bị chặt phá, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng đàn muỗi phát triển. Không ai có khả năng dự đoán, khi nào đại dịch tiếp theo (sau Covid-19) bùng phát. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ý kiến khẳng định rừng mưa Amazon với đa dạng sinh học bị khai thác quá mức, đang trở thành “quả bom nổ chậm”, châm ngòi cho một đại dịch mới.