'Bóc mẽ' thủ đoạn lừa mời 'đầu tư tài chính' ở Nghệ An

GD&TĐ - Từ các cuộc gọi mời 'đầu tư tài chính' với lợi nhuận hấp dẫn, nhiều nạn nhân ở tỉnh Nghệ An đã 'sập bẫy' những kẻ lừa đảo.

Trang Facebook của Phòng CSHS Công an tỉnh Nghệ An cảnh báo hình thức lừa đảo đầu tư tài chính. Ảnh chụp màn hình
Trang Facebook của Phòng CSHS Công an tỉnh Nghệ An cảnh báo hình thức lừa đảo đầu tư tài chính. Ảnh chụp màn hình

“Sập bẫy” từ những cuộc điện thoại lạ

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) - Công an tỉnh Nghệ An nhận được nhiều đơn trình báo của nạn nhân các vụ lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội. Trong đó, nhiều vụ lừa đảo dưới hình thức “đầu tư tài chính”, với số tiền bị mất lên đến hàng tỷ đồng.

Trung tá Hà Huy Đức - Đội trưởng Đội Phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Nguyên nhân các vụ lừa đảo ngoài nhẹ dạ, cả tin thì phần lớn nạn nhân không nhận rõ các dấu hiệu của hành vi lừa đảo ngay từ đầu, nên dễ bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo.

Để phòng ngừa, chấm dứt kịp thời hành vi lừa đảo, Trung tá Đức đã chỉ rõ những dấu hiệu của một vụ lừa đảo dưới chiêu bài đầu tư tài chính để người dân dễ nắm bắt.

Theo đó, các đối tượng lừa đảo thường dụ dỗ nạn nhân tham gia đầu tư “chứng khoán quốc tế”. Tuy nhiên, trên thực tế việc đầu tư chứng khoán ở các sàn giao dịch nước ngoài, phải có quốc tịch ở nước đó và mở tài khoản ngân hàng ở nước sở tại.

Để dễ dàng chiếm lòng tin của nạn nhân, các đối tượng thường giới thiệu cổ phiếu của các tập đoàn, doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới. Trong vai nhà tư vấn đầu tư, đối tượng lừa đảo sẽ đưa ra các mức lợi nhuận hấp dẫn, thậm chí có “chuyên gia” đặt lệnh để đảm bảo người đầu tư chắc chắn có lãi.

Trung tá Đức cho rằng, không có công ty tài chính nào đủ nhân sự để 1 kèm 1, canh lệnh cắt lỗ, chốt lời cho nhà đầu tư. Ngoài ra, một trong những dấu hiệu dễ nhận biết là các tư vấn viên sẽ nói chuyện rập khuôn theo kịch bản có sẵn. Chỉ cần một câu hỏi cắt ngang sẽ khiến những kẻ này bị lúng túng.

Trên trang Facebook cá nhân của mình, vị cán bộ công an cũng chia sẻ một đoạn video ghi lại việc bản thân bị một người phụ nữ gọi điện dụ dỗ, lừa đảo bằng hình thức đầu tư tài chính.

Theo lời quảng cáo của cô gái, công ty này sẽ hỗ trợ nhà đầu tư mua cổ phiếu của các tập đoàn lớn thông qua một ứng dụng.

Để dụ dỗ “con mồi”, người này đưa ra giả thuyết nhà đầu tư mua 1.000 cổ phiếu với giá 1 USD/cổ phiếu. Trong phiên giao dịch tiếp theo, cổ phiếu tăng 2 USD, nhà đầu tư sẽ lãi 1.000 USD. Người này còn thuyết phục nhà đầu tư yên tâm, không lo bị lỗ.

Khi nhà đầu tư nghi ngờ về tuyên bố “chắc chắn có lời”, nhân viên tư vấn khẳng định giúp mua giá thấp, bán giá cao. Đồng thời, đưa ra một hình thức khác được giới thiệu là lệnh bán khống cao hơn giá thấp.

Tuy nhiên, sau khi bị anh Đức bóc mẽ về thủ đoạn lừa đảo, cô gái này tỏ ra ấp úng và cho biết xung quanh có nhiều người nên xin phép tắt máy.

