Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa cho biết, từ 1/1/2018 đến 30/6/2018, cả nước ghi nhận 4.114 trường hợp phản ứng thông thường và 30 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.
Cụ thể, phản ứng thông thường sau tiêm chủng ghi nhận các trường hợp phản ứng tại chỗ (sưng, nóng, đỏ đau tại vị trí tiêm), sốt dưới 39 độ C cả trong tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ.
Đối với tai biến nặng sau tiêm chủng, trong thời gian trên, cả nước ghi nhận 30 trường hợp tai biến nặng gồm 27 trường hợp tai biến nặng sau tiêm các vaccine trong tiêm chủng mở rộng và 3 trường hợp tai biến nặng sau tiêm các vaccine trong tiêm chủng dịch vụ.
Các loại vaccine sử dụng trong 30 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng ghi nhận 18 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine Quinvaxem (17 trường hợp trên tổng số gần 7 triệu liều đã sử dụng. Ngoài ra, còn có 7 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine VGB và 1 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine BCG trên tổng số 687.545 liều vaccine VGB và 1,4 triệu liều vaccine BCG đã sử dụng).
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, các trường hợp này đã được Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế cấp tỉnh họp đánh giá và kết luận, ghi nhận 24 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ (13%), 21 trường hợp phản vệ/phản ứng quá mẫn sau tiêm chủng (70%) và 5 trường hợp phản ứng sau tiêm chủng không rõ nguyên nhân (17%). Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình.
Cũng theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, các tỷ lệ phản ứng sau tiêm vaccine như trên đều thấp hơn so với tỷ lệ phản ứng mà Tổ chức Y tế thế giới chỉ ra trong tiêm chủng. Các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng mà bỏ tiêm phòng cho trẻ. Vì nếu trẻ không được tiêm đầy đủ các mũi tiêm phòng, sẽ dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh.