Bóc trần thủ đoạn của đường dây trục lợi tiền bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cấu kết với bác sĩ và nhân viên các cơ sở y tế, Lê Thị Hà An (Nghệ An) lập khống hàng trăm bộ hồ sơ bệnh án giả, trục lợi 6 tỷ đồng tiền bảo hiểm.

Lực lượng chức năng thu thập hồ sơ, tang vật vụ án. Ảnh: CANA
Lực lượng chức năng thu thập hồ sơ, tang vật vụ án. Ảnh: CANA

Cấu kết với bác sĩ và nhân viên các cơ sở y tế, Lê Thị Hà An (SN 1989, trú tại TP Vinh, Nghệ An) lập khống hàng trăm bộ hồ sơ bệnh án giả, trục lợi 6 tỷ đồng tiền bảo hiểm nhân thọ (BHNT), bảo hiểm y tế (BHYT).

Cấu kết lập khống hồ sơ bệnh án

Những năm gần đây, thị trường bảo hiểm sức khỏe ở Việt Nam phát triển mạnh. Đặc biệt, trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19, nhu cầu mua BHNT, BHYT của người dân tăng cao. Tuy nhiên, “lỗ hổng” từ cơ chế khiến tình trạng trục lợi bảo hiểm diễn ra nhiều hơn và ngày càng tinh vi.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Nghệ An khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giả mạo trong công tác và gian lận BHYT”.

Theo hồ sơ, Lê Thị Hà An (SN 1989, trú tại phường Quán Bàu, TP Vinh) từng tham gia các lớp tập huấn của một số công ty bảo hiểm thương mại (BHTM). Mặc dù không được công ty ký hợp đồng làm nhân viên hay đại lý nhưng người phụ nữ này vẫn hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm.

Ngoài ra, người này còn thường xuyên đến Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh để gặp gỡ, trao đổi với một số bác sĩ, điều dưỡng tại đây. Giữa năm 2022, sau khi mua một căn hộ cao cấp, Hà An tiếp tục xây nhà mới cho bố mẹ.

Với một người lao động tự do, có chồng là viên chức, lực lượng chức năng đặt ra nghi vấn về nguồn gốc số tiền mà người phụ nữ này có được. Quá trình điều tra, công an phát hiện Hà An chính là mắt xích quan trọng trong một đường dây trục lợi bảo hiểm quy mô lớn.

Theo đó, Hà An móc nối với những người cần làm bệnh án giả nhằm thanh toán quyền lợi BHNT. Khi có thông tin của khách hàng, người phụ nữ này nhờ mẹ ruột là bà Thái Thị Mai (SN 1967, điều dưỡng tại Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ) làm giả bệnh án gãy xương và bỏng.

Cán bộ công an lấy lời khai của Lê Thị Hà An. Ảnh: CANA

Cán bộ công an lấy lời khai của Lê Thị Hà An. Ảnh: CANA

Tháng 10/2022, sau khi nghỉ hưu, bà Mai giới thiệu Nguyễn Quốc Việt (SN 1984, kỹ thuật viên chụp X-quang của Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ) cho con gái.

Đồng ý hợp tác với An, Việt tìm những phim X-quang tương ứng với độ tuổi của khách hàng để làm hồ sơ. Với mỗi phi vụ thành công, An chuyển cho mẹ và Việt từ 2,5 - 5 triệu đồng tiền công.

Hoàn tất thủ tục, Hà An đưa hồ sơ cho khách hàng để đề nghị công ty bảo hiểm chi trả quyền lợi. Khoảng một tháng, doanh nghiệp sẽ xét duyệt và chuyển khoản tiền cho khách hàng theo hợp đồng BHNT đã ký.

Lật tẩy thủ đoạn phạm tội tinh vi

Ngoài “đạo diễn” các phi vụ nói trên, Hà An còn cấu kết với bác sĩ Trần Đức Lượng (SN 1982, trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh), công tác tại Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh làm giả các bệnh án để thanh toán quyền lợi BHYT.

Lượng là bác sĩ chữa trị tim mạch có tiếng ở Nghệ An, từng giữ chức phó khoa tim mạch tại một bệnh viện. Khi Hà An có nhu cầu làm bệnh án giả, Lượng cho người bệnh nhập viện, điều trị tại Khoa Nội tim mạch. Đến khi ra viện, bác sĩ này trích sao bệnh án đưa cho Hà An để làm hồ sơ thanh toán BHYT.

