Bộ Y tế bàn giải pháp Đổi mới cơ chế tài chính

Bộ Y tế bàn giải pháp Đổi mới cơ chế tài chính
(GD&TĐ)- Ngày 7/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị khoa học kinh tế y tế lần thứ nhất nhằm tìm các giải pháp huy động các nguồn lực tài chính cũng như việc phân bổ để đảm bảo tính công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an sinh cộng đồng. Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Quốc Triệu chủ trì hội nghị.
Từ năm 2000 đến nay, các bệnh viện công lập đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ về cơ chế tài chính thông qua việc triển khai chủ trương “xã hội hóa” và giao quyền tự chủ tài chính. Nhờ vậy các  cơ sở y tế đã cải thiện được quản lý chuyên môn và nhân lực, đổi mới kĩ thuật trong hoàn cảnh kinh phí nhà nước chưa cung cấp, đồng thời tạo thu nhập cho cán bộ và nhân viên bệnh viện. 
Hội nghị khoa học kinh tế y tế lần thứ nhất vào sáng 7/12. Ảnh,gdtd.vn
Hội nghị khoa học kinh tế y tế lần thứ nhất vào sáng 7/12. Ảnh,gdtd.vn 
Nguồn lực tài chính chủ yếu cho các bệnh viên công lập hiện nay chỉ gồm: ngân sách nhà nước, các nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp của bệnh viện (từ quỹ bảo hiểm y tế và viện phí trực tiếp của người bệnh), trong đó nguồn thu chính là các nguồn chi trả cho các dịch vụ do bệnh viện cung cấp, bao gồm chi trả của Bảo hiểm Y tế và viện phí trực tiếp. Nguồn thu này chiếm tỷ trọng cao: gần 97% ở bệnh viện tự chủ toàn phần, 72% ở bệnh viện tuyến trung ương, gần 82% tại bệnh viện tuyến tỉnh và gần 55% ở bệnh viện tuyến huyện. Tuy nhiên những con số này so với thế giới vẫn còn thấp.
 Dự kiến trong tương lai, Việt Nam đặt mục tiêu bao phủ Bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014 và đổi mới phương thức chi trả, thay vì chi trả phí theo dịch vụ, các cơ sở y tế sẽ áp dụng phương pháp chi trả định suất- Là phương thức chi trả trong đó quỹ bảo hiểm y tế cấp cho cơ sở y tế một khoản tiền bằng số người đăng kí khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế tại cơ sở cùng với định suất phí. Ngân sách này được gọi là quỹ bảo hiểm y tế tại cơ sở và được sử dụng để giải quyết nhu cầu khám chữa bệnh. 
Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội cho biết: “Theo xu hướng bảo hiểm y tế- đây là xu hướng tạo ra sự công bằng nhất. Bảo hiểm y tế sẽ tạo ra sàn chăm sóc sức khỏe  cơ bản cho mọi người. Còn những ai nghèo được nhà nước cho tiền tham gia bảo hiểm Y tế, được bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên đối với  loại sử dụng dịch vụ cao, chúng ta có quy định bảo hiểm Y tế sẽ chi trả hỗ trợ bao nhiêu phần trăm. Người nghèo cũng không phải chi trả nếu nó vượt mức cao một cách quá mức”. 
Tại Hội nghị, các đại biểu khẳng định: Việc thực hiện đổi mới tài chính bệnh viện trong những năm tới cần chú trọng vào phát triển nhanh và vững chắc Bảo hiển Y tế và coi đây là nguồn thu chính thay cho viện phí; Cần nhanh chóng áp dụng và thực hành việc xác định giá thành, định giá phù hợp và tìm ra phương thức thu phù hợp với từng đối tượng, xây dựng các chính sách chăm sóc sức khỏe dành cho người nghèo, các nhóm đối tượng thuộc chính sách xã hội; cân đối giữa việc mang lại hiệu quả và việc đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đề cao hình thức không vì lợi nhuận trong khi phát triển y tế tư nhân, khuyến khích các bệnh viện tư nhân tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Việc xác định cơ chế tài chính đúng sẽ làm giảm nguyên nhân gây ra nghèo đói do chi phí dành cho chăm sóc sức khỏe gây ra, thông qua đó ảnh hưởng đến việc xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội. 
Tài chính y tế là một yếu tố quan trọng để đảm bảo nguồn vốn và cách phân bổ cho các hoạt động y tế nhằm giúp người dân, nhất là người nghèo vượt qua những khó khăn và rủi ro do chi phí dành cho chắm sóc sức khỏe gây ra. 
Đinh Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...