Bồi hồi tiếng trống trường trực tuyến

GD&TĐ - Năm học 2021 - 2022 bắt đầu thật đặc biệt. Nhiều HS, GV dự lễ khai giảng ngay tại nhà. Có những HS, trước khi chuyển vào sống ở khu giãn cách, vẫn mang theo đồng phục HS để mặc trong ngày khai giảng trực tuyến.

Cô trò HS Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) sinh hoạt lớp online Lễ khai giảng trực tuyến của trường.
Cô trò HS Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) sinh hoạt lớp online Lễ khai giảng trực tuyến của trường.

Khai giảng khác biệt

Sáng 5/9, thầy Thạch Cảnh Bê - Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Đức Phổ đến trường dự lễ khai giảng qua màn hình ti vi. Quảng Ngãi chỉ tổ chức khai giảng trực tiếp tại Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Quảng Ngãi) và phát trực tiếp trên Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Ngãi.

"Lần đầu tiên trong cuộc dời dạy học, tôi dự một lễ khai giảng không có giáo viên, không có học sinh, chỉ mình tôi cùng bác bảo vệ. Cảm giác thật buồn và trống trải. Tuy nhiên, có lẽ không khí của ngày khai giảng có thay đổi, nhưng ý nghĩa của ngày vẫn không thay đổi, hoàn cảnh có thay đổi nhưng ý chí nghị lực của chúng ta không hề suy giảm, lòng yêu nghề của chúng ta vẫn đong đầy" - thầy Bê chia sẻ.

Thầy Thạch Cảnh Bê theo dõi Lễ khai giảng ở Trường THCS Lê Hồng Phong được truyền hình trực tiếp trên đài Phát thanh - truyền hình Quảng Ngãi
Thầy Thạch Cảnh Bê theo dõi Lễ khai giảng ở Trường THCS Lê Hồng Phong được  truyền hình trực tiếp trên đài Phát thanh - truyền hình Quảng Ngãi

Thầy Phan Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (TP Đà Nẵng) đã cảm tác thành những vần thơ: "Không gặp nhau/sân trường/ngày khai giảng/không sao/vẫn thấm nghĩa/nghiệp đò. Trống nằm nhớ/âm thanh/giục giã/áo học trò/trắng mới tinh khôi. Các em ơi!/thầy nợ/lần này thôi/ngày mai sẽ khác/hạnh phúc được xây từ/khao khát/yêu thương mọi người… Cuối thu/gọi mời/năm học mới/bắt đầu…"

Cô giáo Phạm Thị Xuân Hiền - tổ trưởng tổ 5, Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, Tp Đà Nẵng) đã khóc khi dự Lễ khai giảng trực tuyến. Tháng 11/2021 này, cô Hiền nghỉ hưu. Hai năm học cuối trong quãng đời dạy học của mình, cô không dự lễ khai giảng trực tiếp, cũng không có bế giảng năm học do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ về những năm tháng dạy học đặc biệt của cô Hiền trong điều kiện Đà Nẵng thực hiện "ai ở đâu, ở yên đấy" để phòng chống dịch bệnh. 

Cô giáo Lê Thị Hoài – GV chủ nhiệm lớp 5/2, Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Đây là khai giảng đầu tiên trong nghề dạy học của tôi. Tuy có lúng túng khi bắt đầu tiếp nhận lớp chủ nhiệm nhưng nhờ sự giới thiệu của GVCN cũ trên group lớp nên tôi nhanh chóng tiếp cận được với HS và phụ huynh để trao đổi về kế hoạch dạy – học của lớp trong thời gian học trực tuyến. Dù khai giảng trực tuyến, gặp mặt HS qua ứng dụng phần mềm nhưng cảm xúc bắt đầu của một năm học mới không vì vậy mà bớt đi sự nôn nao khi gặp mặt HS của mình”.

