Tại buổi Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm chủng vắc xin với ngành y tế 63 tỉnh/thành phố, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, thời gian qua Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đã hết sức nỗ lực để có vắc xin phòng COVID-19 phục vụ tiêm chủng.
Bộ Y tế đã phân bổ 811.200 liều vắc xin của COVAX về các địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ và yêu cầu tất cả các tỉnh lập kế hoạch tiêm chủng theo đúng tinh thần Nghị quyết 21.
Văn bản trước đó của Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tổ chức tiêm chủng xong trước ngày 15/5, nhưng tại hội nghị này, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu việc tiêm chủng cần hoàn thành vào ngày 5/5.
Theo Bộ Y tế, vắc xin của Covax hết hạn vào ngày 30/5 nên yêu cầu các địa phương phải triển khai thật tốt, thật nhanh, không được phép để bất kỳ liều vắc xin nào phải hủy bỏ vì lý do không tổ chức tiêm chủng.
Địa phương nào không tiêm sẽ thu hồi vắc xin, thông báo rộng rãi. Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng trong cuộc họp hôm 15/4.
Tại cuộc họp Chính phủ ngày 15/4, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương và Bộ Y tế “không được phép để bất cứ liều vắc xin nào phải huỷ do không tổ chức tiêm được”. Do đó, các địa phương không tổ chức tiêm hết, Bộ Y tế sẽ thu hồi vắc xin và thông báo rộng rãi.
Chuẩn bị phương án đầu tư khi vắc xin phòng COVID-19 thử nghiệm thành công
Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về kế hoạch mua, sử dụng vắc xin ngừa COVID-19; tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trong nước hôm 14/4, Thường trực Ban Chỉ đạo hoan nghênh Bộ Y tế đã triển khai các giải pháp tiêm vắc xin chặt chẽ, từ công tác tập huấn tiêm đến khi tiêm xong, người tiêm được theo dõi sức khỏe liên tục để đánh giá tính sinh miễn dịch sau khi tiêm.
Bộ Y tế khẳng định, đến nay, vắc xin AstraZeneca vẫn đảm bảo an toàn nên sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm theo thứ tự ưu tiên, thực hiện nghiêm Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26.2.2021 của Chính phủ và Quyết định số 1464/QĐ-BYT ngày 5/3/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
Bộ Y tế khẳng định, thế giới đang có hiện tượng vắc xin cung cấp không đủ mua, đang ở trong “cuộc đua tranh khốc liệt”. Do đó, Việt Nam phải cố gắng hết sức để có vắc xin ngừa COVID-19 sớm nhất.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc mới trong tiếp cận, đàm phán mua các nguồn vắc xin, thậm chí “phải chấp nhận rủi ro mới tiếp cận được nguồn vắc xin”.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương trình phương án cụ thể, rõ ràng về việc đàm phán mua các loại vắc xin nước ngoài, thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, nghị quyết của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT khẩn trương thẩm định, trình Chính phủ.
Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị tiếp tục đẩy nhanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị (không kể đơn vị sự nghiệp, DN nhà nước hay tư nhân) thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng COVID-19 và chuẩn bị phương án đầu tư, sản xuất nếu thử nghiệm thành công.
Đối với việc kiểm soát người nhập cảnh trong khi đợi chính sách về hộ chiếu vắc xin, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đề nghị phải tiếp tục siết chặt bởi tình hình dịch bệnh trên thế giới đang tăng trở lại.
Tiếp tục thực hiện cơ chế tổ công tác gồm 5 bộ (Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, GTVT) trong điều phối các chuyến bay đưa các đối tượng chuyên gia người nước ngoài, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh vào Việt Nam.
Xử lý nghiêm những trường hợp đưa người không đúng đối tượng ưu tiên vào nhập cảnh.