Tại buổi họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chiều 9/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đến nay TP Hồ Chí Minh đã huy động gần 20.000 cán bộ, nhân viên y tế trong giai đoạn đầu, nhưng khi lượng bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh, Bộ Y tế đã huy động các lực lượng của cơ sở y tế Trung ương, các địa phương, bệnh viện tư nhân tham gia.
Gần 6.700 nhân viên y tế trên cả nước đã đến chi viện, tham gia tại các trung tâm hồi sức tích cực, các bệnh viện tầng 2, bệnh viện dã chiến và kể cả công tác lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng vaccine tại TP Hồ Chí Minh.
Bộ Y tế khẳng định sự quan tâm của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, UBND, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP Hồ Chí Minh ngay thời điểm đầu với lực lượng chi viện là hết sức chi tiết, chu đáo, đảm bảo các điều kiện làm việc, sinh hoạt.
Không có lý do nào để nói nhân viên y tế không được quan tâm hay gặp thiếu thốn. Tuy nhiên, với gần 7.000 con người, ở đâu đó có lúc không giải quyết hết các mong mỏi của đồng nghiệp, Bộ Y tế xin nhận trách nhiệm.
“Chúng tôi luôn cố gắng hài hòa mọi quyền lợi của anh em vì một điều thiêng liêng là cùng nhau vượt qua đại dịch”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, bên cạnh sự phân công điều động, lực lượng cán bộ, nhân viên y tế mang theo tinh thần tự nguyện, tâm huyết và chung tay với nhân dân TP Hồ Chí Minh.
Đến lúc này, Bộ Y tế chưa có kế hoạch rút lực lượng chi việc khỏi TP Hồ Chí Minh, và sẽ làm hết trách nhiệm, nhiệm vụ của mình.
Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải nhấn mạnh, đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế là những chiến sỹ kiên cường, dũng cảm. TP và Bộ Y tế luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế, chăm lo với mục tiêu cao nhất là kiểm soát dịch bệnh.
Công tác phối hợp giữa TP Hồ Chí Minh và Bộ Y tế chặt chẽ, thường xuyên kịp thời, giải quyết các vấn đề theo kế hoạch đề ra và vấn đề an sinh, phát huy nhiều nguồn nhân lực để chăm lo cho đội ngũ y tế, không chỉ từ ngân sách.
Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin, chính sách chăm lo cho tuyến đầu phòng chống dịch là chính sách xuyên suốt của TP Hồ Chí Minh theo chủ trương chỉ đạo của Trung ương.
Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 37 ngày 29/3/2020 về một số chế độ đặc thù trong phòng chống dịch (theo đó, các đối tượng được hưởng tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày), ngay thời điểm đó, TP đã có Nghị quyết của HĐND TP Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch.
Trong đó, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nâng mức hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng tham gia phòng chống dịch thời điểm đó là 120.000 đồng/người/ngày.
Ngày 28/2/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 16 về chi phí cách ly y tế và một số chế độ khám chữa bệnh, phòng chống dịch (quy định chế độ tiềm ăn là 80.000 đồng/người/ngày).
TP Hồ Chí Minh cũng đã có một Nghị quyết của HĐND TP, trong đó mở rộng thêm một số đối tượng được hỗ trợ tiền ăn so với Nghị quyết 16 của Chính phủ và nâng mức chế độ tiền ăn cho những người tham gia là 120.000 đồng/người/ngày.
Hầu hết nhân viên y tế tuyến đầu phòng chống dịch được miễn chỗ lưu trú mà không phải về nhà
Về chế độ lưu trú, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố quan tâm y bác sĩ - những người tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân Covid-19, có chế độ lưu trú để tránh lây nhiễm cho người nhà và nhiễm bệnh từ cộng đồng.
Theo đó, quy định định mức ở các quận huyện và TP Thủ Đức không quá 450.0000 đồng/người/ngày và tại các huyện không quá 350.000 đồng/người/ngày.
Nhờ chính sách này, hiện nay hầu hết các nhân viên y tế tuyến đầu phòng chống dịch, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân Covid-19 được miễn chỗ lưu trú mà không phải về nhà.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin, TP Hồ Chí Minh đã có chính sách với các cơ sở y tế công lập trên địa bàn, các bệnh viện đã chuyển đổi công năng một phần hoặc toàn bộ sang điều trị Covid-19. Trước đây, các bệnh viện trên địa bàn TP thực hiện cơ chế tự chủ tài chính.
Khi chuyển đổi công năng, TP Hồ Chí Minh quay sang chế độ hưởng ngân sách nhà nước, đảm bảo lương, phụ cấp, chi phí vận hành bệnh viện, kể cả thu nhập tăng thêm của nhân viên y tế theo Nghị quyết 03 của HĐND TP Hồ Chí Minh đảm bảo đầy đủ, không giảm so với thu nhập năm 2020.
Đối với những nhân viên, cán bộ viên chức, tại các bệnh viện không phải điều trị Covid-19, tình nguyện đến những bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức để cách ly điều trị, hưởng chế độ như cán bộ, viên chức, người lao động của những bệnh viện đã chuyển đổi công năng.
Ngoài ra, gần đây Nghị quyết 12 của HĐND TP ngày 24/8, có chính sách hỗ trợ lực lượng tuyến đầu có mức từ 1,5 đến 10 triệu đồng/người tùy vào tính chất công việc tham gia.
Ngoài các chính sách của Nhà nước, thời gian qua, nguồn vận động xã hội hóa thông qua MTTQ rất nhiều, đã hỗ trợ cho những nhân viên y tế về khẩu phần ăn, nước uống, trái cây…