Giữ lại vẹn nguyên sự háo hức cho học sinh

Năm đầu tiên dự khai giảng năm học... tại nhà, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, Tp Đà Nẵng) cho biết, cảm xúc thật khó diễn đạt thành lời: “Ngày khai trường năm nay thật đặc biệt với thầy và trò trường Tiểu học Núi Thành chúng tôi vì cả 3 tháng nay nhà trường được dùng làm cơ sở cách ly tập trung cho những người thuộc diện F1 và thực hiện nghiêm Chỉ thị của thành phố nhà ai ở yên nhà nấy. Thầy cô giáo chúng tôi không thể chào đón các em HS trong bộ đồng phục mới, tung tăng háo hức chào năm học mới nhân ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Tuy khó khăn là vậy, song đội ngũ nhà giáo chúng tôi không thể để học trò của mình bị mất đi niềm cảm xúc ngày khai trường”.

Hai em HS Trường Tiểu học Núi Thành cùng xem chung chương trình khai giảng trực tiếp trên điện thoại
Hai em HS Trường Tiểu học Núi Thành cùng xem chung chương trình khai giảng trực tiếp trên điện thoại

Sáng đầu thu trong xanh, HS Trường Tiểu học Núi Thành từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi theo dõi chương trình khai giảng trực tuyến của nhà trường. Chỉ xem qua màn hình nhưng niềm hân hoan ngày khai trường đã được các thầy cô lan tỏa đến từng học sinh, từng phụ huynh, từng ngôi nhà yêu thương.

“Cảm xúc sẽ hóa hành động. Cảm xúc ấy sẽ lan mãi, lan xa để rồi bố mẹ và các em sẽ cùng thầy cô vượt qua mọi khó khăn cùng nhau tay trong tay chào đón một năm học mới thắng lợi mới, bình an và như ý” – cô Nguyệt chia sẻ.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Lai theo dõi Lễ khai giảng trực tuyến trong khu giãn cách mà gia đình đang tá túc
Học sinh Trường Tiểu học Lê Lai theo dõi Lễ khai giảng trực tuyến trong khu giãn cách mà gia đình đang tá túc

Em Bùi Ngọc Hà Linh (HS lớp 7/4, Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: Hai năm liên tục chúng em không được dự khai giảng trực tiếp tại trường. Tuy nhiên, thầy cô giáo vẫn cố gắng tổ chức trực tuyến để đánh dấu ngày đầu tiên của một năm học. Em và các bạn cùng thầy cô giáo gặp mặt online nên vẫn có sự tương tác, được nghe cô thầy dặn dò, được trò chuyện cùng các bạn. Em rất mong dịch bệnh được khống chế để chúng em sớm được trở lại trường học.

Trường THPT Trần Phú (TP Đà Nẵng) còn tổ chức cả phần hội trong lễ khai giảng trực tuyến với nội dung giao lưu, đố vui giữa các lớp không kém phần sôi nổi và gay cấn. Các lớp nhận được đường link để trả lời câu hỏi thi đố vui rồi bấm chọn phương án trả lời.  

Thực hiện chủ trương của thành phố về giãn cách khu dân cư nhằm phòng, chống dịch, gia đình anh Trần Thanh Hoàng Vũ (tổ 14, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) tạm thời được đưa đến Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ để tá túc. Tuy nhiên, với tinh thần chuẩn bị sẵn sàng cho con vào năm học mới, gia đình đã mang theo máy tính, sách vở...
Từ sáng sớm 5-9, cậu con trai năm nay vào lớp 5 Trường Tiểu học Lê Lai thúc giục ba mẹ mặc đồng phục để vào tham dự chương trình khai giảng trực tuyến. "Trong bối cảnh giãn cách thế này tất nhiên gặp nhiều khó khăn, song gia đình sẽ hỗ trợ và đồng hành cùng con trong năm học mới. Tôi tin mỗi phụ huynh cùng cố gắng một tí thì mọi khó khăn đều giải quyết được", anh Vũ nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.