Nguyễn Quốc Việt (trái) và Trần Đức Lượng. Ảnh: CANA

Nguyễn Quốc Việt (trái) và Trần Đức Lượng. Ảnh: CANA

Trong một số trường hợp, Lượng yêu cầu người bệnh đến đăng ký khám và xét nghiệm ban đầu tại khoa khác. Khi có kết quả thì chuyển lại cho mình để làm bệnh án nằm viện. Trên thực tế, những người này làm thủ tục nhập viện xong thì về nhà.

Đến ngày ra viện, phía BHYT chi trả từ 2 - 3,5 triệu đồng/bệnh án. Với mỗi hồ sơ thành công, Lượng nhận tiền công 500.000 đồng.

Nhằm tránh bị phát giác, Hà An và Lượng chỉ nhận làm bệnh án giả cho những người quen biết, thấy ai lạ mặt đặt vấn đề hai người này liền từ chối. Trong quá trình phá án, cán bộ điều tra phải thâm nhập vào bệnh viện, tiếp cận và phân biệt ai đang mắc bệnh thật, ai đang giả bệnh.

Đầu tháng 6/2023, vụ án dần sáng tỏ khi một số công ty BHNT chủ động đến trình báo với cơ quan điều tra, cung cấp hồ sơ những khách hàng nghi vấn trục lợi bảo hiểm.

Thấy có “biến”, Hà An và những người liên quan liền cắt đứt liên lạc với nhau hòng tránh bị lộ, đồng thời tìm cách tiêu hủy chứng cứ.

Cuối tháng 6/2023, khi thời cơ chín muồi, Ban chuyên án quyết định phá án. Một tổ công tác được cử vào TPHCM, bắt giữ An và Mai khi mẹ con này vừa về đến khách sạn.

Cùng thời điểm, 3 tổ công tác được cử đến Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh và Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ bắt giữ Lượng, Việt và Nguyễn Thị Quỳnh An (SN 1988, trú tại xã Nghi Kim, TP Vinh).

Tại cơ quan điều tra, Hà An khai nhận, do túng thiếu và thấy cơ hội kiếm tiền “ngon ăn” nên nhận lời một số người làm bệnh án giả. Trong khi đó, bác sĩ Lượng tự tin sự việc sẽ “không bị bại lộ”.

Bởi Lượng cho rằng, bệnh án do mình thiết kế phải là người giỏi chuyên môn mới nhận ra được kẽ hở. Chính vì thế, khi lực lượng chức năng ập vào phòng bắt giữ, người này tỏ ra khá bất ngờ.

Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2022 đến nay, Hà An làm giả 22 bệnh án gãy xương và bỏng tại Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ và Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh. Giúp đối tác được các công ty BHNT chi trả 3 tỷ đồng.

Trong đó, một bệnh án được trả từ 100 - 300 triệu đồng, mỗi bộ hồ sơ có thể thanh toán tại nhiều công ty bảo hiểm. Sau khi xong việc, người phụ nữ này hưởng lợi khoảng 1,2 tỷ đồng.

Công an kiểm tra một phim X-quang giả. Ảnh: CANA

Công an kiểm tra một phim X-quang giả. Ảnh: CANA

Ngoài ra, Hà An và Lượng còn lập khống hơn 450 bệnh án nằm điều trị tại Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh, gây thiệt hại cho BHXH tỉnh Nghệ An và các công ty khác khoảng 3 tỷ đồng. Trong khoản tiền này, Lượng hưởng lợi hơn 120 triệu đồng.

“Trong lĩnh vực bảo hiểm, một hành vi có nhiều tội danh. Ở đây có 2 khía cạnh là lừa đảo và gian lận trong kinh doanh bảo hiểm. Vì vậy khi điều tra phải đánh giá, xem xét chứng cứ cẩn thận, đảm bảo không có sai số”, một cán bộ điều tra nói.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đang mở rộng điều tra chuyên án, đồng thời thu hồi số tiền thất thoát cho Nhà nước và các công ty bảo hiểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.