Theo Trung tá Hà Huy Đức, cô gái đó có thể là một nạn nhân của tình trạng mua bán người, bị dụ dỗ qua Campuchia, Lào hoặc Đài Loan, Philippines... với lời giới thiệu việc nhẹ lương cao. Từ đây, nạn nhân bị ép tham gia tổ chức lừa đảo nhắm vào người Việt Nam.

Qua cách tư vấn cho thấy đây là người mới, đang bị một số đối tượng khác đứng cạnh hướng dẫn cách thức thuyết phục các nhà đầu tư để lừa đảo. Anh Đức cho biết, mình đăng tải video trên trang Facebook cá nhân với mong muốn tuyên truyền để người dân cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo này.

Nhóm thanh niên ở Nghệ An mua tài khoản ngân hàng rồi bán ra nước ngoài để phục vụ lừa đảo. Ảnh: CANA

Nhóm thanh niên ở Nghệ An mua tài khoản ngân hàng rồi bán ra nước ngoài để phục vụ lừa đảo. Ảnh: CANA

“Bóc mẽ” thủ đoạn lừa đảo tinh vi

Theo Trung tá Hà Huy Đức, hình thức lừa đảo đầu tư tài chính không mới. Tuy nhiên, những kẻ lừa đảo đã thay đổi một chút về phương thức, thủ đoạn và thường có những kịch bản để nhắm tới từng nhóm đối tượng cụ thể.

Sau khi kết bạn qua Facebook hay kết nối điện thoại, các nạn nhân sẽ bị lôi kéo vào một nhóm Zalo, Telegram mà trong đó các thành viên còn lại đều là “chim mồi”.

Các thành viên sẽ liên tục khoe các vụ chốt lãi thành công với số tiền hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Nạn nhân sẽ bị choáng ngợp với số tiền lãi và nhanh chóng tham gia đầu tư vào các phần mềm do bọn lừa đảo hướng dẫn cài đặt.

Theo anh Đức, thực chất không có sàn giao dịch chứng khoán hay kênh đầu tư nào cả. Khi các bị hại đầu tư, tiền sẽ được chuyển tới tài khoản của nhóm lừa đảo. Bằng vài thủ thuật đơn giản trên các phần mềm do chúng lập và điều hành.

Trong vài “lệnh” đầu, người chơi sẽ có lãi. Tuy nhiên, khi lòng tham trỗi dậy, tưởng dễ dàng kiếm được số tiền lớn, nạn nhân sẽ tiếp tục đầu tư số tiền lớn hơn.

Vài ngày sau, kẻ lừa đảo sẽ tư vấn cho nạn nhân bán cổ phiếu. Tuy nhiên, thay vì chuyển tiền về tài khoản cho nạn nhân như lần trước, những kẻ này sẽ lấy lý do để nạn nhân nạp thêm tiền như: Đóng thuế thu nhập, phí giao dịch... mới có thể rút được tiền từ tài khoản đầu tư ra.

Toàn bộ số tiền nạn nhân nạp vào tài khoản sẽ bị chúng lừa đảo chiếm đoạt. Khi nạn nhân biết mình bị lừa, đồng nghĩa toàn bộ số tiền đầu tư và các khoản phí nộp trước đó bốc hơi hoàn toàn.

Liên quan đến loại tội phạm này, tháng 10 vừa qua, Phòng CSHS Công an Nghệ An phá thành công chuyên án mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

8 nam thanh niên (trú ở huyện Anh Sơn, Nghệ An) đã thu mua thông tin tài khoản ngân hàng của người dân, sau đó bán lại cho những kẻ lừa đảo ở Campuchia với giá cao.

Sau khi có tài khoản ngân hàng, nhóm người ở nước ngoài đã sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Có tài khoản ngân hàng lượng tiền giao dịch lên đến 200 tỷ đồng.

Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để người dân nêu cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo này, theo Trung tá Đức, một trong những giải pháp quan trọng là người dân cần bảo mật các thông tin cá nhân như căn cước công dân, tài khoản ngân hàng…

“Để tránh trở thành nạn nhân, người dân cần tỉnh táo trước lời mời gọi đầu tư tài chính trên mạng xã hội. Không gửi thông tin cá nhân như: Tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân của mình cho người lạ. Đặc biệt, tuyệt đối không chuyển tiền cho bất kỳ người nào mà mình không biết rõ”, Trung tá Hà Huy Đức - Đội trưởng Đội Phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS Công an tỉnh Nghệ An khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.